Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 24/01/2011 - 21:01
(Thanh tra)- Thời gian vừa qua, Báo Thanh tra và Thanhtra Online đã có loạt bài điều tra: “Dự án (D.A) đường Văn Cao - Hồ Tây: Lỗi hẹn và sự nhập nhèm của chính quyền” phản ánh những bức xúc của người dân có đất bị thu hồi và những quyết định có nội dung không rõ ràng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị thu hồi đất.
Cảnh cưỡng chế tại một nhà dân
>>>Lỗi hẹn và sự nhập nhèm của chính quyền
Bất chấp sự phản ứng của công luận, ngày 21/12/2010, UBND quận Tây Hồ tiếp tục tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 10 trường hợp tại phường Thụy Khuê để thực hiện D.A này. Điều bất bình thường là quy trình cưỡng chế không đúng các quy định của pháp luật.
GPMB là việc làm cần thiết để triển khai một D.A, nhưng trong trường hợp này, UBND quận Tây Hồ, Ban Quản lý (BQL) D.A đường Văn Cao - Hồ Tây lại vi phạm nhiều lỗi trong quá trình thực hiện cưỡng chế GMPB đối với 10 hộ gia đình tại phường Thụy Khuê. Trong đơn gửi Báo Thanh tra, chị Phạm Thị Thu Huế, sống tại số 3, ngõ 270 đường Hoàng Hoa Thám, bức xúc: “Ngày 21/12/2010 các cấp chính quyền, BQL D.A… tới cưỡng chế mà không hề đọc lệnh cưỡng chế tại nhà tôi (họ chỉ đọc danh sách chung các hộ bị cưỡng chế “qua loa”), quá trình thực hiện không có biên bản cưỡng chế, biên bản kiểm kê tài sản, mặc dù chúng tôi yêu cầu nhiều lần. Gia đình tôi yêu cầu được gặp người có thẩm quyền trong công tác cưỡng chế nhưng cũng không được gặp…”.
Trao đổi với PV, chị Huế cho biết, toàn bộ các thông báo, quyết định liên quan tới việc thu hồi đất của gia đình đều không được các cấp chính quyền, BQL D.A gửi tới gia đình một cách chính thức mà chỉ được dán ở cửa nhà, cho người khác ký nhận hộ. Khi tổ công tác thực hiện cưỡng chế tràn vào nhà, toàn bộ tài sản gia đình vẫn còn nguyên vẹn. Trong đó có nhiều tài sản có giá trị như tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt… được những người tự xưng là cán bộ thực hiện cưỡng chế tràn vào nhà, đem đi đâu không biết. Hiện tại đã gần một tháng, nhưng số tài sản này nằm ở đâu gia đình chị Huế cũng không được thông báo.
Trong quá trình diễn ra việc cưỡng chế, chị Huế liên tục yêu cầu được lập biên bản cưỡng chế và biên bản kiểm kê tài sản mà không được thực hiện. Vì vậy, chị Huế đã tự làm một “Biên bản xác nhận sự việc tổ công tác cưỡng chế lấy trái phép tài sản” có sự chứng kiến và chữ ký của ông Phạm Huy Thuận, Tổ trưởng Tổ 51, anh Nguyễn Ngọc Quyến và bà Đinh Thị Hiền (đều là hàng xóm). Biên bản này nêu rõ: “… Sau nhiều lần yêu cầu tổ công tác làm biên bản cưỡng chế và kiểm kê tài sản mà không được đáp ứng, tôi có nhờ hàng xóm báo công an khu vực và công an phường tới chứng kiến sự việc này. Anh Lam, Phó Công an phường Thụy Khuê và anh Dũng cảnh sát khu vực có tới khu vực gia đình tôi, nhưng cũng không có ý kiến gì. Sau khi tổ công tác chuyển hết tài sản của gia đình đi thì lần lượt từng người một bỏ đi khỏi khu vực gia đình tôi mà không có ý kiến gì hoặc bất cứ biên bản nào được lập…”. Khi trao đổi với PV, ông Thuận khẳng định: Chị Huế có yêu cầu các đơn vị tham gia cưỡng chế lập các biên bản nêu trên nhưng không có một ai đứng ra chịu trách nhiệm mà họ chỉ khẳng định mình “thừa hành lệnh cấp trên”. Vậy “cấp trên” ở đâu trong suốt quá trình diễn ra cưỡng chế tại các hộ dân này?
Như vậy, việc cưỡng chế này của chính quyền quận Tây Hồ và BQL D.A đường Văn Cao - Hồ Tây có sự góp mặt của cơ quan công an và lực lượng này không hề có biểu hiện bảo vệ quyền lợi của người dân. Có thể nói, việc cưỡng chế lần này đã được lên kế hoạch rất chi tiết đến từng bộ phận trong chính quyền. Việc tổ công tác tùy tiện vào từng gia đình, lấy đi tài sản mà không đọc lệnh cưỡng chế trước từng hộ gia đình, không lập biên bản cưỡng chế, biên bản kiểm kê tài sản là vi phạm luật pháp.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, Cty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự cho biết: Cách làm việc nêu trên của UBND quận Tây Hồ là chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Tại khoản 5, Điều 34 hay khoản 1 Điều 35, Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có quy định: Nếu người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng chủng loại, tình trạng từng loại tài sản… và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản…
Tương tự, gia đình bà Lê Thị Toàn, ông Trần Bá Hồng, bà Lê Thị Hồng Vinh cũng là những hộ nằm trong diện bị cưỡng chế trong ngày 21/12/2010. Trong đơn gửi Báo Thanh tra, các hộ này đều tố cáo tổ công tác trong quá trình thực hiện cưỡng chế GPMB đã vi phạm pháp luật như: Không đọc lệnh cưỡng chế tới từng hộ dân, không cho chủ nhà chứng kiến quá trình niêm phong tài sản, không lập biên bản cưỡng chế, không lập biên bản tịch thu tài sản…
Đáng chú ý, gia đình ông Trần Bá Hồng (tại số nhà 18/1 ngõ 270 đường Hoàng Hoa Thám) là cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thương binh chống Pháp, gia đình thuộc diện khó khăn. Hiện, ông Hồng đang bị ốm nặng, suy tim độ 4; vợ là thanh niên xung phong chống Mỹ, bị ung thư, đang điều trị tại bệnh viện, con mới chết đầu năm 2010, người thì bị tai nạn giao thông. Trong đơn ông Hồng cho biết: “Từ sau ngày bị cưỡng chế, tinh thần và sức khỏe của vợ chồng tôi hoàn toàn suy sụp. Bệnh tim của tôi ngày càng nặng thêm… Hai vợ chồng già chúng tôi sống với nhau không nơi nương tựa, không có chỗ thờ cúng Tổ tiên vì phải đi ở nhờ…”.
Bà Lê Thị Hồng Vinh nói trong nước mắt: “Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ bị cưỡng chế, nhà cửa bị đập phá tan hoang, đồ đạc, tài sản bị thu giữ không biết để ở đâu. Nỗi đau mất mát về nhà cửa, tài sản, tiền bạc không thể sánh được nỗi đau về tinh thần, mất niềm tin với chính quyền. Tết Nguyên đán sắp tới rồi, gia đình tôi sẽ đón Tết thế nào đây, gia đình thì mỗi người một nơi phải đi ở nhờ họ hàng, bàn thờ Tổ tiên cũng bị tịch thu".
Luật sư Nguyễn Hồng Bách đặt vấn đề: Nếu quá trình kê biên tài sản và cưỡng chế diễn ra đúng pháp luật thì tại sao lực lượng cưỡng chế không cho người dân chứng kiến? Không lập biên bản? Tại sao những người có trách nhiệm lại không giải thích cho dân? Phải chăng, lực lượng cưỡng chế đang lách luật (Biên bản kiểm kê tài sản và cưỡng chế không cần chữ ký của người dân, mà chỉ cần những người thuộc lực lưỡng cưỡng chế và người làm chứng do UBND quận Tây Hồ chỉ định ký là vẫn hợp pháp)?
Tính đến thời điểm này, hơn 1 tháng sau khi tổ chức cưỡng chế, UBND quận Tây Hồ và BQL D.A chưa có một động thái nào khác với những hộ dân sống tại đây. Nhiều hộ dân bức xúc đặt câu hỏi: Không hiểu tài sản của họ đang ở đâu? Bao giờ dân sẽ nhận được thông báo từ UBND quận Tây Hồ về tài sản của họ…? Và, những sai phạm nêu trên trong quá trình cưỡng chế sẽ được xử lý thế nào?
Câu hỏi trên chúng tôi xin chuyển đến UBND quận Tây Hồ, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội để trả lời công luận, giúp cuộc sống của những hộ dân sống tại đây bớt cơ cực trước thềm năm mới.
Nam Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 119/KL-TTr ngày 15/11/2024 về thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch do Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.
Trần Quý
21:00 13/12/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 13/12, Cục Phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV), Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phương Anh
19:11 13/12/2024Thái Hải
16:35 13/12/2024Lâm Ánh
16:32 13/12/2024Nam Dũng
16:00 13/12/2024Thái Hải
12:49 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình