Câu chuyện đầu cơ, thổi giá bột ngô

Hồi tháng 4 vừa qua, một người đàn ông Zimbabwe tên là Tatenda (tên nhân vật đã được thay đổi) nhìn thấy một chiếc ô tô ở vùng lân cận Thủ đô Harare đang bốc dỡ những bao bột ngô tại một ngôi nhà của địa phương.

Hành động này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực của đất nước trở nên nghiêm trọng kể từ khi nổ ra đại dịch COVID-19. Chính phủ ra quyết định phong tỏa, buộc hàng triệu người phải ở trong nhà, dẫn tới khó khăn về kinh tế cho rất nhiều hộ gia đình.

Giá bột ngô đã được Chính phủ ấn định để giúp người dân có thể nuôi sống gia đình trong thời kỳ kinh tế gặp khó. Tuy nhiên, chủ nhân của địa chỉ mà Tatenda bắt gặp đã bán bột ngô với giá cáo hơn gấp đôi so với giá quy định. Họ muốn thu lợi bất chính từ viện trợ lương thực trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia.

Tatenda đã chụp ảnh ghi lại địa chỉ, biển số ô tô và gửi tin nhắn qua phần mềm, tới Trung tâm Tư vấn pháp luật và Vận động chính sách (ALAC) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Các nhân viên của ALAC đã liên lạc với Tatenda và sau đó báo cáo vụ việc với Cảnh sát Zimbabwe. Cơ quan cảnh sát đã tiến hành điều tra và buộc tội những kẻ tích trữ bất hợp pháp bột ngô rồi bán lại các khoản viện trợ thực phẩm với giá không được kiểm soát.

Câu chuyện của Tatenda chỉ là 1 trong số hơn 1.400 báo cáo mà TI Zimbabwe đã nhận được kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tất cả báo cáo đều liên quan đến tham nhũng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chính sách và viện trợ nhân đạo.

Tham nhũng - vấn đề nhức nhối của Zimbabwe

Kể từ khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19, tham nhũng đã là một vấn đề nhức nhối ở Zimbabwe. Đất nước này chỉ đạt 24 trên thang điểm 100 về Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2019, theo đánh giá của TI.

Còn theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu mới nhất nghiên cứu khu vực châu Phi, 1/4 công dân Zimbabwe đã phải hối lộ cho các dịch vụ công trong 1 năm trước đó.

COVID-19 xuất hiện đã làm cho tình hình tồi tệ hơn. Kể từ cuối tháng 3, Chính phủ đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, thực hiện quy định giới nghiêm và yêu cầu đeo khẩu trang, đồng thời thông báo phân phối thực phẩm, viện trợ tiền mặt.

Các biện pháp như vậy đã được đưa ra để kiểm soát sự lây lan của virus, nhưng chúng cũng làm tăng gánh nặng tham nhũng cho một hệ thống vốn đã yếu ớt trước vấn nạn này.

Viện trợ nhân đạo và thiết bị y tế đã đi đâu?

Khi đại dịch bắt đầu, Chính phủ Zimbabwe đã hứa sẽ dành 5.000.000 USD (200 triệu đô la ZW) mỗi tháng để giúp đỡ người dân và giao Bộ Phúc lợi xã hội chịu trách nhiệm phân phối viện trợ.

Tuy nhiên, Bộ Phúc lợi xã hội đã không công khai thông tin về việc phân phối thực phẩm, hỗ trợ nhân đạo.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, ở một số khu vực, chính quyền chỉ phân phát viện trợ lương thực cho những người ủng hộ Đảng ZANU-PF cầm quyền.

Trong khi, 3 trung tâm ALAC tại Zimbabwe nhận được hàng trăm báo cáo từ những người đang gặp khó khăn, không nhận được hỗ trợ lương thực hay tiền mặt.

Các ALAC cũng đã gặp gỡ những bác sỹ, y tá bị buộc phải làm việc trong điều kiện không có khẩu trang và găng tay y tế.

Chính phủ Zimbabwe đã nhận tài trợ thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), máy thở và nhiều thiết bị y tế khác từ các tổ chức phi Chính phủ và các quốc gia, nhưng không công bố thông tin về việc phân phối chúng như thế nào.

ALAC đã đệ đơn lên Chính phủ Zimbabwe, đề nghị công bố thông tin phân phối các khoản viện trợ trong COVID-19. Và tháng 9 vừa qua, Tòa án Cấp cao của Zimbabwe đã ra phán quyết yêu cầu các cơ quan Chính phủ phải tuân thủ việc công bố thông tin.

Cảnh sát bị tố lạm dụng quyền lực

Một số cảnh sát đã hỗ trợ việc bán bột ngô bất hợp pháp tại thị trường ở Harare. Cảnh sát cũng là đối tượng của nhiều thông tin tố giác.

ALAC đã nhận được hàng trăm báo cáo về sự lạm dụng quyền lực của cảnh sát trong đợt phong tỏa vào cuối tháng 3. Trong một số trường hợp, cảnh sát thiết lập rào chắn bất hợp pháp và đòi hối lộ hoặc bán giấy phép đi lại dành cho những người lao động trong ngành nghề thiết yếu.

Ngăn chặn COVID-19 đi cùng với giải quyết tham nhũng

Chính phủ Zimbabwe không thể bảo vệ người dân của mình chiến thắng COVID-19 nếu tham nhũng tràn lan làm suy yếu các phản ứng của họ. TI Zimbabwe kêu gọi Chính phủ nước này:

- Ban hành hướng dẫn rõ ràng, minh bạch và công khai cho nhân viên y tế, cảnh sát và công chức về quản lý phản ứng với COVID-19.

- Phân phối thực phẩm và hỗ trợ tài chính đầy đủ tính minh bạch, trách nhiệm giải trình.

- Hỗ trợ các cơ chế báo cáo an toàn và dễ tiếp cận cho công dân tố giác tham nhũng trong COVID-19 và bảo vệ người tố giác. Hiện, chưa có luật nào ở Zimbabwe bảo vệ pháp lý cho những người tố giác.

- Điều tra tất cả trường hợp tham nhũng được báo cáo với cơ quan chức năng.

- Sa thải các cán bộ bị bắt quả tang đang phân phối viện trợ không công bằng hoặc nhận hối lộ.

Hoài Phương