(Thanh tra) - Tình hình ô nhiễm môi trường ở các nước châu Á đang có diễn biến xấu trong những năm gần đây. Tại thành phố lớn của các nước như: New Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc), các chuyên gia phát hiện ra mức độ ô nhiễm không khí đều ở mức báo động nguy hiểm đối với cuộc sống của con người.
Vấn đề ô nhiễm môi trường tại châu Á giờ đây đang trở thành vấn đề toàn cầu.
Mới đây, một báo cáo kết quả của dự án môi trường kéo dài gần thập kỷ của Viện Hàn lâm Khoa học (PNAS) chỉ ra rằng ô nhiễm không khí châu Á đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình bão Thái Bình Dương, và có thể chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thời tiết bất thường tại khu vực vĩ độ trung bình của Bán cầu Bắc, bao gồm cả Mỹ và Canada.
Bắc Kinh: “Con người khó thể sống khỏe mạnh tại đây”
Theo số liệu từ bản báo cáo trên, mật độ hạt bụi PM2.5 trong 6 năm tại thành phố Bắc Kinh đều trên 100 microgram/mét khối, gấp 4 lần tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 microgram/mét khối. Đỉnh điểm là vào tháng 1/2013, Trung tâm Giám sát môi trường thành phố Bắc Kinh cho biết mật độ hạt bụi PM2.5 đã vượt qua 700 microgram/mét khối ở nhiều nơi trong thành phố, người dân được khuyến cáo là ở trong nhà, số người nhập viện trong thành phố tăng thêm 20%.
PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, khoảng 1/30 chiều rộng trung bình của một sợi tóc con người. Bụi này có thể xâm nhập sâu vào phổi. Đo mật độ các hạt bụi này được coi là chính xác hơn các phương pháp đo lường ô nhiễm không khí khác. Đơn vị đo là: microgram trên một mét khối (microgram/ mét khối) |
Bụi PM2.5 xuất hiện do hậu quả đốt nhiên liệu xe hơi và nhà máy điện chạy than đá đang “bùng nổ” tại Trung Quốc. Vào mùa Đông, mức ô nhiễm cao hơn vì có nhu cầu đốt nhiên liệu để sưởi ấm, không khí ẩm thấp và ít gió thổi bụi đi nơi khác, mật độ PM2.5 tích tụ trong không khí sẽ dầy đặc và độc hại hơn. Theo báo cáo, những ngày có mật độ ô nhiễm thấp nhất thường trùng vào khoảng thời gian diễn ra Phiên họp Quốc hội thường niên, lúc đó mật độ thường giảm xuống dưới 100 microgram/mét khối.
Sau khi báo cáo được công bố, hàng loạt các cuộc tranh luận về chất lượng không khí của Trung Quốc xảy ra khắp nơi, thậm chí một số quan chức Trung Quốc còn phát động những chiến dịch giám sát không khí độc lập khắp nơi trên đất nước.
Chính phủ Trung Quốc hiện xem xét đưa ra những biện pháp nhằm giảm tình trạng báo động môi trường tại Bắc Kinh cũng như nhiều nơi khác trong đất nước. Không chỉ chịu sức ép từ người dân nước mình, Trung Quốc đang nhận nhiều chỉ trích từ quốc tế, đặc biệt là Mỹ, nước này cho rằng Trung Quốc là thủ phạm gây ô nhiễm chính tại châu Á, làm ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu cũng như sức khỏe của người dân trên thế giới. Các chuyên gia môi trường cho rằng, con người không thể sống khỏe mạnh trong môi trường ô nhiễm cao như vậy, Chính phủ Trung Quốc cần có biện pháp cụ thể để cải thiện tình hình trên.
Bộ Bảo vệ Môi trường (MEP) của Trung Quốc cho biết, Luật Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 1989 dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay sau một thời gian dài thực hiện. Hiện tại, một số chi tiết tại Dự thảo thứ 4 vẫn đang được đưa ra thảo luận, trong đó, nguyên tắc “ưu tiên môi trường cao hơn nền kinh tế” đã được đồng ý và ghi nhận, đây được đánh giá là “sự thay đổi lớn”, theo giáo sư luật Cao Minh Đức đến từ Khoa Khoa học Chính trị và Pháp luật, Đại học Trung Quốc, một người tham gia quá trình soạn thảo Luật Sửa đổi cho biết.
Giới chuyên gia Trung Quốc bày tỏ hy vọng, sự thay đổi đầu tiên trong Bộ luật 25 năm sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý cho cuộc chiến mới chống ô nhiễm môi trường và cũng là sự cam kết chính thức chấm dứt mô hình kinh tế cũ - vốn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho đất và không khí kéo dài trong nhiều năm.
Luật Môi trường Sửa đổi sẽ tăng thêm quyền hạn cho Bộ Bảo vệ Môi trường để xử lý mạnh tay hơn đối với các doanh nghiệp, công ty công nghiệp như Tổng Công ty Sinopev và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia… Trước đây, Bộ chỉ có thể xử phạt hành chính và quản lý trong thời hạn nhất định, thì bây giờ, Bộ được phép đóng cửa và tịch thu những doanh nghiệp và công ty “cứng đầu” không hợp tác trong vấn đề giảm khí thải tại nhà máy. Thêm nữa, hình phạt sẽ được thiết lập ở mức độ toàn diện hơn, nghĩa là hệ thống phạt tiền tối đa sẽ bị chấm dứt, nếu doanh nghiệp cố tình tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, họ sẽ phải trả một khoản phí phạt gấp nhiều lần so với phí phạt ban đầu. Thậm chí, hình phạt hình sự cũng sẽ được áp dụng đối với những cá nhân, doanh nghiệp cố gắng “lách, trốn” hệ thống giám sát ô nhiễm.
Ông Cao Minh Đức cũng cho biết, dự thảo cuối cùng có khả năng bao gồm thiết lập “một đường đỏ sinh thái” xác định rõ những khu vực nào cần bảo vệ đang trong “điểm giới hạn”, không chịu thêm được sự ô nhiễm công nghiệp nào thêm nữa.
Ngoài ra, Luật Môi trường Sửa đổi cũng đề xuất chính thức hóa một hệ thống mà trong đó những cán bộ địa phương được đánh giá qua hồ sơ, ghi rõ những đề xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường và những gì đã đạt được.
Việc cam kết cải thiện tính minh bạch về sự ô nhiễm thông qua việc cung cấp dữ liệu toàn diện, thời gian thực của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng được giới chuyên môn hoan nghênh và đánh giá cao.
New Delhi - thành phố “ô nhiễm nhất châu Á”
Đây là kết luận gây tranh cãi trong một báo cáo môi trường của Trường Đại học Yale và Columbia công bố sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đưa ra số liệu về mức độ ô nhiễm tại thành phố Bắc Kinh.
Kết quả trên đây của Trường Đại học Yale và Columbia chỉ rõ rằng mức độ ô nhiễm không khí tại New Delhi nghiêm trọng hơn tại Bắc Kinh rất nhiều
Trước vấn đề này, Bộ Môi trường Ấn Độ đã yêu cầu xhính quyền các tỉnh, thành phố, bao gồm cả Delhi, chuẩn bị kế hoạch hành động cải thiện chất lượng không khí. Đã 5 năm kể từ khi Kế hoạch soạn thảo Dự thảo về Môi trường được đem ra thực hiện, tuy nhiên dự thảo thì vẫn chưa hoàn thiện, trong khi chất lượng không khí tại Thủ đô càng ngày càng xấu đi. Các quan chức New Delhi thừa nhận sự chậm trễ, chủ yếu là do thiếu sự quan tâm giữa các phòng, ban khác nhau trong Chính phủ, trong việc đạt được một sự đồng thuận về chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí trong thành phố.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải Ấn Độ được cho là đơn vị có công trong việc góp phần cải thiện chất lượng không khí bằng cách đưa vào nhiều xe buýt chạy bằng khí CNG thân thiện với môi trường. Bộ Năng lượng cũng đang dự kiến thực hiện chương trình nâng cao nhận thức về việc sử dụng năng lượng mặt trời đến mọi người dân.
Tuy rằng, vấn đề chất lượng không khí của Delhi được các phòng, ban, bộ quan tâm, nhưng với việc thực hiện thiếu nghiêm túc, chậm trễ cùng một số yếu tố khách quan như bị gián đoạn bởi bầu cử, cho nên đến giờ, vấn đề môi trường tại Ấn Độ hầu như vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.
Giới chuyên môn hy vọng rằng "khi Chính phủ mới bắt đầu điều hành, quá trình trên sẽ khởi động trở lại với một kế hoạch 5 năm”. Mặc dù vậy, với tình hình hiện tại, xem ra vấn đề môi trường không phải nằm trong danh sách ưu tiên của Chính phủ mới, đồng nghĩa với việc vấn nạn ô nhiễm môi trường tại Ấn Độ sẽ không được giải quyết sớm và tình hình ô nhiễm không khí ngày càng tồi tệ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân tiếp tục tiếp diễn..
Thủ đô của hai nền kinh tế lớn của châu Á đều bị vấn đề “ô nhiễm môi trường” gõ cửa, tuy nhiên, với các biện pháp tích cực từ Chính phủ hai nước Ấn Độ, Trung Quốc, hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, duy trì ổn định môi trường toàn cầu.
Minh Việt