Theo dự thảo này, cơ quan kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao/chỉ định hoặc cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra Nhà nước về chất lượng, kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm theo phương thức kiểm tra chặt, thông thường.

Cùng đó, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra Nhà nước về chất lượng trừ phương tiện nhập khẩu, kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm. Sử dụng thông tin truy xuất nguồn gốc, thông tin về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan các nước để phân tích, đánh giá rủi ro của hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu...

Tại hội thảo, PGS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho biết, Dự thảo Nghị định có một số điểm chưa sát với thực tế hiện nay, một số nội dung chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành và các hiệp hội

Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cũng chỉ ra 7 hạn chế, yếu kém, bất cập mà Dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính đưa ra. Đó là vấn đề kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu về chuyên ngành để nắm được thành phần nguyên liệu, mức độ tinh khiết, độ ổn định về hàm lượng, tính chất suốt đời sống sản phẩm cũng như phải phân tích được các chất ô nhiễm, sự tác động của thực phẩm tới sức khỏe, bệnh tật.

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng, cơ quan hải quan không thể quản lý và thực hiện được nội dung này.

Đối với vấn đề về phân tích nguy cơ bao gồm đánh giá nguy cơ, kiểm soát nguy cơ và truyền thông nguy cơ, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng nhấn mạnh, thực hiện các nội dung này chỉ có ngành Y tế và ngành Nông nghiệp. Hải quan hoàn toàn không làm được, đồng thời đề nghị 2 điểm nói trên không nên đề cập trong nghị định này.

“Về vấn đề công bố hợp quy, công bố hợp chuẩn đã được đề cập trong luật tiêu chuẩn, quy chuẩn, Luật An toàn thực phẩm và ngành Y tế, ngành Nông nghiệp đang thực hiện từ hàng chục năm qua. Ngành Hải quan không làm được”, ông Đáng khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cũng chỉ ra một số nội dung của Dự thảo Nghị định này còn trái với một số luật hiện hành, trong đó có Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng, Luật Thú y… Đặc biệt, nghị định trái ngay với Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng.

Quyết định số 38 chỉ giao hải quan xây dựng Nghị định về kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu, tuy nhiên ngay tên Dự thảo Nghị định này là "Quy định cơ chế quản lý…" đã sai với nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 38. Mặt khác, Quyết định số 38 chỉ giao Tổng cục Hải quan xây dựng và đề xuất mô hình kiểm tra hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu, song Dự thảo Nghị định lại hướng dẫn cả đăng ký bản công bố và tự công bố đối với thực phẩm nhập khẩu…

Trong khi đó, cơ quan hải quan bản chất là cơ quan kiểm soát nhập lậu và đánh thuế. Cần có sự phân công công việc đúng bản chất của nghề nghiệp, tránh chồng chéo, phân công không đúng. Làm không đúng sẽ gây rối loạn xã hội, rối loạn kinh tế và đời sống nhân dân.

Việc biên soạn Dự thảo Nghị định cần tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy pháp luật ngày 6/7/2015, đặc biệt điều 91 quy định trong khi soạn thảo nếu có sự thay đổi về nội dung so với các lần trước thì phải đăng tải lại, xin ý kiến lại. Bộ Tài chính không thực hiện như vậy.

Với những bất cập nêu trên, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các cơ quan hữu quan chưa thông qua Dự thảo Nghị định và đề nghị Bộ Tài chính chỉnh sửa để giải quyết những bất cập.

Dưới góc độ doanh nghiệp, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh cũng cho rằng, Dự thảo Nghị định đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. 

Theo ông Nguyễn Quang Thái, an toàn thực phẩm là lĩnh vực quan trọng liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người và phát triển kinh tế, xã hội nên cần cơ quan có chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra, có như vậy mới hạn chế các nguy cơ có thể xảy tới.

Thực phẩm nhập khẩu chỉ cần một doanh nghiệp đăng ký bản công bố trên hệ thống của Tổng cục Hải quan xây dựng, các doanh nghiệp khác khi nhập sản phẩm này không phải thực hiện việc đăng ký bản công bố.

“Nếu quy định này được thông qua sẽ là mối nguy lớn cho việc truy xuất nguồn gốc đối với các cơ quan quản lý vì không biết tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm về loại thực phẩm đó”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh nêu rõ. 

 

Phương Anh