Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tinh gọn bộ máy: Chọn cán bộ đi hay ở không được cảm tính

Hương Giang

Thứ tư, 11/12/2024 - 06:00

(Thanh tra) - Khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, việc chọn cán bộ đi hay ở lại phải minh bạch, công tâm, không được cảm tính, theo TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn liền với tinh giản biên chế. Vậy làm thế nào để đảm bảo đội ngũ cán bộ được chọn lựa ở lại đảm bảo “tinh, mạnh”? Trao đổi với báo chí, TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội cho rằng, cần có một chiến lược sắp xếp nhân sự chặt chẽ và khoa học.

TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Ảnh: P.Thắng

Minh bạch, công khai trong chọn cán bộ ở lại bộ máy Nhà nước

Theo ông Phạm Trọng Nghĩa, phải đánh giá nhu cầu của cơ quan, tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy để xem xét kỹ lưỡng, có cái nhìn tổng thể về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân sự hiện tại.

Trên cơ sở đó, đánh giá và phân loại nhân sự toàn diện với những tiêu chí rõ ràng dựa trên hiệu suất, kỹ năng và khả năng đóng góp của từng người cụ thể. Từ đó xác định những người có thể tiếp tục làm việc và những người cần được sắp xếp, tinh giản.

Việc này thực hiện theo quy trình cụ thể, minh bạch và công bố công khai, áp dụng nhất quán.

“Chọn lựa người đi hay ở cần căn cứ vào đánh giá cán bộ, công chức, viên chức rõ ràng, minh bạch, công tâm, dựa trên bằng chứng thực tiễn, cơ sở dữ liệu, thông tin thực tế, chứ không được cảm tính”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Để làm việc này, theo ông Nghĩa, có thể tính đến phương án thành lập Hội đồng đánh giá độc lập để đảm bảo tính khách quan, công bằng, hạn chế tối đa việc đưa ra khỏi bộ máy những người thực sự có tâm huyết, trình độ…

Không chỉ vậy, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội đề xuất phải có chính sách để duy trì và thu hút những người thực sự có năng lực vào bộ máy Nhà nước, bảo đảm tính cạnh tranh của khu vực công và tránh chảy máu chất xám.

Với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện dôi dư, ông Nghĩa bày tỏ quan điểm đồng tình cần có chính sách hỗ trợ “vượt trội, đủ mạnh”. Bởi, phía sau của mỗi cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện dôi dư còn các thành viên gia đình họ.

Cần chính sách "cách mạng” để giải bài toán nhân sự dôi dư

“Chúng ta làm cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nên cần phải có những chế độ, chính sách mang tính cách mạng nhằm ổn định đời sống, tạo cơ hội phát huy kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong diện tinh giản”, TS. Phạm Trọng Nghĩa chia sẻ.

Các chính sách này, theo ông Nghĩa, phải căn cứ trên cơ sở khoa học, cơ sở phân loại, cũng như khả năng đáp ứng của Nhà nước, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy”.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội đề xuất, trước mắt cần tính đến chính sách tài chính đủ lớn thông qua các gói trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm đủ mạnh, cao hơn nhiều mức đang thực hiện. Việc này để giúp những nhân sự dôi dư có thể ổn định cuộc sống trong thời gian tìm kiếm công việc mới.

Hay chính sách hỗ trợ về hưu sớm với những đối tượng không còn khả năng hoặc không có nhu cầu tìm công việc mới…

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ trước mắt, ông Nghĩa cho rằng, đảm bảo kế sinh nhai lâu dài cho cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng cũng rất quan trọng.

Ông góp ý, nên có chính sách hỗ trợ chuyển đổi công việc, khởi nghiệp cho công chức, viên chức thuộc diện dôi dư.

“Cần tính đến việc thành lập Quỹ hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ khởi nghiệp cho những đối tượng này hay hỗ trợ phát triển kỹ năng gồm các khóa đào tạo, đào tạo lại nhằm phát triển kỹ năng mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện tại”, theo quan điểm của TS. Phạm Trọng Nghĩa.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội cũng đề nghị, quan tâm tạo cơ hội việc làm mới thông qua các chương trình đầu tư công, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, khuyến khích họ tạo thêm việc làm.

Tinh gọn bộ máy tạo tiền đề quan trọng đưa nước ta bước vào Kỷ nguyên mới

Theo TS. Phạm Trọng Nghĩa, để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, các cấp lãnh đạo cần thể hiện bản lĩnh chính trị, tầm nhìn, năng lực trong việc quyết định và triển khai thực hiện các quyết định.

Các lãnh đạo cũng cần sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, sẵn sàng làm gương, tạo động lực và sự đồng thuận bằng cách những hành động cụ thể; tăng cường đối thoại để lắng nghe ý kiến, lo ngại của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh giản biên chế.

“Tất nhiên là không thể thiểu các cơ chế khuyến khích công chức, viên chức chấp nhận và thích nghi với sự thay đổi, ngay cả khi điều đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân ngắn hạn của họ”, ông Nghĩa nói.

TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh thêm, “sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này là cuộc cách mạng, tạo tiền đề quan trọng đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chúng tôi, cho rằng đây sẽ là quá trình thường xuyên, liên tục. Do đó, cần xây dựng cơ chế để giám sát, đánh giá, cũng như lắng nghe và phản hồi để liên tục hoàn thiện các quy trình, chính sách nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đảng bộ Hà Nội gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong kỷ nguyên vươn mình

Đảng bộ Hà Nội gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong kỷ nguyên vươn mình

(Thanh tra) - Ngày 6/12, Đảng bộ Hà Nội tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn thành phố triển khai đợt sinh hoạt chính trị "Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

PV

16:32 06/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm