Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, ngoài dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn một số dự án đường sắt đô thị khác đang triển khai, thi công, song đến thời điểm hiện tại đều chưa hoàn thành.

Quy hoạch ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm vẫn chưa đồng thuận

Đầu tiên, tại Hà Nội là dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có chiều dài 11,5km với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng (trong đó, vốn ODA vay của Nhật Bản (JICA) là 16.485 tỷ đồng; vốn đối ứng là 3.079 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, dự án này thực hiện trong giai đoạn 2009-2020, nhưng đến nay chưa thực hiện. Nguyên nhân là do thời gian thẩm định, thẩm tra dự án điều chỉnh kéo dài.

Nhất là, việc lập quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. “Đến nay, quy hoạch ga C9 vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm cơ sở để UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, điều tra kiểm đếm, công khai phương án, làm việc với các đơn vị liên quan, họp dân, lấy ý kiến... đều phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19.

Với dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) chiều dài 12,5 km; tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2010, kế hoạch hoàn thành năm 2018, giờ dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện dự án này đã hoàn thành thi công gói thầu CP01 và CP04. Còn CP02 đang thi công phần kiến trúc nhà ga và cơ điện, dự kiến hoàn thành thi công vào tháng 12/2020; CP05, CP06, CP07 tiếp tục triển khai.

Riêng gói thầu CP09 đã ký kết hợp đồng từ tháng 12/2019, tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể phát lệnh khởi công do Bộ Tài chính và DGT chưa ký kết thỏa ước vay bổ sung 20 triệu euro để tạm ứng cho nhà thầu.

Hơn nữa, quá trình thực hiện tuyến số 3, đến nay vẫn còn một số hộ dân và cơ quan lấn vào phạm vi chỉ giới đường đỏ của dự án tại các vị trí móng cầu thang ga trên cao, làm ảnh hưởng tiến độ thi công gói thầu CP02…

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) cũng chung “số phận” phải điều chỉnh tiến độ. Đây là dự án vốn vay ODA của Nhật Bản.

Với chiều dài 28,7km, dự án đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư là 9.197 tỷ đồng (theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt trên cao Hà Nội, tháng 6/2002).

Báo cáo của Chính phủ cho hay, giai đoạn 1, đến nay đã giải ngân được hơn 2.087 tỷ động trong tổng số vốn hơn 2.323 tỷ đồng (đạt 89,8%). Trong năm nay sẽ tiếp tục giải ngân hơn 16 tỷ đồng nữa.

Vấn đề là dự án tuyến số 1 phải chờ chủ trương từ Thủ tướng Chính phủ nên không có cơ sở để triển khai bất kỳ nội dung nào ngoài việc tiếp tục công tác báo cáo về dự án.

Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng sớm cho phép triển khai dự án giai đoạn I. Sau đó, trên cơ sở cho phép của Thủ tướng sẽ tiếp tục công tác điều chỉnh dự án giai đoạn IIA.

Chưa xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách

Tại TP Hồ Chí Minh, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; đã triển khai 4/5 gói thầu xây lắp và thiết bị với tổng khối lượng thực hiện đạt 72,3%.

Dự án này có chiều dài dự án là 19,7km (2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao) với 14 ga (3 ga ngầm, 11 ga trên cao). Tổng mức đầu tư hơn 47.325 tỷ đồng (236.626 triệu Yên Nhật).

Từ khi khởi công (tháng 8/2012) dự án đến nay, đã giải ngân hơn 18.323 tỷ đồng theo kế hoạch, đạt 57,7% (bao gồm giải ngân từ nguồn tạm ứng ngân sách TP). Riêng từ đầu năm 2020 đến nay đã giải ngân hơn 525 tỷ đồng, đạt 4% bao gồm giải ngân từ nguồn tạm ứng ngân sách TP (2.158,5 tỷ đồng).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện tại chủ trương vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ chưa được Thủ tướng thông qua. Cạnh đó, do cách hiểu khác nhau về loại tiền tệ áp dụng vay giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính nên vẫn chưa xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách.

Bộ Tài chính cũng chưa triển khai ký kết hợp đồng cho vay lại đối với Hiệp định vay VN15-P5 và Phụ lục ký Hợp đồng cho vay lại đối với Hiệp định vay VN11-P7 (bổ sung giá trị Hiệp định vay).

Với dự án tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương, báo cáo của Chính phủ cho hay, năm 2020, UBND TP đã thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã phê duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án cho 5 quận: 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.

Về tình hình thực hiện, dự án có 9 gói thầu chính, trong đó gói thầu CP1 đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Hiện, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu.

Dự án này cũng đang gặp vướng mắc khi chủ trương vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ chưa được Thủ tướng thông qua. Bộ Tài chính cũng chưa có ý kiến về việc gia hạn thời gian giải ngân đối với khoản vay của Ngân hàng KfW.

Có chiều dài 11,322km, dự án tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương gồm 9,315km đi ngầm, 0,232km chuyển tiếp, 0,778km đi trên cao và 0,997km nối vào ga depot với 10 ga ngầm, 1 ga trên cao.

Tổng mức đầu tư là 47.890,840 tỷ đồng (tương đương 2.093,59 triệu USD). Kế hoạch hoàn thành là vào năm 2026. Từ đầu dự án này đến nay đã giải ngân được 1.037,3/1.916,6 tỷ đồng theo kế hoạch, đạt 54,1%.

Hương Giang