Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần chính sách vượt trội khuyến khích nghỉ hưu sớm để giữ cán bộ trẻ khi tinh gọn bộ máy

Hương Giang

Thứ ba, 10/12/2024 - 10:17

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị khi thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cần có cơ chế, chính sách vượt trội để khuyến khích những người còn 2-4 năm nữa nghỉ hưu sẵn sàng nghỉ để giữ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản trong hệ thống.

Đề xuất cần chính sách vượt trội để khuyến khích nghỉ hưu sớm để giữ cán bộ khi thực hiện tinh gọn bộ máy được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề cập khi góp ý vào báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 sáng 10/12. Bà nhấn mạnh, Nhân dân đồng tình chủ trương tinh gọn bộ máy, nhưng cần tuyên truyền tốt hơn nữa.

“Khi đi vào sắp xếp, tinh gọn bộ máy là đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi người này, người kia. Chúng ta chỉ nghĩ Nhân dân đồng tình, ủng hộ mà thiếu quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu thì có thể phát sinh những việc ngoài dự tính thì rất khó cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

“Không có chính sách tốt, không giữ lại được cán bộ cần giữ”

Bà đề nghị làm tốt hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cử tri và Nhân dân cả nước khi thực hiện các chủ trương mới, trong đó có việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Bên cạnh xây dựng các đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải coi trọng cơ chế, chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị có chính sách vượt trội để khuyến khích cán bộ nghỉ hưu sớm để giữ cán bộ trẻ khi tinh gọn bộ máy. Ảnh: P.Thắng

Bà Thanh ví dụ, khi thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (về tinh giản biên chế) cũng có một phần rất quan trọng là chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức. Bây giờ quy mô nền kinh tế, ngân sách lớn hơn rất nhiều so với trước đây, nên có đủ điều kiện để chăm lo.

Những người trong diện sắp xếp là người dân, cũng là cán bộ. Quan tâm đến đời sống của họ cũng là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển, người dân là người được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, theo Phó Chủ tịch Quốc hội.

Cho nên, bà Thanh đề nghị có cơ chế chính sách hợp lý, thậm chí phải có cơ chế thật mạnh, vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2-4 năm nữa nghỉ hưu có thể sẵn sàng nghỉ để giữ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản giữ trong hệ thống.

“Nếu không có chính sách tốt thì không giữ lại được những cán bộ cần giữ, không ra được những cán bộ cần chuyển sang lĩnh vực khác”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói và bày tỏ lo ngại, cán bộ chuyển sang khu vực tư lại là những người tốt, còn người không tốt, trung bình thì ở lại bộ máy Nhà nước.

Phó Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cũng cho biết, cử tri và Nhân dân kỳ vọng việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ tạo sinh lực mới để phát triển đất nước.

Theo ông Công, “cử tri và Nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.

Còn nhiều vấn đề cử tri, Nhân dân lo lắng

Về hoạt động của Quốc hội, Phó Ban Dân nguyện nhấn mạnh, cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc đổi mới tư duy, phương thức tiến hành công tác lập pháp theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính.

Việc chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”… cũng nhận được sự đánh giá cao của cử tri, Nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến náo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11, sáng 10/12. Ảnh: P.Thắng

Tuy nhiên, theo ông Công, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất; tình hình doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm.

Cử tri và Nhân dân phản ánh xe đạp điện đang ngày càng phổ biến do tính tiện dụng, dễ điều khiển. Tốc độ di chuyển của loại phương tiện này khá nhanh, nhưng hiện nay chưa có quy định về độ tuổi đối với người điều khiển, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn, nhất là khi người điều khiển xe đạp điện phần lớn là học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia giao thông.

Lo lắng của cử tri cũng xoay quanh tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra, nhất là trong dịp cuối năm…

Trên cơ sở ý kiến cử tri, Nhân dân, Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét, có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá đất và bảo đảm cơ chế đấu giá đất minh bạch.

Việc này nhằm hạn chế hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cuộc, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá đất; nghiên cứu để đưa ra chế tài xử lý đối với hành vi thao túng thị trường bất động sản.

Bộ Y tế được đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại bếp ăn tập thể, bếp ăn căng tin; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý các nguồn cung cấp thực phẩm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Nổi lên 13 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự trong tháng 11

Cũng theo Phó Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, trong tháng 10 và tháng 11/2024, nhất là trong khoảng thời gian diễn ra Kỳ họp lần thứ 8, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9.

“Số người đeo bám khiếu kiện từ các địa phương kéo về Hà Nội tăng”, ông Công nói và cho biết, có nhiều đoàn đông người của một số địa phương như: Hải Phòng, Nghệ An, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Thái Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa…

Báo cáo tổng hợp từ các địa phương cho thấy, trong kỳ báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, môi trường, khai thác tài nguyên và xây dựng ở một số địa phương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đáng lưu ý, trong tháng 11/2024, nổi lên 13 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự. Vì vậy, Ban Dân nguyện đề nghị các địa phương tổ chức tiếp, đối thoại các công dân, ban hành quyết định giải quyết (nếu còn thẩm quyền) hoặc tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người của 17 địa phương thường xuyên tập trung khiếu kiện đông người tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, TP khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc mới phát sinh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm