(Thanh tra) - Kết thúc cuộc điều tra trong suốt 5 năm, Tập đoàn năng lượng điện đa quốc gia của Pháp, Alstom, đang bị Văn phòng chống gian lận nghiêm trọng tại London yêu cầu cầu truy tố với những cáo buộc về việc sử dụng quỹ đen hối lộ để có những hợp đồng làm ăn béo bở tại nhiều quốc gia trên thế giới. Alstom đã lót tay các quan chức để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình dưới hình thức những công ty tư vấn.
Siemens của Pháp
Công ty Alstom là đối tượng của các cuộc điều tra tham nhũng tại nhiều quốc gia: Pháp, Thụy Sĩ, Brazil, Mỹ.. trong suốt nhiều năm. Với những cáo buộc công ty hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực năng lượng và giao thông này, đã chi hàng trăm triệu USD "lót tay" để có được những hợp đồng béo bở trong giai đoạn từ năm 1995 - 2003.
Điển hình nhất là vụ hối lộ tại Brazil. Trong khoảng thời gian từ 1995 - 2003, Tập đoàn Alstom đã hối lộ các quan chức chính quyền địa phương nhằm giành được những hợp đồng cung cấp trang thiết bị cho hệ thống tàu điện ngầm của thành phố Sao Paulo (bang Sao Paulo, Đông Nam Brazil). Có ít nhất 10 người liên quan đến vụ bê bối, trong đó có 2 cựu Thống đốc bang Sao Paulo, 2 lãnh đạo của Công ty Năng lượng EPTE (công ty thuộc Chính phủ Brazil) và nhiều lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Alstom.
Tổng giá trị các hợp đồng mà Alstom giành được là 45 triệu USD và số tiền Alstom bỏ ra để hối lộ lên tới 6,8 triệu USD. Toàn bộ số tiền hối lộ này đã được "rửa" thông qua nhiều tài khoản ngân hàng được mở tại Thụy Sĩ, Luxembourg, New York (Mỹ) và Lichtentstein..
Vụ “lót tay” rùm beng này được giới truyền thông châu Âu gọi là "vụ Siemens mới" của Pháp, ám chỉ vụ bê bối lập quỹ đen từng xảy ra với công ty hàng đầu nước Đức..
Không chỉ rắc rối với Cơ quan tư pháp Brazil, Alstom cũng đã bị cảnh sát Pháp và Thụy Sĩ “sờ gáy” sau khi những khoản hối lộ cho quan chức nhằm kéo các hợp đồng lớn về cho công ty tại châu Á và Nam Mỹ trong giai đoạn từ 1999 - 2003 lần lượt bị phanh phui.
Tại Malaysia, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) đã cáo buộc ông Abdul Hamid Pawateh, Cựu Bộ trưởng của bang Perlis, Malaysia nhận 7,5 triệu franc Thụy Sĩ ( tuơng đương 8,1 triệu USD) từ Alstom với nhiệm vụ bảo đảm cho dự án nhà máy sản xuất điện tại Perlis vào những năm 1990 được thông qua trót lọt. Sau khi vụ việc vỡ lở, giám đốc Alstom tại Malaysia đã lên tiếng từ chối cáo buộc “hối lộ có hệ thống là những gì đang diễn ra trong tập đoàn Alstom", ông cho rằng, Alstom “chỉ là nạn nhân của hành vi sai trái của nhân viên trong công ty”.
Tuy nhiên, lời biện hộ trên không hề có sức thuyết phục khi mà mạng lưới “lót tay có hệ thống” của Alstom ngày một lan rộng xuyên quốc gia. Tại Tuynidi, áp dụng cùng chiêu bài, Alstom cũng đã đút vào túi ông Abderrahum Zouari, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Tuynidi một khoản tiền đủ nặng để Alstom vượt qua được các ứng viên khác giành được hợp đồng, mặc dù giá thành cao hơn hết thảy đối thủ còn lại.
Cuộc điều tra hợp tác giữa Thụy Sĩ – Pháp kết thúc vào năm 2009. Năm 2011, trong phiên tòa diễn ra tại Thụy Sĩ, tập đoàn Alstom bị phạt 38,9 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 43,8 triệu USD) vì hành vi hối lộ trái phép tại Latvia, Malaysia và Tunisia.
Ngựa quen đường cũ
Bản thành tích đút lót của Alstom trong khoảng 1993 - 2003 vẫn chưa dừng lại tại đây. Sau khi cuộc điều tra của cảnh sát Pháp – Thụy Sĩ kết thúc, SFO - Văn phòng chống gian lận nghiêm trọng tại London, là nơi thừa hưởng “di sản” cuộc điều tra tham nhũng Alstom.
Năm 2011, SFO tố cáo Alstom đã trả tiền cho những “công ty tư vấn ảo” để hối lộ các quan chức nước ngoài tại các quốc gia để trót lọt các bản hợp đồng từ năm 2004 - 2010. Năm 2010, cơ quan này đã bắt giữ 3 thành viên của hội đồng quản trị Alstom tại Anh với cáo buộc hối lộ, rửa tiền.
Mới đây, Alstom lại tiếp tục bị SFO cáo buộc hối lộ và yêu cầu truy tố tại Anh. Ông David Green, giám đốc SFO cho biết: “Chúng tôi đã có những bằng chứng, tài liệu mới và rất chặt chẽ. Dự đoán tương lai vụ án điều tra sẽ có những bước tiến triển đáng kể”. Hiện tại, đại diện tập đoàn Alstom vẫn từ chối bình luận.
Lần này, nếu bị truy tố chính thức, Tập đoàn của Pháp chuyên về cung cấp các thiết bị cho giao thông đường sắt và năng lượng trên thế giới Alstom sẽ phải đối mặt với vô vàn hình phạt khác nhau, từ phạt tiền đến việc cấm vận tham gia đấu thầu các dự án công cộng quốc gia trên khắp châu Âu.
Trong khi đó, tại Sao Paulo, Brazil, Alstrom cũng đang vấp phải sự phản đối từ các công tố viên trong nước từ khi vụ “lót tay” triệu độ bị phanh phui và yêu cầu hủy bó đăng ký kinh doanh của Alstom tại đây. Ngày 18/2 vừa qua, Tư pháp liên bang Brazil đã mở vụ kiện hình sự buộc tội 11 người tham gia đường dây hối lộ của Alstom.
Minh Việt