Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ma túy: Hiểm họa xuyên quốc gia

Thứ năm, 02/06/2011 - 08:27

(Thanh tra)- Với nỗ lực của mình, Nga đã ngăn chặn được nhiều kênh vận chuyển của bọn buôn lậu ma túy. Tuy nhiên, Nga cũng như các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) vẫn nằm trong khu vực hiểm họa cao.

Ảnh (EPA): Bắt giữ ma túy

Kỳ II: Chống ma túy - Cần sự chung tay của quốc tế

Không thể thành công nếu hành động riêng rẽ

Nhận định “chỉ có thể ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy bằng nỗ lực chung của tất cả cộng đồng quốc tế”, ông Ilnur Batyrshin, chuyên viên Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy nêu rõ: “Vấn đề ở đây là, bằng cách nào tổ chức hệ thống thủ tiêu các đường dây ma túy có qui mô xuyên biên giới. Từng quốc gia khó có đủ khả năng tự lực đối phó với vấn nạn này. Ở đây, cần triển khai một hệ thống ngoại giao chống ma túy, liên kết với các nước khác nhau”.

Trị giá lợi nhuận thu được từ heroin ở Nga và châu Âu được tính bằng con số hàng tỷ USD. Một điều không hề bí mật là, ngày nay, ma túy không chỉ là địa ngục giết hại hàng trăm nghìn người trên trái đất, nó còn trở thành công cụ cho chính trị quốc tế. Hàng tỷ USD ma túy Afganistan được sử dụng nhằm gây nên bất ổn định tình hình tại các nước vùng Trung Á, nơi các tuyến vận chuyển ma túy chạy qua. Những tên trùm ma túy Afganistan đang tài trợ cho chiến binh ở Bắc Kavkaz, cho các tổ chức khủng bố ở châu Âu và Mỹ.

Được biết, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) gồm: Armenia, Belarus, Kazahstan, Kirgizia, Nga, Tadzhigistan và Uzbekistan đã thành công trong việc tiến hành chiến dịch chống buôn lậu ma túy mang tên Kanal. Ngoài các thành viên CSTO còn có 19 nước tham gia với cơ chế quan sát viên. Mục đích chính của chiến dịch này là phát hiện và ngăn chặn các băng đảng buôn lậu ma túy bằng cách lập ra các vành đai an toàn xung quanh Afganistan. Chỉ riêng mùa Thu năm 2007, khi đang triển khai chiến dịch, đã tịch thu được 28 tấn ma túy các loại.

Từ đề xuất của Nga, chiến dịch Kanal đã nâng lên thành đề án hoạt động thường xuyên. Theo Tổng Thư ký CSTO Nikolai Bordiuzhi, đề án này cho phép tạo ra các điều kiện cần thiết nhằm đạt được bước nhảy vọt về phối hợp hoạt động giữa các cơ quan đặc nhiệm các nước trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu ma túy.

Ông Vicktor Ivanov - Giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy cũng cho rằng, thời gian gần đây đã gia tăng lượng cocain cấp cho thị trường thế giới. “Trên thực tế hiện nay có 2 hành trình lưu thông ma túy phạm vi toàn cầu. Hành trình thứ nhất ở Đông bán cầu xuất phát từ Afghanistan. Hành trình khác ở Tây bán cầu, tại Mỹ Latinh. Hai vùng này sản xuất khối lượng khổng lồ chất ma túy. Sau đó, làn sóng của ma túy chu chuyển đến nhiều quốc gia khác, thổi phồng nạn tham nhũng, tội phạm có tổ chức, nạn khủng bố và cực đoan. Chính bởi vậy, vấn đề này phải được ghi vào chương trình nghị sự toàn cầu. Tệ nạn này tạo nguy cơ đe dọa hàng chục quốc gia”.

Trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu cocain, Nga hợp tác tích cực với các quốc gia phía Tây bán cầu. Chẳng hạn, Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy cùng với các đồng nghiệp Mỹ đã tiến hành 3 chiến dịch, ngăn chặn đợt cung cấp cocain từ Brazil, Dominicana và trực tiếp từ Mỹ.

Năm ngoái, các nhân viên chống ma túy Nga, Mỹ và Afghanistan đã lần đầu tiên tiến hành chiến dịch chung. Và, kết quả của một cuộc đột kích quy mô lớn chưa từng có (với sự tham gia của các nhân viên Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy, Bộ Nội vụ Afganistan, đặc nhiệm Mỹ cùng 9 chiếc máy bay lên thẳng của lực lượng liên quân) đã phá hủy 4 cơ sở sản xuất ma túy; tiêu hủy gần 1 tấn heroin nồng độ cao và khoảng 150 kg thuốc phiện thu giữ được ở vùng núi, gần biên giới Afghanistan - Pakistan. Theo đánh giá, số lượng ma túy bị tiêu hủy đủ cho khoảng 200 triệu liều. Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Moscow, ông Vicktor Ivanov khi đó đã nhấn mạnh rằng: “Cuộc đấu tranh chống sản xuất ma túy phải tiến hành ở các giai đoạn, bắt đầu từ việc tiêu hủy các cánh đồng trồng cây thuốc phiện, phá hủy các phòng thí nghiệm cũng như ngăn chặn hoạt động buôn lậu ma túy. Toàn bộ cộng đồng quốc tế phải thống nhất nỗ lực trong cuộc đấu tranh này”. Phó lãnh đạo Phái đoàn đại diện Mỹ Erik Rubin cũng nói: “Bọn buôn lậu ma túy sử dụng các biện pháp ngày càng tinh vi để che dấu hành động của mình. Vì thế, cơ quan chúng tôi thường phải đề ra những phương án cũng như các chiến lược mới để đấu tranh chung chống buôn bán ma túy và thiết lập sự phối hợp hành động đối với Nga. Đó là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Hợp tác cùng nhau, chúng ta có cơ hội giải quyết mối nguy cơ quốc tế, với điều kiện là phải làm việc cùng với nhau. Chúng tôi không thể đạt được thành công, nếu làm việc một cách riêng rẽ”.

Ảnh (EPA): Tiêu hủy ma túy bị thu giữ    

Trước đó, hồi năm 2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thành lập nhóm làm việc tổ chức hành động chống buôn bán ma túy bất hợp pháp. Các bên đã đạt được thỏa thuận cùng đấu tranh với tệ nạn rửa tiền, liên quan đến kinh doanh ma túy. Moscow và Washington còn trao đổi thông tin về các tài khoản của bọn tội phạm. Hai nguyên thủ quốc gia cũng ủng hộ cách tiếp cận toàn diện giải quyết nhiệm vụ giảm sản lượng trồng cây ma túy ở Afganistan. Trong đó có thông qua cung cấp những biện pháp bảo đảm đời sống thay thế việc trồng cây thuốc phiện. Đồng thời, liên tục hỗ trợ cho những nỗ lực chống ma túy của chính quyền Afganistan. Một bước tiến nghiêm túc nữa trong sự đối đầu với ma túy Afganistan có thể trở thành sự thiết lập hợp tác giữa lực lượng của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các cơ cấu thuộc CSTO, tổ chức đã cho thấy hiệu quả hoạt động chống khủng bố và ma túy.

Nga cũng đã đề xuất các biện pháp cụ thể trong cuộc đấu tranh chống nguy cơ ma túy xuất phát từ Afghanistan. Chẳng hạn, kế hoạch “Raduga - 2” (Cầu vồng - 2) quy định tiêu hủy các cánh đồng trồng cây thuốc phiện. Không có cây thuốc phiện có nghĩa là không có phòng thí nghiệm, kết quả là sẽ không có nạn buôn lậu ma túy. Ngoài ra, theo kế hoạch này, ở Nga sẽ đào tạo nhân viên cảnh sát chống ma túy cho Afghanistan và các nước khác trong khu vực. Nhiệm vụ của các chuyên viên không chỉ phát hiện và ngăn chặn hành trình vận chuyển ma túy mà còn tổ chức chiến dịch đặc biệt nhằm tiêu hủy các cánh đồng trồng cây thuốc phiện và phòng thí nghiệm. Trung tâm quốc tế đầu tiên được thành lập theo sáng kiến của Hội đồng Nga - NATO đã bắt đầu làm việc ở ngoại ô Moscow. Trung tâm thứ hai sẽ được thành lập trên địa bàn Saint-Peterburg để đào tạo chuyên viên chống ma túy cho Afghanistan và Pakistan.

Ảnh (The Voice of Russia): Tổng thống Nga (phải) và Tổng thống Mỹ
đã thành lập nhóm hành động chống buôn bán ma túy bất hợp pháp


Thiếu quyết tâm chính trị
Tại Diễn đàn Quốc tế “Ma túy Afghanistan - Thách thức với cộng đồng thế giới”, ông Dmitry Medvedev nhấn mạnh: Cộng đồng thế giới cần vạch ra lối tiếp cận thống nhất giành cho cuộc đấu tranh với vấn đề phát tán ma túy từ Afghanistan. Bởi nếu riêng bản thân Afghanistan, Nga hay Mỹ đều không thể đơn độc đương đầu nổi với vấn nạn này. “Nếu chúng ta không cùng nhau hợp lực thì sẽ chẳng thu được thành tựu gì. Nếu chúng ta phân chia các quốc gia theo những thang bậc nguy cơ, nếu chúng ta nhắm mắt trước vấn đề tại một phần địa cầu như ở Afghanistan, đồng thời lớn tiếng nói về sự cần thiết đấu tranh chống nguy cơ ma túy ở những địa điểm khác, thì sẽ không nhất quán. Kết cục là, không thể chấp nhận được. Những trò chơi chính trị phiến diện quanh vấn đề này, thiếu tầm nhìn sâu rộng bao quát toàn nhân loại, đương nhiên sẽ không được phép và làm suy yếu liên minh chống ma túy của chúng ta”.

Dùng cần sa có thể thiểu năng trí tuệ và ung thư
Đến nay, các công trình nghiên cứu về tác động của cần sa đến sức khỏe con người còn rất ít. Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe và Y tế Pháp năm 2001, được cập nhật năm 2004, việc sử dụng cần sa có thể là một tiền đề cho bệnh tâm thần phân liệt. Việc sử dụng đều đặn cần sa có thể gây ra các rối loạn trí nhớ và gây thiểu năng trí tuệ. Theo GS Michel Reynaud, tác giả cuốn “Cần sa và sức khỏe”, dùng cần sa sẽ gây ra một hội chứng mất động cơ sống, thể hiện qua sự thờ ơ với học tập và hoạt động xã hội. Ủy ban Liên bộ Chống ma túy của Pháp cũng cảnh báo, dùng kèm cần sa với thuốc lá có khả năng gây ung thư phổi sớm hơn so với việc chỉ hút thuốc lá.

Vậy nhưng, theo đánh giá chung, hệ thống phối hợp hành động giữa các nước khác nhau nhằm tiêu diệt các đường dây ma túy vẫn còn chưa được xây dựng và nghiên cứu nghiêm túc. Lực lượng quốc tế của NATO ở Afganistan không tỏ ra nhiệt tình với đề xuất thiêu hủy các cánh đồng trồng cây thuốc phiện. Trong thời gian có sự hiện diện của lực lượng này ở Afganistan, theo một số đánh giá, sản lượng thuốc phiện ở đây đã tăng lên 40 lần.

Chuyên gia Igor Khokhlov của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga khẳng định: “Vấn đề không phải là ở trang bị kỹ thuật của liên quân ở Afghanistan mà là ở quyết định chính trị. Không hề có một quyết định như vậy - đấu tranh với nạn trồng cây thuốc phiện”. Theo chuyên gia này, Mỹ và NATO phản đối đề xuất của Nga là dùng máy bay rải chất diệt cỏ hủy diệt tận gốc rễ những diện tích trồng cây thuốc phiện. “Có thể sử dụng những chất thuốc đặc biệt, chỉ tiêu hủy riêng cây thuốc phiện”. Tuy nhiên, các nhà quân sự của liên quân lại đưa ra lý do “hóa chất là độc hại, thêm vào đó sẽ gây bất bình trong các nông dân bản xứ vì họ mất nguồn thu nhập, sẽ không ủng hộ chính quyền địa phương mà quay sang xung vào hàng ngũ Taliban”. Về vấn đề này, chuyên gia Igor Khokhlov đã bác quan với luận điểm: “Người Mỹ làm ra vẻ lo lắng cho tình trạng sức khỏe của cư dân tại địa bàn có thể rải chất diệt cỏ để trừ cây thuốc phiện. Trong khi đó, sức khỏe của cư dân Colombia và Bolivia, nơi người Mỹ rải chất hóa học để trừ giống cây coca, vốn là nguồn định hướng sản xuất cocain vào thị trường Mỹ hay thí dụ như sức khỏe của cư dân Nga trước nguy cơ ma túy Afghanistan thì vì sao người Mỹ chẳng hề bận tâm”. Cũng theo chuyên gia đến từ Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, “nếu thiếu quyết định chính trị của ban lãnh đạo Mỹ, thiếu việc thiết lập tại Afghanistan một chính quyền được đa số cư dân bản địa thừa nhận và thiếu giải pháp cho vấn đề tham nhũng ở nước này thì bất kỳ biện pháp nào, dù chính đáng và hữu hiệu nhất, cũng không đem lại kết quả mong đợi”. (Được biết, hôm 22/3/2011, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống El Salvador Mauricio Funes tại San Salvador, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo, Mỹ sẽ cung cấp 200 triệu USD cho vùng Trung Mỹ để tài trợ cho công tác chống buôn lậu ma túy và các băng đảng tội phạm).

Hồi cuối tháng 3/2011, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng Thông tấn Interfax, Đại sứ Nga tại Afghanistan, ông Zamir Kabulov cho rằng, các nỗ lực nhằm ngăn chặn thuốc phiện từ Afghanistan có hiệu quả rất thấp. Nga thường xuyên duy trì các chiến dịch ngăn chặn ma túy, nhưng các đối tác trong NATO chỉ “gửi quan sát viên mà không có sự tham gia thực tiễn”.

Đại sứ Nga cũng chỉ trích các nước châu Âu vì đã xem nhẹ thực tế rằng, Nga sẽ phải hứng chịu luồng ma túy từ Afghanistan trước khi nó tới được châu Âu. Ông Kabulov bày tỏ tin tưởng rằng, Mỹ quan tâm nhiều hơn đến các loại ma túy tổng hợp và cocain của Colombia qua các ngả biên giới của Mỹ hơn là heroin từ Afghanistan.

Đánh giá cao kết quả từ sự hợp tác quốc tế, chuyên gia Vladimir Sotnikov từ Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế nêu rõ: “Nếu thuyết phục được các quân nhân Mỹ và nước ngoài để họ chú ý kiểm soát, dù là bộ phận quan chức Nhà nước địa phương làm giàu nhờ tiền buôn lậu ma túy thì khi ấy đề xuất của Nga sẽ có ý nghĩa”. Chuyên gia này còn nhấn mạnh thêm rằng, trong giải quyết vấn đề ma túy Afghanistan nên thu hút cả nước láng giềng Pakistan. Ngoài ra, cũng cần sẵn sàng lường trước rằng tình hình sẽ còn trở nên phức tạp hơn nữa.

Phải coi nguy cơ ma túy Afghanistan đe dọa an ninh quốc tế
Các nghị sĩ Nga đã đề xuất việc lập ngân hàng quốc tế lưu trữ tài liệu về các phần tử liên quan tới ma túy. Đồng thời, dùng các qui định về pháp luật củng cố khả năng sử dụng lực lượng vũ trang đấu tranh với các trùm buôn ma túy.

Một đại diện của Ủy ban An ninh thuộc Viện Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga khẳng định: “Phải lập ngân hàng lưu trữ tài liệu về các phần tử bị bắt giữ và trục xuất có liên quan tới ma túy. Những đối tượng này phải bị cấm nhập cảnh vào Nga cũng như các nước Liên minh châu Âu (EU) và SNG. Chỉ thông qua tòa án mới có thể loại tên những nhân vật này khỏi ngân hàng lưu trữ”. Cũng theo quan chức này, năm 2010, sản lượng ma túy của Afganistan đã tăng gấp đôi so với khối lượng sản xuất của cả thế giới cách đây 10 năm. Ma túy chủ yếu được đưa tới các nước phương Tây và Nga. “Tương lai Afganistan sẽ phụ thuộc vào sự hiệp lực liên minh chống ma túy của các nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc, EU, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (LHQ), NATO, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), CSTO. Nếu thực hiện được điều này, rất có khả năng, cả hoạt động của liên quân chống khủng bố trên lãnh thổ Afganistan hiện nay cũng sẽ thu được kết quả thắng lợi”.

Người đứng đầu Điện Kremli thì cho rằng, đối đầu với nạn ma túy trên quy mô toàn cầu đòi hỏi một cuộc tranh đấu không những chống lại việc mua bán lậu ma túy mà còn chống lại cả những vấn đề xã hội do tệ nạn đó gây ra. Theo Tổng thống Nga, những vấn đề đó bao gồm: Nạn nghèo khó, tình trạng bất bình đẳng và tham nhũng. Ông Dmitri Medvedev nói thêm, ở bất cứ nơi nào mà sự phát triển kinh tế tồi tệ phối hợp với các cơ chế Chính phủ yếu kém sẽ xuất hiện một hiện tượng mà nhiều chuyên gia gọi là Nhà nước - ma túy.

Giám đốc Trung tâm Nga - Evrazia thuộc Ủy ban Chính sách Đối ngoại Aleksandr Rar cho rằng: “Cần phải tiêu diệt sản phẩm thuốc phiện của Afganistan bằng tất cả mọi cách và nhanh chóng nhất. NATO nhất định phải tham gia vào quá trình này. Ngoài ra, cần phải thảo luận về sự hợp tác giữa NATO và SCO là 2 tổ chức có khả năng gây ảnh hưởng đối với tình hình trong khu vực”.

Đánh giá cao vai trò của LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, Hội đồng Bảo an cần chính thức định tính nguy cơ ma túy Afghanistan như là mối đe dọa tới nền hòa bình và an ninh quốc tế. “Chúng tôi tin tưởng rằng, sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng thế giới trong cuộc đấu tranh với vấn nạn ma túy Afghanistan cần được thực hiện với vai trò điều phối của LHQ”. Theo quan chức Chính phủ này, “trong chức năng của lực lượng quốc tế hoạt động bảo đảm an ninh ở Afghanistan, chúng tôi thấy cần bổ sung cả nghĩa vụ đấu tranh hiệu quả hơn với các cơ cấu ma túy, kể cả việc tiêu hủy những cánh đồng trồng cây thuốc phiện và các cơ sở chế biến heroin. Tối thiểu là phải hành động kiên quyết hơn khi đấu tranh với nền sản xuất ma túy ở Afghanistan, như đang làm để đấu tranh với công nghệ sản xuất cocain ở Mỹ Latinh”.

PGS Yaroslav Kozhukhov, Bộ môn Luật Quốc tế, Học viện Pháp lý Quốc gia Moscow thì cho rằng, cần phải lập ra những tòa án hỗn hợp để xét xử các tên trùm ma túy. “Tại những tòa án như vậy, có các thẩm phán quốc tế và địa phương. Những tòa án này không nằm trong hệ thống tòa án quốc gia. Nhưng, cũng không thể gọi các tòa án này là tòa án quốc tế hoàn toàn. Vì vậy, cần có những điều kiện chính trị, ngoại giao, pháp lý để ký kết với các nước có liên quan đặc biệt với vấn đề lan truyền ma túy để lập ra các tòa án lai như vậy”.

Ông Yuri Fedotov, Giám đốc Điều hành Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) nêu rõ, cộng đồng quốc tế phải tiếp tục khuyến khích Chính phủ Afghanistan đưa ra những biện pháp để tăng cường an ninh và gia tăng số tỉnh không trồng ma túy. Quan chức này còn nhấn mạnh: Chiến lược chống ma túy phải mang tính chất toàn diện và phải hướng tới trừ tận gốc việc trồng cây thuốc phiện cũng như phải hỗ trợ nông dân ở Afganistan để họ chuyển sang trồng loại cây khác và nhận được hỗ trợ từ Chính phủ. Nói cách khác, cần mang đến cho các nông dân những cơ hội để họ có thể đủ nuôi gia đình mà không cần phải trồng cây thuốc phiện. Đồng thời, phải kèm theo các biện pháp bổ sung nhằm kiểm soát việc đưa các chất phụ gia sản xuất heroin lọt vào Afganistan. “Tăng cường kiểm soát cửa khẩu, biên giới và làm sao để giảm nhu cầu ma túy. Chỉ khi nào chúng ta vạch ra được một chiến lược toàn diện, không chỉ mang tính khu vực, mà có tính toàn cầu như vậy thì mới có thể hy vọng thu được hiệu quả nào đó trong cuộc đấu tranh chống ma túy”.

Bản thân Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, hồi tháng 1/2010, tại hội nghị quốc tế về Afghanistan tiến hành ở Luân Đôn (Anh) cũng nhấn mạnh rằng: “Không nên để các biện pháp an ninh trở thành trung tâm tập hợp nỗ lực” của liên quân. Ông Ban Ki-moon còn nêu lên tính chất cần thiết của cuộc đấu tranh với tham nhũng và kinh doanh ma túy, bởi đó là những vấn đề nghiêm trọng đối với Afghanistan ngày nay và đang kìm hãm mọi nỗ lực khác nhằm bình thường hóa tình hình ở nước này.

Kỳ cuối: Cuộc chiến sinh tử tại Mexico

Kế hoạch triệt tiêu việc trồng và tiêu thụ ma túy đã thất bại
Hơn 10 năm sau tuyên bố của các đại diện cộng đồng quốc tế tại LHQ (năm 1998) về một thế giới không có ma túy, với kế hoạch cơ bản triệt tiêu việc trồng và tiêu thụ ma túy trong vòng 10 năm, Nhật báo Le Monde nhận định, cuộc chiến chống ma túy đã thất bại trên mọi phương diện. Tờ báo hàng đầu của Pháp cho biết, hiện nay, khá nhiều quốc gia đã thừa nhận cần sa. Đây là chất ma túy được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, trên các mức độ khác nhau, từ cho phép dùng trong trị liệu đến việc cho phép trong các giới hạn nhất định.

Năm 2006, tại Mỹ, 750 nghìn người đã bị bắt vì mang cần sa. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều người ủng hộ việc hợp pháp hóa chất ma túy này vì cho rằng, chống lại nó, chỉ có lợi cho các tổ chức tội phạm. Mặt khác, việc hợp pháp hóa ma túy này rất có lợi về kinh tế. Theo đánh giá của Jeffrey A. Miron, chuyên gia kinh tế tại Đại học Havard, biện pháp này có thể mang lại cho Nhà nước Liên bang 25 tỷ USD. Thực tế là, việc sử dụng cần sa đã gia tăng ở khắp nơi mọi, bất chấp mọi cấm đoán.

Quá trình hợp pháp hóa cần sa đang từ từ diễn ra. Năm 2009, Mehico và Argentina quyết định không trừng phạt những người buôn bán nhỏ loại ma túy này. Brazil cũng không còn bỏ tù những người tiêu thụ nữa. Tại Pháp, trả lời phỏng vấn Nhật báo Le Monde, nhà xã hội học Michel Kokoreff, Đại học Nancy II, cho biết, vấn đề ma túy được nhìn nhận chủ yếu như vấn đề đạo đức chứ không phải vấn đề thực tiễn. Đưa ra con số 800 nghìn người bị bắt vì sử dụng ma túy từ năm 2002 - 2009, với 3 nghìn euro cho một vụ bắt giữ, tổng chi phí lên đến từ 3 - 6 tỷ euro, ông Michel Kokoreff tỏ quan điểm ủng hộ việc hợp pháp hóa ma túy.

Hà Thu - Hà Anh (Tổng hợp từ ruvr.ru)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm