Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phụ nữ Brazil cảm thấy bất an trước quyết định nới lỏng Luật Sở hữu súng

Thứ ba, 29/01/2019 - 10:10

(Thanh tra) - Một động thái cho phép có thêm nhiều người sở hữu súng đang làm dấy lên nhiều nghi ngại trong một xã hội nơi mà bạo lực gia đình đang hoành hành.

Một người đàn ông đang sử dụng súng lục trong một buổi luyện tập tại câu lạc bộ súng Calibre 12 ở Sao Goncalo. Quyết định nới lỏng Luật Sở hữu súng của ông Jair Bolsonaro khiến các nhà vận động nữ quyền ở Brazil cảm thấy vô cùng thất vọng. Ảnh: Léo Corrêa /AP

Cam kết giúp cho những “công dân tốt” khác dễ dàng mua súng để tự vệ đã giúp Jair Bolsonaro ngồi vào chiếc ghế Tổng thống. Nhưng người ta cũng cảnh báo rằng việc Tổng thống Brazil ký sắc lệnh nới lỏng Luật Sở hữu súng sẽ khiến tình trạng bạo lực đối với phụ nữ thậm chí còn tồi tệ hơn - và dễ dàng gây chết người hơn nhiều.

“Tôi tin rằng đây là một biện pháp rất tiêu cực và điều này sẽ dẫn đến việc nhiều phụ nữ bị đe dọa bởi bạo lực,” Maria da Penha, nhà hoạt động nữ quyền đã thay đổi luật kiếm soát bạo lực gia đình của Brazil, cho biết. “Sắc lệnh này cần được xem xét lại.”

Ở một đất nước mà an ninh trật tự ở nơi công cộng không hề được đảm bảo, ai cũng biết đến câu chuyện của bà Da Penha. 

Vào tháng 5/1983, khi đang ngủ ở nhà tại Fortaleza thì bị chồng bắn vào lưng, khiến bà bị tê liệt. Bốn tháng sau, khi bà được phép xuất viện, ông ta vẫn được tự do - và đã cố gắng giết bà lần nữa. Lần này là cố gắng khiến bà bị điện giật khi tắm.

Cuộc đấu tranh đòi công lý của bà cuối cùng đã dẫn đến sự hình thành luật Maria da Penha. Luật này thiết lập các tòa án và đồn cảnh sát đặc biệt, và áp dụng các biện pháp bảo vệ ví dụ như là các lệnh cưỡng chế.

Những người biểu tình vì nữ quyền trong cuộc biểu tình chống lại ông Jair Bolsonaro trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái. Ảnh: Mauro Pimentel / AFP / Getty Images

Bất chấp điều này và các luật mạnh mẽ khác bảo vệ phụ nữ, bạo lực gia đình ở Brazil vẫn đang hoành hành khắp nơi. 

Các nhà vận động nữ quyền, những người đã chỉ ra rằng một nửa trong số các vụ giết phụ nữ năm 2016 có liên quan đến súng, cho biết việc cho phép những người không có tiền án tiền sự sở hữu tới bốn khẩu súng tại nhà sẽ khiến khả năng xảy ra án mạng do bạo lực gia đình gia tăng. 

Trong năm 2017, 4.539 phụ nữ đã bị sát hại, tăng 6,1% so với năm trước, theo Diễn đàn Công an Brazil. 

Số lượng các vụ hiếp dâm cũng tăng 8%, lên 60.018 vụ.

Kể từ khi có sắc lệnh của Tổng thống Brazil, những người sống sót sau bạo lực gia đình đã sử dụng hashtag #SeEleEstivesseArmado (nếu anh ta đã có súng) để thể hiện nỗi lo sợ của mình rằng nếu kẻ tấn công họ đã có quyền sử dụng súng, thì họ đã chết rồi.

“Bạn trai cũ của tôi thấy việc đuổi theo tôi 200km sang tận một quốc gia khác, xâm phạm nhà tôi, quấy rối và đe dọa tôi là hết sức bình thường”, một người kể lại. “Ngày hôm đó, mỗi lần anh ta thò tay vào trong ba lô, tôi nghĩ anh ta sẽ rút ra một khẩu súng. Nếu hôm ấy anh ta có mang theo súng, tôi đã phải bỏ mạng rồi.”

Một dòng tweet khác có nội dung: “Đối với những người từng trải qua một mối quan hệ đầy bạo lực, có một câu hỏi vẫn cứ mãi quẩn quanh trong đầu: Anh ta mà quay lại và cầm theo vũ khí thì sao?”

Debora Diniz, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Brasilia, khi giải thích về sự hấp dẫn của lập trường của ông Bolsonaro về quyền sở hữu súng đối với những phụ nữ đã bỏ phiếu cho ông vào tháng 11 vừa rồi và những người khác ủng hộ sắc lệnh, đã nói rằng: “Chúng ta sống trong một xã hội mà nỗi sợ hãi đang ngự trị. Chúng ta sợ hãi việc đi lại ngoài đường và chỉ muốn tìm kiếm một giải pháp dễ dàng.”

Diniz cảnh báo rằng việc “nhập khẩu” tư tưởng chính trị kiểu Mỹ rằng mỗi cá nhân có quyền bảo vệ tài sản riêng của họ, vào một đất nước có tư tưởng trọng nam khinh nữ như Brazil, là đang khiến cuộc sống người phụ nữ ngày càng khó khăn hơn. Lí do cho việc này là những người phụ nữ Brazil có thể được coi như là một phần tài sản riêng của người đàn ông.

"Đàn ông có ham muốn sở hữu súng. Đối với những người khao khát sở hữu súng và những người sử dụng súng để giết người, vấn đề giới tính có sức ảnh hưởng nhất định đến việc sử dụng vũ khí", Diniz viết trên El Pais, cho rằng người làm chính sách về sử dụng vũ khí phải hết sức nhạy cảm đối với các quy tắc giới của một quốc gia. Femicide (giết phụ nữ) là một từ được phát minh ở Châu Mỹ Latinh. Khu vực nơi chúng ta sống là thế giới có rất nhiều phụ nữ đã phải chết dưới tay chồng, bạn trai, cha và con trai của họ.

"Nếu bây giờ có những trường hợp phụ nữ Brazil sống sót sau những vụ giết người có chủ đích, thì phần lớn là do công cụ bạo lực là đánh đấm thông thường hoặc các công cụ khác ít gây chết người hơn, như dao hoặc dây thừng. Trong trường hợp sử dụng súng, cơ hội sống sót của phụ nữ là cực kỳ ít."

Cuộc tranh luận về chính sách kiểm soát súng đã thể hiện bản chất của sự chia rẽ trong nội bộ đất nước Brazil, khi đất nước này bắt đầu thích nghi với một Tổng thống mới. Trong khi nhiều người chỉ trích gay gắt ông Bolsonaro vì những phát ngôn kỳ thị nữ giới và đồng tính luyến ái, thì sự cứng rắn của ông ta đối với tội phạm lại nhận được sự ủng hộ của những người phụ nữ đang hoang mang vấn nạn tội phạm bạo lực đang hoành hành khắp nơi.

Chụp ảnh khoác lá cờ Brazil, với một khẩu súng lục nhô ra từ quần jean của mình, Phó Thống đốc bang São Paulo Leticia Aguiar nằm trong số những người ủng hộ nổi tiếng. Bà cho rằng phụ nữ là nạn nhân chính của chính sách giải trừ vũ khí dân sự trước đây.

“Một người phụ nữ không được bảo vệ là một mục tiêu chính của những kẻ hiếp dâm. Một người phụ nữ được trang bị vũ khí thì có thể sẵn sàng đương đầu với nhưng mối nguy hiểm trong cuộc sống hàng ngày và, theo quan điểm của tôi, thậm chí có thể được coi là một công dân ủng hộ trật tự xã hội, bà phát biểu. Aguiar tự nhận mình là “con gái nuôi” của ông Bolsonaro.

Quan điểm đó không hề được ủng hộ bởi những nhà luật sư công, những người đã đưa ra các tuyên bố cảnh báo rằng sắc lệnh sẽ làm tăng nguy cơ phụ nữ bị giết hại. 

Một luật sư công tại São Paulo đã xây dựng một biện pháp bảo vệ để ngăn chặn việc sở hữu vũ khí bởi bất kỳ ai có tiền án tiền sự bạo lực gia đình, tuân theo các quy tắc trong Luật Maria da Penha.

Một số người chỉ ra rằng, luật giúp việc sở hữu súng dễ dàng hơn sẽ không hề giúp phụ nữ nghèo tự bảo vệ mình, vì họ không thể đủ khả năng để mua một khẩu súng.

Trong các cộng đồng nơi bạo lực lan tràn, ý tưởng đưa vào sử dụng nhiều vũ khí hơn được xem là hoàn toàn điên rồ. Phụ nữ ở những khu vực như vậy chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bạo lực súng đạn, không chỉ từ các băng đảng buôn bán ma túy mà còn từ cảnh sát quân sự đang thực hiện nhiệm vụ.

“Việc sở hữu súng dễ dàng hơn thực sự rất tệ, bởi vì chúng ta đang sống trong một cuộc nội chiến” - Jenifer Rodriguez (*), hiện sống ở khu ổ chuột ở Duque de Caxias gần Rio de Janeiro, cho biết. “Tuần này tôi bị đánh thức bằng một khẩu súng dí vào đầu vì cảnh sát đã vào khu ổ chuột này và họ có chìa khóa để mở tất cả các cửa của chúng tôi. Thật là khủng khiếp, họ giữ tôi ở đó trả lời các câu hỏi trong hai giờ và tịch thu điện thoại của tôi. Khi tôi rời khỏi nhà những ngày này, tôi không biết mình có thể sống sót trở về nhà được không.”

Giáo dục là vũ khí để bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực, chứ không phải súng, Da Penha cho biết. “Chỉ giáo dục từ khi còn nhỏ có thể loại bỏ văn hóa trọng nam khinh nữ và kỳ thị đồng tính luyến ái. Chúng ta cần giúp phụ nữ chống lại lối suy nghĩ lạc hậu đó.”

* Tên nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ danh tính

Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm