Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm 2015, gần 30 nghìn người bị điều tra

Thứ bảy, 09/01/2016 - 06:30

(Thanh tra)- Chính quyền Bắc Kinh, Trung Quốc vừa công bố bản tổng kết chống tham nhũng trong năm 2015, qua đó cho thấy, năm qua, cuộc chiến này tiếp tục được tăng cường và mang lại nhiều hiệu quả đáng kể, với hàng chục nghìn người bị điều tra về hành vi tham nhũng, trong đó có không ít lãnh đạo các cấp chính quyền và doanh nghiệp Nhà nước.

Chang Xiaobing, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông China Telecom (1 trong 3 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại, viễn thông chủ yếu ở Trung Quốc), vừa bị cách chức và bị điều tra tham nhũng ngay trong những ngày cuối cùng của năm 2015. Ảnh: SIPA

Để nâng cao tính phòng ngừa và răn đe tội phạm tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật (UBKTKL) Trung ương Trung Quốc tiếp tục cho công bố công khai trên các phương tiện truyền truyền thông, đặc biệt là trên mạng internet, về những con số cụ thể về cuộc chiến chống tham nhũng trong năm qua. Theo đó, có gần 30 nghìn bị điều tra liên quan đến các hành vi tham nhũng (năm 2014 là 23.700 trường hợp bị điều tra). Con số này vẫn chưa bao gồm những đối tượng bị điều tra, nhưng đã trốn chạy khỏi Trung Quốc.

Năm vừa qua, Trung Quốc cũng kiên quyết, triệt để hơn khi đưa ra truy tố được 51% đối tượng trong tổng số gần 30 nghìn bị điều tra. Trong số đối tượng bị khởi tố, truy tố và xét xử vì tội tham nhũng trong năm qua, có 8 người là quan chức cấp bộ và tỉnh, 441 người cấp thành phố và tương đương, 3.818 người ở cấp huyện, xã… và 64 người là quan chức lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương các cấp (với hơn một nửa là lãnh đạo cấp cao nhất của doanh nghiệp), trong đó chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, chế tạo máy công nghiệp và giao thông vận tải.

Cũng trong năm qua, UBKTKL Trung ương Trung Quốc chính thức sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho cuộc chiến chống tham nhũng thông qua một tài khoản chính trên trang mạng WeChat với gần 500 triệu thành viên.

Mục đích là để “thu hút một lượng rất lớn công chúng cùng tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng”. Thông qua tài khoản trên WeChat, chỉ cần một cú nhấn chuột, mọi thành viên đều có thể gửi những thông tin về hành vi tham nhũng, đòi hối lộ, lạm dụng chức quyền, làm giàu bất chính… của các quan chức ở mọi cấp chính quyền cũng như quan chức ở nhiều đơn vị doanh nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó, UBKTKL Trung ương Trung Quốc còn có một trang web riêng về phòng, chống tham nhũng và một phần mềm sử dụng trên điện thoại di động thông minh, vừa để người dùng tố cáo các hành vi tham nhũng đã và đang diễn ra ở xung quanh họ, vừa để thông báo trực tiếp cho người dùng biết được thông tin chi tiết về những quan chức, công chức bị sa thải, xử lý theo pháp luật vì hành vi tham nhũng.

Theo thống kê của UBKTKL Trung ương Trung Quốc, từ khi đưa vào sử dụng trang web và phần mềm tố cáo tham nhũng, từ năm 2013 đến nay, cơ quan này đã tiếp nhận được tổng cộng hơn 270 nghìn thông tin tố cáo tham nhũng từ công dân, và đã chuyển khoảng 8.400 vụ việc do người dân tố cáo cho các cơ quan tư pháp tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo UBKTKL Trung ương Trung Quốc, số lượng “tham nhũng vặt” trong năm qua bị phát hiện và xử lý hành chính cũng không ít, với 1.818 trường hợp bị cảnh cáo vì sử dụng công quỹ cho mục đích cá nhân. Hành vi điển hình của dạng “tham nhũng vặt” là sử dụng công quỹ để đi du lịch dưới hình thức “học tập, trao đổi kinh nghiệm, tham dự hội thảo hoặc nghiên cứu thị trường”, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện những bữa tiệc buổi trưa (tiếp khách) hoặc buổi tối (chủ yếu là với gia đình) tại các nhà hàng, khách sạn của doanh nghiệp nhưng không chịu trả tiền. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp lợi dụng hiếu, hỉ để tổ chức thật xa hoa, hoành tráng nhằm “thu hút” thật nhiều quà biếu xén của cấp dưới hoặc của các doanh nghiệp phụ thuộc.

Đảng viên có thể bị khai trừ nếu “mê tín dị đoan”

Từ ngày 1/1/2016, Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị khai trừ khỏi Đảng nếu bị phát hiện có các hành vi, biểu hiện liên quan đến “mê tín dị đoan”.

Từ lâu nay, nhiều người Trung Quốc vẫn có thói quen dựa vào tín ngưỡng và phong thủy để xem xét vận may của mình cũng như quyết định về những việc hệ trọng như hiếu, hỉ, mua bán chuyển đổi nhà ở. Trong vài năm gần đây, cũng đã có nhiều Đảng viên, Bí thư Chi bộ, thậm chí cả Bí thư Đảng bộ bị cáo buộc có biểu hiện, hành vi và tham gia vào các hoạt động mang tính “mê tín dị đoan”. “Với các công chức, nếu họ không còn tin vào Chủ nghĩa Mác - Lê nin mà lại tin vào phong thủy thì công chức đó rõ ràng còn thiếu niềm tin và có vấn đề về giá trị tinh thần”, Zhuang Deshui - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về tính thanh liêm, thuộc Trường Đại học Bắc Kinh, cho biết.

Từ ngàn đời nay, người dân Trung Quốc nói chung và các Đảng viên Trung Quốc nói riêng đều có tục thờ cúng tổ tiên, thờ Phật và các tín ngưỡng khác nhau. Điều đó không cấm, nhưng là tín ngưỡng được áp dụng trong sinh hoạt cá nhân, gia đình. Còn với cương vị là Đảng viên, “thì mọi Đảng viên phải tin tưởng vào lý tưởng cách mạng, lý tưởng chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, của Chủ nghĩa Mác - Lê nin. Họ không được phép sử dụng tín ngưỡng để mưu cầu lợi ích, làm giầu bất chính và để “giữ ghế”. Nếu phát hiện vi phạm, họ sẽ bị khai trừ khỏi Đảng”, quy định mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ.

Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm