Đây là dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings vừa được công bố. Cụ thể, theo báo cáo của S&P, tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt mức 1,9% và 11,2% vào năm sau. Dự báo này cao hơn so với mức 1,8% của năm nay và 6,3% trong năm sau mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra cách đây hơn 10 ngày.

Tính đến 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 21,2 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong đó, có hơn 1.900 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số vốn đầu tư. Hiện đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu, tiếp đó là Hàn Quốc.

Tháng 7 và tháng 8, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ tăng trưởng mạnh đạt 1,1 tỷ USD/tháng. Quý 4/2020 dự kiến giá trị xuất khẩu trung bình trên 1,2 tỷ USD/tháng và sẽ cán đích kế hoạch xuất khẩu. Sự tăng tốc này có được là do các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội thị trường chuyển hướng tiêu thụ nhiều mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, trong bối cảnh ảnh hưởng COVID-19, giãn cách xã hội khiến người dân ở nhà và có nhu cầu mua nội thất nhiều hơn. Giá trị xuất khẩu nhóm hàng này đóng góp trên 13% vào tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ.

Doanh nghiệp du lịch có quy mô lớn (từ 200 lao động trở lên), có thể được vay 0% lãi suất để trả lương cho người lao động. Thực tế, tính đến hết tháng 8, mới chỉ 7/50 doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay do ảnh hưởng dịch, hay thậm chí theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước mới chỉ có 1 doanh nghiệp đủ điều kiện vay gói 16.000 tỷ đồng để trả lương người lao động, bởi những điều kiện giải ngân quá khắt khe.

T.Uyên