Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khu vực Euro lại hục hặc quyền lãnh đạo

Thứ hai, 10/10/2011 - 17:17

(Thanh tra) - Trong lúc các nước trong Liên Hiệp châu Âu bất đồng về việc trợ giúp những quốc gia gặp khó khăn về tài chính, thì việc cho phép châu Âu có thể hành động nhanh chóng, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công là cần thiết. Tuy nhiên, đang có những tranh cãi về việc cải tổ một số định chế, khi đó vai trò lãnh đạo kinh tế - tài chính sẽ thuộc về ai?

Chủ tịch EC Barroso trong một buổi thảo luận tại Nghị viện châu Âu về tình hình Liên Hiệp châu Âu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso lo ngại là Ủy ban sẽ mất vai trò, khi mà  Đức và Pháp đang ngày càng tỏ rõ sự phối hợp thống nhất hành động trước cuộc khủng hoảng.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu hôm cuối tháng 9 qua, ông Barroso đã lên tiếng bảo vệ vai trò của Ủy ban trong việc điều hành các hoạt động kinh tế của khối. Theo ông này, một số xu hướng phối hợp liên Chính phủ có thể dẫn đến cái chết của châu Âu thống nhất.

Trước đề nghị của Paris và Berlin muốn xem xét, sửa đổi lại các Hiệp định của châu Âu, ông José Manuel Barroso cũng tuyên bố sẵn sàng ủng hộ hành động này, nhưng lại không đưa ra một đề nghị cụ thể nào.

Mới đây, cũng phát biểu trước khi các nghị sĩ châu Âu thông qua “Hiệp ước ổn định và tăng trưởng”, ông José Manuel Barroso khẳng định, Liên Hiệp châu Âu không cần một định chế nào khác hơn là EC trong vai trò “Chính phủ kinh tế của Liên Hiệp”.

Chủ tịch Barroso cho rằng, cần thận trọng với các dàn xếp trong nội bộ của khối đồng euro, và cần ưu tiên cho các đàm phán với tất cả 27 thành viên của Liên Hiệp, tức là không loại trừ các ứng cử viên vào khối euro, và cả các quốc gia không muốn tham gia vào khối này.

Theo giới phân tích tài chính, có một trở ngại lớn của quá trình thay đổi định chế là do Chính phủ Anh, vì sợ bị cô lập tại châu Âu, nên cản trở việc chuyển giao thêm quyền lực cho EC.

Theo ông José Manuel Barroso, nếu tiến hành sửa đổi các Hiệp định, thì mục tiêu chính phải là thay đổi nguyên tắc đồng thuận toàn khu vực đồng euro. Trong lúc, Pháp muốn đi tới sự đồng bộ về thuế tại châu Âu, với việc tăng cường nguyên tắc biểu quyết theo một đa số đủ thẩm quyền. Trong khi quan điểm của Chủ tịch EC, trước tiên cần cải cách phương thức vận hành của Quỹ hỗ trợ tài chính mà khối Euro đã lập ra.

Về nguyên tắc, cho đến nay, các kế hoạch trợ giúp cần phải được Quốc hội các quốc gia thành viên thông qua. Chính nguyên tắc này đã ngăn cản khối Euro thông qua các quyết định khẩn cấp, cụ thể như kế hoạch trợ giúp Hy Lạp được chấp thuận trong Hội nghị Thượng đỉnh từ 21/7/2011. Thế nhưng, đã ba tháng trôi qua, kế hoạch này vẫn đang phải chờ Quốc hội một số nước thông qua. Thậm chí, tiến trình này có thể bị đình trệ khi có dấu hiệu nghị viện Slovakia và Hà Lan bỏ phiếu chống.

Ông José Manuel Barroso cũng cho biết, sẽ xem xét tính khả thi của việc phát hành công trái châu Âu, bất chấp sự dè dặt của thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước khi tiến hành cải cách các định chế, thì công việc phải làm trước mắt là phân bổ lại các vị trí lãnh đạo trong khu vực đồng euro.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy có khả năng sẽ được bầu vào chức Chủ tịch khối Euro, theo đề nghị của Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Đức Merkel, thay cho đương kim Chủ tịch Jean-Claude Juncker. Thế nhưng, đề nghị này đang gặp phải sự không đồng tình của một số quốc gia thành viên với lý do ông Herman Van Rompuy kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Một ứng cử viên sáng giá khác được đề nghị vào chức vụ quan trọng này là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Jean-Claude Trichet, nhưng ông này lại đến tuổi hưu vào tháng 11 này.

Trong khi đó, nhóm nghị sĩ dân chủ tự do của Quốc hội châu Âu thì cho rằng, nên giao chức chủ tịch khối Euro cho “một siêu ủy viên kinh tế” phụ trách. Thế nhưng, đương kim chủ tịch EC José Manuel Barroso lại  không muốn đưa ra các bình luận theo hướng này.


Kỳ Sơn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm