Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chiến dịch "hao tiền tốn của" tìm MH370 trên Ấn Độ Dương

Thứ bảy, 22/03/2014 - 17:43

Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysia đang diễn ra tại một trong những khu vực biệt lập và khắc nghiệt của trái đất - một vùng biển ở nam Ấn Độ Dương, gần Nam Cực. Chiến dịch này có thể tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD.

Các tàu và máy bay đang rà soát vùng biển nam Ấn Độ Dương để tìm kiếm các mảnh vỡ khả nghi của MH370.

Vùng tìm kiếm nguy hiểm ra sao?

Tim Huxley, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực vận tải biển tại Hồng Kông, gọi khu vực tìm kiếm là "một nơi vô cùng hẻo lánh".

Vùng tìm kiếm nằm cách thành phố Perth khoảng 2.500 km về phía tây nam, bên trên một địa hình núi lửa trong vùng biển sâu từ 2.500-4.000 m. Vì gần Nam Cực nên khu vực thường có gió mạnh và sóng lớn, có thể cao trên 6 m.

Nhà hải dương học Erik van Sebille, từ Đại học New South Wales tại Sydney (Úc), người từng có mặt trên một tàu nghiên cứu tại khu vực hồi tháng 12 năm ngoái, cho hay thậm chí trong điều kiện thời tiết thời thuận lợi thì khu vực tìm kiếm cũng đầy thách thức.

Môi trường khắc nghiệt khiến việc tìm kiếm các mảnh vỡ khả nghi trở nên đặc biệt khó khăn. Nhưng có một điều an ủi là đáy biển tại khu vực tìm kiếm dường như khá bằng phẳng dù là ở những chỗ sâu tới trên 4.000 m. Khi chuyến bay 447 của Air France gặp nạn ở Đại Tây Dương hồi năm 2009, xác máy bay đã nằm dưới đáy biển nơi có các ngọn núi và khe núi ngầm, khiến công tác trục vớt trở nên khó khăn.

Những ai thường đi qua đó?

Đối với các thủy thủ, khu vực tìm kiếm thuộc Ấn Độ Dương rất nguy hiểm do sóng lớn và gió rất mạnh. Không có một khu đất đai rộng lớn nào trong khu vực và cũng có rất ít giao thông hàng hải qua đây.

Các thủy thủ trước đây từng sử dụng vùng biển rộng lớn để tận dụng sức gió, nhưng nhiều tàu giờ đây thường tránh khu vực. Các lộ trình đường biển toàn cầu giờ đây đưa các tàu hàng trực tiếp từ Úc hướng về phía bắc tới châu Á và châu Âu, thay vì đi về hướng nam hoặc phía tây qua khu vực này.

Khi các cảnh báo được đưa ra hồi tuần này đối với các tàu buôn trong khu vực nhằm trợ giúp việc tìm kiếm các vật nổi khả nghi xuất hiện trong ảnh vệ tinh được Úc công bố, tàu ở gần nhất cách đó tới 2 ngày đi biển.

Giáo sư Nathan Bindoff, một chuyên gia về hải dương học tại Đại học Tasmania (Úc), cho hay các tàu thường chỉ gặp một tàu khác trong cuộc hành trình 50 ngày trong khu vực, và thường là gần Nam Cực và các trạm nghiên cứu hơn là khu vực nơi các vật thể trôi nổi khả nghi được phát hiện.

"Nói cách khác, có nhiều người ở gần Nam Cực hơn là tại khu vực này của thế giới", ông Bindoff nhấn mạnh.

Tìm các vật thể trên ảnh vệ tinh khó thế nào?

Một vấn đề đặt ra là các bức ảnh vệ tinh do Úc công bố được chụp ngày 16/3, vì vậy các vật thể có thể đã di chuyển rất xa do các dòng chảy mạnh.

Trong vùng biển động ở nam Ấn Độ Dương, một vật thể có thể bị đẩy đi xa với tốc độ 1 hải lý/giờ. Điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, vật thể có thể trôi xa 500 km trong 13 ngày qua tính từ thời điểm chiếc máy bay của Malaysia mất tích.

Các nhà khoa học đã phát triển các mô hình máy tính để "tua lại" gió và sóng biển, cho phép các nhân viên cứu hộ tìm hiểu sự chuyển động của các mảnh vỡ để tìm ra hiện trường một vụ tai nạn. Nhưng không phải tất cả các chuyên gia đều đồng tình rằng các mô hình máy tính có thể dễ dàng thay thế việc tìm kiếm hao tiền tốn của bằng đường không và biển.

Có hi vọng nào để tìm thấy máy bay mất tích?

Khu vực tìm kiếm nằm cách thành phố Perth khoảng 2.500 km.

Hi vọng lớn nhất để có thể xác định hiện trường vụ tai nạn là tập trung vào các nỗ lực nhằm bắt các tín hiệu được phát ra hộp đen máy bay. Tuy nhiên, các tín hiệu này không hoạt động mãi mãi và thường chỉ "sống được" trong 30 ngày, vì vậy thời gian đang cạn kiệt dần.

Sau khi các tín hiệu từ hộp đen ngừng hoạt động, việc tìm kiếm một máy bay mất tích trên biển càng trở nên khó khăn, giống như cuộc tìm kiếm máy bay của Air France hồi năm 2009. Các nhân viên điều tra sẽ phải sử dụng các tàu được trang bị hệ thống định vị dưới nước đã vẽ bản đồ đáy biển và tìm kiếm xác máy bay.

Ông David Gallo, từ Viện hải dương học Woods Hole tại Mỹ, người từng tham gia cuộc tìm kiếm máy bay Air Frane cho biết: "Không giống chuyến bay này, chúng tôi đã biết rõ về địa điểm cuối cùng vốn cho phép giới chức chỉ đạo trực tiếp đội tìm kiếm. Nhưng phải mất 5 ngày mới xác định được những mảnh vỡ đầu tiên của máy bay, còn hộp đen thì "bặt vô âm tín".

Xác chiếc máy bay Air France cuối cùng đã được phát hiện và trục vớt vào năm 2011, sử dụng cả các robot dưới nước hoạt động độc lập điều khiển từ xa, sau khi các nhóm tìm kiếm tập trung vào một khu vực có bán kính 75 km và rà soát nó bằng hệ thống định vị dưới nước.

Chiến dịch tìm kiếm tốn kém bao nhiêu?

Các chuyên gia cho hay rất khó và rất tốt kém, nhưng không có nghĩa là không thể tìm thấy chiếc máy bay mất tích.

Chi phí chính thức cho cuộc tìm kiếm dưới nước do Pháp dẫn đầu đối với máy bay Air France là 32 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cứu hộ nói rằng tổng chi phí thực sự có thể cao gấp 3-4 lần, trong đó có những đóng góp của Brazil và các chi phí do quân đội chi trả.

Các nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines, với sự tham gia của 26 quốc gia từ Ấn Độ Dương tới biển Caspi, có thể còn cao hơn. Giới chức Malaysia chưa cho biết ai sẽ chi trả toàn bộ chiến dịch tìm kiếm.

Ông David Mearns, giám đốc công ty cứu hộ Blue Water Recoveries, nói với hãng tin BBC: "Trong nghề chúng tôi thường có câu: mọi thứ đều có thể tìm được nếu có đủ tiền".

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm