Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sudan: Cựu Tổng thống al-Bashir bị từ chối bảo lãnh trong phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng

Thứ hai, 09/09/2019 - 08:39

(Thanh tra) - Nhà lãnh đạo 75 tuổi bị buộc tội sở hữu ngoại tệ bất hợp pháp và sử dụng trái phép các nguồn quỹ nước ngoài.

Al-Bashir đã phủ nhận việc sở hữu ngoại tệ bất hợp pháp và chấp nhận quà tặng như một hình thức hối lộ. Ảnh: Mohamed Nureldin Abdallah / Reuters

Hôm thứ Bảy vừa qua, các quan chức cho biết cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã bị tòa án ở thủ đô Khartoum từ chối cho ông được thực hiện quyền tại ngoại. Vụ án tham nhũng này đã được đưa ra xét xử sau khi ông al-Bashir bị cách chức vào đầu năm nay.

Ông al-Bashir, người đã trị vì Sudan trong gần 30 năm, bị buộc tội thu lợi bất chính, hối lộ và nhận quà tặng trái pháp luật, bao gồm 90 triệu USD tiền mặt từ hoàng gia Ả Rập Xê-út.

Tuần trước, trong lần phát biểu công khai lần đầu tiên kể từ khi bị cách chức, ông al-Bashir nói rằng ông đã nhận được 25 triệu USD từ Hoàng tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman, nhưng tuyên bố ông không sử dụng tiền với mục đích cá nhân.

Các nhà điều tra cho biết họ đã tìm thấy hơn 130 triệu USD khi họ đột kích vào nhà của al-Bashir sau khi quân đội lật đổ ông vào hồi tháng Tư.

Các cáo buộc chống lại cựu tổng thống 75 tuổi có thể sẽ khiến ông chịu án tù tối đa khoảng 10 năm. Phiên điều trần tiếp theo được ấn định vào ngày 14 tháng 9.

Trong phiên điều trần lần thứ tư vào hôm thứ Bảy vừa qua, chánh văn phòng của ông al-Bashir đã khai rằng ông al-Bashir là người duy nhất có chìa khóa vào một căn phòng tại dinh tổng thống nơi chứa hàng triệu euro.

Yasser Basheer, phát biểu với vai trò là nhân chứng cho bên bị đơn, cho biết cựu tổng thống đã cho ông hơn 10 triệu euro tiền mặt (11 triệu USD) trong những tháng cuối cùng cầm quyền để giao cho các bên khác nhau.

Ông đã làm việc cho ông al-Bashir từ tháng 9 năm 2018, cho biết tổng thống khi đó đã từng trao cho ông 5 triệu euro (5,6 triệu USD) cho ông Abdelrahim Hamdan Dagalo, phó giám đốc của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh Bán quân sự (RSF).

Ông Basheer cho biết khoản tiền đã được chuyển đến trước sự chứng kiến ​​của anh trai Abdelrahim và người đứng đầu RSF Mohamed Hamdan Dagalo, còn được gọi là Hemeti, người đồng thời là phó chủ tịch Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp (TMC), tổ chức chính trị thực nắm quyền cai trị Sudan sau khi cách chức ông al-Bashir.

Ông Hemeti hiện là thành viên của Hội đồng Chủ quyền được thành lập dựa trên một thỏa thuận chia sẻ quyền lực quân sự-dân sự.

Ông Basheer cho biết những người nhận tiền khác bao gồm các sĩ quan trong Bộ Quốc phòng và thường dân để điều trị y tế, nói thêm rằng ông không biết nguồn tiền và chỉ làm theo lệnh.

Trong khi ông al-Bashir không phát biểu tại phiên điều trần hôm thứ Bảy, ông đã phủ nhận các cáo buộc trong bài phát biểu của mình vào tuần trước.

Báo cáo từ Khartoum, phóng viên Hiba Morgan của tờ Al Jazeera cho biết nhóm gần 130 luật sư của al-Bashir lập luận rằng số tiền "được trao cho ông ấy với tư cách là một người bình thường chứ không phải là tổng thống".

Các luật sư, theo như Morgan ghi lại, nói với tòa án rằng tất cả các giao dịch tài chính của ông al-Bashir, "mỗi khoản tiền ông ấy đã cho đi, đã được ghi lại và có tài liệu để chứng minh điều đó".

Trong khi phiên tòa của al-Bashir đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, Morgan cho biết nhiều người dân Sudan gọi đó là "phiên tòa giả mạo" vì nó không bao gồm cả việc xét xử sự tàn bạo trong suốt 30 năm cầm quyền của ông.

Morgan nói rằng những người biểu tình trên đường phố cho biết phiên tòa đang được sử dụng để "đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những tội ác thực sự" của chính phủ al-Bashir.

Ông a l-Bashir bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã vì cáo buộc thực hiện những tội ác tàn bạo ở vùng Darfur hơn một thập kỷ trước, trong một cuộc chiến tranh đã giết chết khoảng 300.000 người và buộc 2,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Cuộc xung đột nổ ra vào năm 2003 khi các nhóm dân tộc thiểu số cầm vũ khí chống lại chính phủ của ông al-Bashir, cáo buộc đó là sự phân biệt đối xử và không quan tâm đến đời sống nhân dân.

ICC tại The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ ông vào năm 2009 và 2010 về các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng ở Darfur.

Trần Minh Tuấn (Theo Al Jazeera)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm