Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kế hoạch “Kinh tế Xanh” từ châu Âu

Thứ hai, 25/04/2011 - 11:16

(Thanh tra) - Hiện tại, cái giá của sự chuyển đổi mô hình kinh tế này là khoảng 270 tỷ euro/năm trong vòng 40 năm. Đổi lại, các biện pháp năng lượng Xanh được áp dụng sẽ cho phép nền kinh tế tiết kiệm được từ 175 đến 320 tỷ euro/năm về chi phí năng lượng, trong cùng giai đoạn 40 năm tới.

Bà Connie Hedegaard, Ủy viên châu Âu về khí hậu

Ủy viên châu Âu về khí hậu, bà Connie Hedegaard, đã công bố một lộ trình mới trong kế hoạch giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Mục tiêu từ nay đến năm 2020 nhằm giảm lượng khí thải đến 25%, tức cao hơn rất nhiều, so với mục tiêu đã công bố cách đây 2 năm.

Theo bà Connie Hedegaard cần phải thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển hướng sang một nền kinh tế cạnh tranh và ít tiêu thụ cacbon ngay từ bây giờ. Bởi vì càng chậm trễ, cái giá phải trả sẽ càng đắt. Hiện tại, cái giá của sự chuyển đổi mô hình kinh tế này là khoảng 270 tỷ euro/năm trong vòng 40 năm. Đổi lại, các biện pháp năng lượng Xanh được áp dụng sẽ cho phép nền kinh tế tiết kiệm được từ 175 đến 320 tỷ euro/năm về chi phí năng lượng, trong cùng giai đoạn 40 năm tới.

Báo chí phương tây cho rằng, quyết định này đã đến đúng lúc, khi mà giá dầu đang liên tục phá kỷ lục. Mặc dù, mục tiêu này không đi kèm với các biện pháp bó buộc, nhưng tỷ lệ giảm 25% khí thải vừa được công bố dường như thể hiện cho một thỏa hiệp mới, giữa một bên là những đòi hỏi quyết liệt của các tổ chức bảo vệ môi trường, liên hiệp lại trong Mạng hành động khí hậu (Climate Action Network/Réseau action climat), muốn giảm đến 30%; và bên kia là những khó khăn của nhiều nước trong việc đạt được mục tiêu thay thế 20% năng lượng tạo khí thải bằng các năng lượng tái tạo, theo như chủ trương hiện hành.

Tuy nhiên, đằng sau tỷ lệ mới vừa được đưa ra, lộ trình của Ủy viên Khí hậu châu Âu vẫn còn khá bảo thủ về các chính sách cụ thể và chỉ đưa ra được một ít điểm mới. Đây là phân tích của ông Emmanuel Guérin, thuộc Viện Phát triển bền vững và các Quan hệ quốc tế (Iddri). Cơ quan kể trên đang điều hành một mạng lưới nghiên cứu của châu Âu (Climate Strategies) về các tác động của việc chuyển mục tiêu giảm phát thải từ 20% lên 30%.

Theo chuyên gia của Viện Phát triển bền vững và các Quan hệ quốc tế của Pháp, việc tăng cường đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng và các công nghệ ít phát thải, mới giúp cho châu Âu có thể đứng chân được trên thị trường kinh tế Xanh quốc tế. Hiệu quả của tỷ lệ giảm thải 30% đối với sự tăng trưởng kinh tế của Châu Âu sẽ chỉ có thể nhìn thấy được bắt đầu từ năm 2020.

Việc đưa ra lộ trình giảm khí thải quyết liệt hơn không được nhiều ngành công nghiệp hưởng ứng, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Sự phản đối của họ càng mạnh mẽ hơn, nếu như chính sách mới này làm tăng giá quota phát thải CO2, vốn thoạt tiên là một công cụ chính sách chủ yếu để thực hiện chủ trương giảm phát thải.

Theo chuyên gia của Viện Phát triển bền vững và các Quan hệ quốc tế Pháp, việc phân phát tràn lan các quota khí thải không có tác động tốt đến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Trong bản thảo lộ trình được Ủy viên Khí hậu châu Âu đưa ra, cũng có đề cập đến việc rút khoảng nửa triệu giấy phép phát thải ra khỏi thị trường, nhưng con số này không xuất hiện trong văn bản cuối cùng.

Dẫn lời một đại diện của tổ chức DG Climat tại Bruxelles, nhằm thực hiện được mục tiêu giảm từ 80 - 95% khí thải vào năm 2050, so với mức phát thải năm 1990, tốc độ giảm khí thải như hiện nay là còn xa mới đủ. Bởi, với tốc độ như hiện tại, năm 2050 tổng lượng khí thải sẽ chỉ giảm được có 40%.

Tổ chức của giới chủ Pháp - Medef cho rằng, xây dựng các kế hoạch cho tương lai là tốt, nhưng châu Âu không nên dẫn đầu trong việc này, nếu như các nước khác không có ý định tiếp bước. Được biết, tháng 6 tới các quốc gia thành viên châu Âu sẽ đưa ra ý kiến về lộ trình giảm khí thải mới.

Kỳ Sơn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm