Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 09/06/2015 - 07:01
(Thanh tra)- Trong thời gian gần đây, ở nhiều nước Trung Mỹ liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình chống tham nhũng, yêu cầu lãnh đạo Chính phủ từ chức, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt, xử lý tình trạng tham nhũng đang diễn ra “như cơm bữa”, gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và làm giảm sút niềm tin, giảm sút điều kiện và chất lượng sống của người dân.
Một em bé đeo băng rôn trên đầu phản đối tham nhũng, cùng cha mẹ tham gia cuộc biểu tình ở Thủ đô Tegucigalpa, Honduras. Ảnh: AFP
Tại Honduras, mấy ngày qua, Tổng thống Juan Orlando Hernandez phải đối mặt với cuộc biểu tình của hàng trăm nghìn người dân, diễn ra ở nhiều thành phố lớn, sau khi có thông tin đảng chính trị của ông dính líu tới biển thủ công quỹ.
Đoàn người biểu tình yêu cầu Tổng thống phải từ chức, nếu không xử lý dứt điểm được vụ bê bối này; yêu cầu Chính phủ phải có biện pháp mạnh tay nhằm xóa bỏ tình trạng tham nhũng “có hệ thống” đang ăn sâu, bám chặt trong mọi lĩnh vực, mọi cấp, ngành, đặc biệt là trong nội bộ Đảng Quốc gia cầm quyền.
Đối mặt với sự căng thẳng của cuộc biểu tình, Tổng thống Honduras thừa nhận, có bê bối biển thủ xảy ra trong nội bộ Đảng Quốc gia, với số tiền khoảng 136 nghìn USD và khẳng định sẽ mở cuộc điều tra nghiêm túc, chặt chẽ, quyết liệt, đồng thời sẽ trừng trị không khoan nhượng những đối tượng liên quan. “Như mọi người, bản thân tôi và nhiều quan chức Chính phủ rất phẫn nộ về vụ bê bối này. Không ai được phép đút túi riêng hoặc chi tiêu vô tội vạ tiền thuế của dân. Bất kể ai, kể cả người trong đảng cầm quyền hay trong Chính phủ, kể cả người thân, bạn bè của những người đó, nếu có hành vi sai phạm sẽ bị xử lý ngay, không dung thứ”, Tổng thống Juan Orlando Hernandez khẳng định.
Số tiền 136 nghìn USD bị biển thủ được phát hiện sau cuộc kiểm toán nội bộ của đảng cầm quyền. Bê bối được cho là xảy ra tại Viện An sinh Xã hội Honduras (IHSS). Tuy nhiên, theo Tổng thống Honduras, vụ biển thủ này diễn ra trước thời điểm ông tranh cử và đắc cử Tổng thống. “Khi mới chỉ là một quan chức nhỏ, tôi đã nghe về thông tin những băng nhóm tội phạm có tổ chức luôn tìm mọi cách sử dụng tiền để can thiệp vào các chiến dịch tranh cử lập pháp, tranh cử các cấp chính quyền, thậm chí cả cuộc bầu cử Tổng thống. Giờ đây, tôi và Chính phủ khẳng định, không bao giờ chấp nhận và cho phép điều này xảy ra. Mọi thành viên Chính phủ, mọi chính trị gia sẽ phải công khai, minh bạch các khoản thu nhập để các cơ quan liên quan có thể dễ dàng theo dõi, kiểm soát và xử lý ngay khi phát hiện sai phạm”, Tổng thống Honduras nhấn mạnh.
Tổng thống Honduras cũng cam kết, trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ông sẽ cùng Chính phủ đặt nhiệm vụ trọng tâm là chống lại 2 kẻ thù ghê gớm nhất của đất nước là buôn bán ma túy và tham nhũng.
Nói là làm, ông đã đề nghị các cơ quan an ninh tích cực, khẩn trương điều tra vụ bê bối biển thủ ở IHSS cũng như nhiều vụ bê bối tham nhũng khác và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi đối tượng có hành vi tham nhũng, gian lận, biển thủ.
Honduras không phải là quốc gia duy nhất ở Trung Mỹ hiện đang chìm trong những cuộc biểu tình phản đối tham nhũng. Ở Panama, các cuộc biểu tình diễn ra từ nhiều ngày nay, khiến Chính phủ phải phát lệnh truy nã cựu Tổng thống Ricardo Martinelli, người đã trốn chạy khỏi Panama khi bị điều tra vì những cáo buộc tham nhũng, biển thủ công quỹ.
Cùng bị điều tra còn có nhiều bộ trưởng và quan chức thân cận dưới thời ông Ricardo Martinelli. Trong đó, nhiều cựu quan chức đã bị tạm giam để phục vụ cho cuộc điều tra.
Theo thông tin từ cơ quan an ninh điều tra Panama, trong chiến dịch tranh cử vào năm 2009, ông Ricardo Martinelli đã đặt trọng tâm là chống tham nhũng và bất công. Thế nhưng, sau 5 năm cầm quyền (năm 2014), những gì ông Ricardo Martinelli nói và làm hoàn toàn trái ngược nhau. Theo Bộ Tư pháp Panama, họ đang tiến hành điều tra chương trình trị giá 45 triệu USD, được thực hiện dưới thời cựu Tổng thống Ricardo Martinelli. Đây là chương trình quốc gia cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm cho các trường tiểu học, nằm trong chiến dịch hành động xóa đói, giảm nghèo của Panama. Chiến dịch này được triển khai rất ít, nhưng tiền ngân sách thì đã chi đủ… 45 triệu USD.
Bộ Tư pháp Panama cho biết thêm, đang mở cuộc điều tra liên quan đến dự án mở rộng các sân bay của Panama, đặc biệt là Sân bay Quốc tế Tocumen. Các dự án này đều có dấu hiệu biển thủ công quỹ thông qua hoạt động xây dựng, quản lý và điều hành hoạt động của sân bay. Nghiêm trọng nhất là tại Sân bay Quốc tế Tocumen.
Theo tuyên bố của Tổng thống Panama Juan Carlos Varela, số ngân sách bị biển thủ trước đây có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Số tiền này được các cựu quan chức sử dụng để mua các loại xe ô tô siêu sang, mua biệt thư xa hoa, du thuyền lộng lẫy và mua nhiều loại tài sản có giá trị khác.
Để nghiêm trị những đối tượng tham nhũng, cũng như thể hiện cam kết không khoan nhượng đối với tham nhũng, Tổng thống Panama đã có nhiều động thái tích cực, như tiến hành điều tra, giám sát một loạt cựu quan chức, trong đó có cựu Bộ trưởng Kinh tế, cựu Bộ trưởng Phát triển Xã hội, cựu Giám đốc Cảnh sát Quốc gia…
Còn ở Guatemala, quốc gia láng giềng sát đường biên giới phía Tây với Honduras, những cuộc biểu tình cũng liên tiếp diễn ra và chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhằm phản đối tình trạng tham nhũng tràn lan cũng như sự yếu kém của Chính phủ đương nhiệm trong việc xử lý vấn nạn tham nhũng.
Trong mấy tháng qua, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối tham nhũng đã diễn ra tại Guatemala. Gần đây nhất là cuộc biểu tình được tổ chức bắt đầu từ ngày 31/5 và đến nay (8/6), vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Cuộc biểu tình này với sự tham gia của hàng chục nghìn người, diễn ra ở Thủ đô Guatemala (nằm ở phía Nam Guatemala). Đoàn biểu tình đã yêu cầu Tổng thống Otto Pérez phải từ chức vì đã để xảy ra quá nhiều bê bối tham nhũng trong Chính phủ, cũng như không hề có biện pháp khả thi, cứng rắn nào nhằm trấn áp, xử lý tội phạm tham nhũng.
Dưới áp lực của các đoàn biểu tình, đến nay, nhiều quan chức cấp cao của Guatemala đã phải từ chức, trong đó có Phó Tổng thống Guatemala Roxana Baldetti; Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Erick Archila; Tổng Thư ký Phủ tổng thống Gustavo Martinez Luna.
Ngoài ra, cũng đã có 2 cựu quan chức cấp cao bị bắt giữ, điều tra vì những cáo buộc tham nhũng, biển thủ, đó là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Guatemala và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Guatemala.
Tuy nhiên, trước hàng loạt cuộc từ chức của các quan chức thân cận, dưới quyền, cũng như trước áp lực rất lớn do cuộc biểu tình hiện nay gây ra, Tổng thống Guatemala vẫn cương quyết khẳng định sẽ không từ chức cho đến hết nhiệm kỳ (tháng 1/2016). “Tôi không có lý do gì để phải từ chức. Tuy nhiên, tôi cam kết sẽ cùng Chính phủ đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống tham nhũng, cũng như xử lý kiên quyết những trường hợp dính líu tới các vụ bê bối tham nhũng, biển thủ”, Tổng thống Otto Pérez khẳng định.
Nhật Minh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà