Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ II: Tăng sở hữu ở nhiều châu lục

Thứ sáu, 23/11/2012 - 06:39

(Thanh tra)- Hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài đã bị theo dõi chặt chẽ trong những năm gần đây, một phần vì CIC do Chính phủ Trung Quốc làm chủ. Tuy nhiên, những người ủng hộ các hoạt động đầu tư nói rằng, sự chú ý đó xuất phát từ vấn đề cạnh tranh địa - chính trị. Theo họ, những thương vụ đó có lợi cho cả đôi bên.

Trụ sở Nexen ở Alberta. Ảnh: Reuters

>> Kỳ I: Mỹ lo ngại công ty Trung Quốc “đe dọa an ninh”

1 - Hãng Thông tấn Pháp AFP cho biết, hôm 2/11, chính quyền Canada tuyên bố sẽ gia hạn thêm 30 ngày bổ sung cho việc xem xét dự án (D.A) chuyển nhượng Tập đoàn Dầu khí Nexen cho Tổng Cty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) có giá trị lên đến 15,1 tỷ USD. Việc mua lại Nexen được xem là vụ đầu tư ra nước ngoài quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Trước đó, hồi tháng 9, cổ đông của Tập đoàn Dầu khí Nexen đã biểu quyết chấp nhận đề nghị mua lại của CNOOC với tỷ lệ lên tới 99% cổ đông phổ thông và 97% cổ đông ưu đãi. Tuy nhiên, vụ thâu tóm này phải được Chính phủ Canada đồng ý dựa trên Bộ luật Đầu tư nước ngoài (ban hành vào năm 1985).

Đáng nói là, D.A mua lại Nexen của CNOOC, ngay từ khi được công bố vào tháng 7/2012, đã gây ra nhiều tranh luận tại Canada. Truyền thông phương Tây cho biết, mặc dù Nexen chỉ là Cty dầu khí đứng thứ 10 về mặt doanh số ở Canada, thế nhưng Cty này có cổ phần tại các mỏ cát dầu của bang Alberta, khu vực đứng thứ 3 thế giới về trữ lượng dầu mỏ.

Đa số người Canada cho rằng, không thể để lọt vào tay nước ngoài các cổ phiếu “chiến lược” này. Hơn thế nữa, CNOOC lại là một Cty Trung Quốc mà Canada không có khả năng kiểm soát. Theo các thăm dò dư luận, phần lớn người Canada phản đối kế hoạch mua bán này. Chưa kể, ngày 5/10, NPD - Đảng cánh tả, đối lập chủ yếu ở Canada, đã lên tiếng phản đối việc bán Nexen.

Được biết, sau giai đoạn thẩm định 45 ngày đầu tiên, giữa tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Canada Christian Paradis đã tuyên bố gia hạn 30 ngày cho việc xem xét hồ sơ này. Về mặt chính thức, để có hiệu lực, quyết định gia hạn thêm 30 ngày phải được phía CNOOC chấp nhận.

Quyết định gia hạn việc xem xét D.A Trung Quốc mua lại Tập đoàn Nexen được đưa ra 1 tuần sau khi Chính phủ Canada bác bỏ D.A của Cty Malaysia là Petronas mua lại Cty Progress Energy của Canada, trị giá gần 5,2 tỷ USD.

Cũng tại Bắc Mỹ, năm ngoái, một chi nhánh của Cty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã đồng ý mua Cirrus Industries, có trụ sở tại bang Minnesota miền Trung Tây nước Mỹ, chuyên chế tạo các loại máy bay nhỏ dùng cho cá nhân và doanh nghiệp (DN).

Vụ mua bán chứng tỏ nỗ lực của Trung Quốc muốn mở rộng sang những lĩnh vực công nghiệp ở nước ngoài, nơi Trung Quốc chưa hiện diện nhiều. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc mua một Cty chế tạo máy bay cạnh tranh của Mỹ hay châu Âu. Tất nhiên, thỏa thuận mua bán phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Mỹ.

Sau thất bại năm 2005 khi định mua Cty Dầu lửa Unocal của Mỹ vì vấn đề an ninh quốc gia, tháng 10/2010, CNOOC đã đầu tư vào một khu vực khai thác dầu lửa và khí đốt từ đá phiến sét ở tiểu bang Texas.

Cùng năm 2010, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã mua lại một Cty môi giới chứng khoán cỡ nhỏ ở New York.

Hay một Cty Trung Quốc khác thì mua Cty Ô tô Nexteer, một Cty con của General Motors, với giá 450 triệu USD.

2 - Tại châu Âu, mới đây, Tổng Cty Đầu tư Trung Quốc (CIC) do Chính phủ Trung Quốc làm chủ đã mua 10% cổ phần của hãng sở hữu Sân bay Heathrow ở London, Anh, trong nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm tiến vào thị trường cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước ngoài.

CIC đã trả 414 triệu USD cho Ferrovial - Cty kiến trúc của Tây Ban Nha đang quản lý Sân bay Heathrow, để có 6% phần vốn trong Cty FGP Topco - Cty mẹ của Heathrow. Ngoài ra, CIC cũng bổ sung cổ phần từ các nhà đầu tư khác để nâng tỉ lệ sở hữu lên tới 10%. (Các sân bay khác mà Heathrow Airport Holdings sở hữu tại Anh bao gồm Stansted, Southampton, Glasgow và Aberdeen).

Sân bay Heathrow tại London. Ảnh: AP


Với tổng tài sản lên tới 482 tỷ USD, CIC là một trong những Cty đầu tư Nhà nước lớn nhất thế giới. CIC được thành lập năm 2007 để đầu tư một phần trong số dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc.

Thương vụ mua lại 10% phần vốn của Sân bay Heathrow ở London là vụ đầu tư quan trọng thứ hai của Trung Quốc vào khu vực cơ sở hạ tầng ở Anh. Trước đó, vào tháng 1 năm nay, CIC đã mua gần 8,7% phần vốn góp của Thames Water - Cty cấp nước và xử lý nước lớn nhất của Anh.

Cũng vào đầu năm nay, tập đoàn viễn thông và mạng máy tính hàng đầu thế giới là Huawei Technologies của Trung Quốc bày tỏ ý định đầu tư 1,3 tỷ bảng để mở rộng hoạt động tại Anh.

Cần nói thêm, hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài đã bị theo dõi chặt chẽ trong những năm gần đây, một phần vì CIC do Chính phủ Trung Quốc làm chủ. Tuy nhiên, những người ủng hộ các hoạt động đầu tư nói rằng, sự chú ý đó xuất phát từ vấn đề cạnh tranh địa - chính trị. Theo họ, những thương vụ đó có lợi cho cả đôi bên.

“Có thể nói rằng, Anh có quan hệ cởi mở hơn với Trung Quốc so với nhiều nền kinh tế lớn khác", Stephen Joske, chuyên viên cao cấp tại Australia Super - quỹ đầu tư đặt tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhận định. Chỉ rõ thực trạng “nhiều nơi trên thế giới tăng cường theo dõi hoạt động đầu tư của Trung Quốc kể như một hình thức báo động", chuyên gia này khẳng định: “Như vậy là không công bằng ở chừng mực nào đó vì các thỏa thuận này là các bên cùng có lợi. Chính trị đã áp đảo kinh tế".

Hồi cuối tháng 8, theo AFP, từ nay đến cuối năm 2012, số hãng rượu nho danh tiếng hàng trăm năm của vùng Bordeaux và vùng Bourgogne của Pháp đổi chủ sẽ lên đến con số 30. Tình trạng này gây lo ngại cho nông dân trồng nho làm rượu mà sức cần lao được gắn liền vào uy tín và gia sản nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ.

Vụ chuyển nhượng đầu tiên xảy ra vào năm 2008 khi lâu đài Latour - Laguens, một nhãn hiệu rượu Bordeaux thượng hạng bị một tập đoàn bất động sản Trung Quốc mua lại. Hay như, Tập đoàn Chế biến Lương thực Trung Quốc COFCO cách đây 2 năm đã mua lại Château de Viaud nổi tiếng với những chai Pomerol. Tiếp đó là Chenu Lafitte với những chai rượu bán ra tại thị trường Trung Quốc với giá hàng chục nghìn USD rơi vào tay nhà giàu Trung Quốc. Cứ thế, chưa đầy 4 năm sau, gần 20 nhãn hiệu Bordeaux, hơn 20 ruộng nho và cơ sở sản xuất đã lần lượt rơi vào tay tài phiệt Trung Quốc.

Lâu đài Château de Gevrey - Chambertin nằm trên con đường rượu vang vùng Bourgogne. Mỗi năm lâu đài này sản xuất 12.000 chai rượu thượng hạng. Ảnh: AFP


Ngay cả lâu đài Château de Gevrey - Chambertin danh tiếng từ thế kỷ thứ XII cùng 2 mẫu ruộng nho đã được bán cho một doanh nhân Trung Quốc với giá 8 triệu euro vào tháng 8 vừa qua. Đây là lần đầu tiên một nhà sản xuất vang truyền thống của vùng Bourgogne về tay một ông chủ ngoại quốc. Như vậy, sau khi xâm nhập vào lãnh địa rượu Bordeaux ở miền Nam, giới tài phiệt Trung Quốc đã tấn công vào rượu Bourgogne ở phía Đông bằng những khối tiền khổng lồ để nắm bắt bí quyết làm rượu vang của Pháp.

Xin nói thêm, trong tổng số 4.000 nhà sản xuất rượu ở vùng Bourgogne, mới chỉ có 2 cơ sở được bán lại cho người ngoại quốc. Cho nên, việc chuyển nhượng 1 cơ ngơi vào tay người nước ngoài đã không khỏi dấy lên sự hoài nghi.

Pierre Henry Gagey - Chủ tịch Nghiệp đoàn các Nhà sản xuất rượu vang của vùng Bourgogne bày tỏ quan điểm: “Thực ra, đầu tư của Trung Quốc không phải là một sự kiện. Mọi người thắc mắc chẳng qua chỉ vì Château Gevrey Chambertin là một nhãn hiệu quá nổi tiếng đối với giới sành điệu của thế giới. Tuy nhiên, điều này khiến các nhà sản xuất phải suy nghĩ rất nhiều về tương lai, về chiến lược của ngành làm rượu ở Bourgogne”.

Cũng theo Pierre Henry Gagey, “có một điều chắc chắn là, ở đây không ai muốn giá địa ốc tăng vọt quá đáng, một khi các nhà đầu tư ngoại quốc tung tiền ra mua lại các ruộng nho có tiếng trong vùng để đầu cơ. Bản thân chúng tôi là những người sống vì ruộng, đất. Do vậy, chúng tôi muốn những người đầu tư vào đây phải là những người cũng yêu quý cây nho, tha thiết với nghề làm rượu vang với truyền thống và những nét đặc thù của vùng Bourgogne. Chúng tôi không chấp nhận những nhà đầu tư chôn tiền vào đây chỉ với mục đích kiếm lời”.

Người làm chủ đến 5 lâu đài chuyên sản xuất rượu vang Pháp là Chen Qu, vốn khởi nghiệp trong ngành dầu hỏa, bất động sản và công viên giải trí. Ngoài rượu đỏ, tài phiệt Trung Quốc đã mua một nhãn hiệu Cognac mà lượng bán qua thị trường Trung Quốc tăng 22% trong năm qua.

Đến nay, các nhà đầu tư đến từ quê hương của rượu Mao Đài vẫn còn trong giai đoạn thăm dò thị trường và mới chỉ nhắm tới những cơ ngơi mà trong bảng xếp hạng về rượu ngon của Pháp chỉ được coi là những đồn điền hạng 2, thậm chí là hạng 3. Vậy nhưng, hiện nay, chỉ còn Champagne là nằm trong tay các nhóm DN hay gia đình lớn của Pháp.

Oliver Vizerie - Giám đốc Cơ quan Môi giới địa ốc Millésime Immobilier tại Libourne, chuyên mua bán các đồn điền trồng nho được Đài Tiếng nói Quốc tế Pháp dẫn lời cho biết: “Ban đầu, các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại những cơ ngơi khoảng từ 1 - 5 triệu euro với diện tích khoảng từ 10 - 20ha. Tuy nhiên, cũng có một vài ông chủ đã chi ra đến 10 triệu euro để mua lại các đồn điền lớn hơn. Giờ đây thì khách hàng của chúng tôi chịu chi ra khoảng 30 triệu euro. Tôi nghĩ là, bước đầu họ đến đây để tìm hiểu môi trường, để làm quen với nghệ thuật làm rượu vang. Bây giờ thì họ thực sự muốn phát triển. Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ còn có những khách hàng nặng ký hơn nữa và họ sẽ nhắm tới những nhãn hiệu còn nổi tiếng hơn nữa, như là trường hợp vừa mới đây tại vùng Bourgogne, với khu vực của lâu đài Château de Gevrey - Chambertin”.

Tại Bordeaux, các nhà đầu tư Nhật Bản hay Mỹ ngay từ đầu đã chủ trương chỉ nhắm tới những cơ ngơi sản xuất vang được gọi là “vin classé” - tức phải là những loại rất nổi tiếng. Chẳng hạn, các nhà đầu tư Nhật Bản gần đây đã mua lại cơ ngơi của Château Lagrange và Beychevelle - cả 2 cùng được coi là vang ngon nhất của vùng trồng nho Saint Julien. Những đồn điền nổi tiếng như vậy được bán với giá 1,1 triệu euro/ha.

Theo Séphane Toutoundji, một chuyên gia về rượu vang Bordeaux, “ban đầu đã có rất nhiều nghi vấn xung quanh việc một nhà đầu tư Trung Quốc mua lại ruộng nho và cả tòa lâu đài, cả vùng đất đai xung quanh ngay tại nơi trồng nho và sản xuất rượu vang nổi tiếng của Bordeaux. Rồi mọi người đều nhận thấy rằng, đó là những khoản đầu tư. Các doanh nhân Trung Quốc muốn làm chủ hẳn một cơ ngơi, không hẳn đấy phải là những thửa ruộng nho nổi tiếng nhất vùng. Nhưng, họ muốn mua luôn cả cơ ngơi tương đối rộng rãi xung quanh để có thể sản xuất với một khối lượng lớn. Tính toán đằng sau là sản xuất đủ để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”.

Truyền thông Pháp nhận định, hiện tượng tài phiệt Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào rượu Pháp không phải là đơn lẻ. Các triệu phú Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập vào guồng máy kinh tế, công nghiệp phương Tây. Bên cạnh lý do thuần túy thương mại, hiện tượng này bùng nổ trong bối cảnh diễn ra phong trào người giàu tại Trung Quốc chạy ra nước ngoài sinh sống. (Theo một kết quả thăm dò, ít nhất 60% trong số này không muốn ở lại Trung Quốc).

Ở khía cạnh liên quan, ngày 31/10, Đài Tiếng nước nước Nga cho biết, Belarus và Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong ý tưởng thiết lập gần Minsk khu công nghiệp Trung Quốc - Belarus (KBIP). Theo thỏa thuận khung về việc tài trợ cho giai đoạn đầu tiên, phía Trung Quốc sẵn sàng cung cấp 3 tỷ USD cho Đề án KBIP.

3 - Tại châu Úc, hồi tháng 10, một DN liên doanh giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Australia cũng đã mua một trong các trang trại lớn nhất trên thế giới tại vùng hoang mạc hẻo lánh của Australia, gây quan ngại về việc các tài sản quan trọng được bán cho người nước ngoài.

Trung Quốc ngày càng quan tâm tới ngành nông nghiệp Australia. Ảnh: Reuters


Trang trại Cubbie Station ở Queensland, sản xuất bông và ngũ cốc, rộng 93.000ha, nằm trên đường biên giữa Queensland và New South Wales.

Những người ủng hộ bản hợp đồng trị giá nhiều triệu USD cho rằng, việc thâu tóm của DN do Trung Quốc đứng đầu này sẽ bảo đảm cho tương lai của một trong những trang trại mang tính biểu tượng nhất Australia, đã đi vào hoạt động hồi năm 2009 sau các bất ổn về tài chính.

Tuy nhiên, những người chỉ trích lại quan ngại rằng đây là sự khởi đầu của việc bán đi các “viên ngọc quý” của nền nông nghiệp Australia cho các Cty nước ngoài. “Chúng tôi muốn Cubbie Station nằm dưới sự quản lý của Australia. Tôi nghĩ rằng, đây là một ngày rất buồn đối với toàn thể người dân Australia vì chúng ta đã bán đi đất nông nghiệp tốt nhất cho các Cty nước ngoài” - Thị trưởng địa phương, bà Donna Stewart nói.

Việc phê duyệt hợp đồng bán trang trại được Chính phủ Australia cho phép sau khi nhận được khuyến nghị của Ủy ban Duyệt xét Đầu tư nước ngoài - cơ quan xác định liệu các vụ bán quy mô lớn cho các Cty nước ngoài có phù hợp với lợi ích quốc gia hay không.

Trung Quốc ngày càng quan tâm tới ngành nông nghiệp Australia, trong đó có ngành sản xuất sữa vì Bắc Kinh đang tìm cách bảo đảm nguồn cung cấp lương thực cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông hơn ở nước này. Chính quyền bang thuộc hòn đảo Tasmania đã tỏ ý hoan nghênh việc Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tiểu bang.

Trước những chỉ trích về việc bán đất cho Cty nước ngoài, ông Keith De Lacy, cựu Chủ tịch Tập đoàn Cubbie, vốn điều hành trang trại ở Queensland, cho rằng, cần có thêm hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài. “Theo quan điểm của Australia, chúng ta xây dựng dựa trên nguồn đầu tư nước ngoài. Chúng ta luôn có đầu tư nước ngoài và chúng ta cần những khoản đầu tư như thế. Chúng ta là quốc gia rộng lớn với dân số ít ỏi. Trước đây, chủ yếu người gốc Anh, sau đó là người Mỹ. Nhưng, dù từ đâu thì tất cả là điều tích cực cho Australia, chứ không phải là điều tiêu cực”.

Bắc Kinh và Canberra đang xem xét các phương thức giúp các nhà đầu tư giàu có của Trung Quốc tới phát triển việc canh tác một số vùng ở phía Bắc Australia. Chính phủ Australia khẳng định các mối quan hệ đối tác đó sẽ luôn phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt.

Trước đó, hồi tháng 9, báo chí Australia cho biết, CIC cũng đã và đang đàm phán để có phần góp vốn tại Van Diemen's Land - Cty bò sữa lớn nhất Australia, có trụ sở tại tiểu bang Tasmania.

Với 25.000 bò sữa và 6.500 bò thịt trên diện tích 19.000ha, Cty Van Diemen's Land có 27 hoạt động khác nhau, phần lớn là thức ăn làm từ sữa bò. Cty đang muốn tăng gấp đôi năng suất và công nhân, vì thế cần đầu tư thêm 180 triệu USD.

Sau buổi gặp ông Cao Tây Khánh, Chủ tịch CIC trong tháng 9, khi đến Bắc Kinh, Thủ hiến tiểu bang Tasmania, bà Lara Giddings cho biết, Tổng Cty do Chính phủ Trung Quốc làm chủ này đặc biệt chú ý đến cơ hội đầu tư giúp tiểu bang tăng gấp đôi sản xuất thực phẩm từ sữa.

Nếu việc đầu tư được tiến hành, nó sẽ là một cuộc trắc nghiệm nữa giữa các Đảng của Australia, lâu nay cảm thấy không thoải mái trước việc người Trung Quốc mua lại đất trồng trọt và chăn nuôi của Australia.

Kết quả một cuộc thăm dò công bố cuối năm 2010 cho thấy, nhiều Cty Trung Quốc có kế hoạch mua tài sản ở nước ngoài trong 3 năm tới.

Jeremy Fearnley, chuyên viên về mua bán và sáp nhập DN (M&A) của Cty Tư vấn KPMG ở Hồng Công cho biết, cuộc thăm dò với sự tham gia của hơn 150 giám đốc các Cty của Trung Quốc về dự định đầu tư ở nước ngoài cho kết quả khá khả quan: “85% số người được chúng tôi thăm dò đều trả lời có kế hoạch M&A”.

Hầu hết các Cty có thu nhập dưới 150 triệu USD chọn M&A ở châu Á. Gần 50% Cty có thu nhập trên 150 triệu USD chọn Bắc Mỹ và châu Âu, bên cạnh châu Á. Các Cty được nhắm tới nhiều nhất thuộc các ngành công nghệ thông tin hoặc có sẵn thương hiệu có tiếng.

Các Cty Trung Quốc cũng đầu tư nhiều tại châu Phi và châu Mỹ Latinh, chủ yếu trong ngành hầm mỏ và dầu khí, để bảo đảm có đủ nguyên liệu cho nền kinh tế ngày càng tăng trưởng.

Năm 2009, các Cty Trung Quốc đầu tư khoảng 43 tỷ USD cho hoạt động M&A bên ngoài Trung Quốc.


Minh Anh - Trọng Thành
(Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm