Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất sắn trên đất dốc bền vững

Hoàng Nam

Thứ sáu, 09/08/2024 - 20:54

(Thanh tra) - Ngày 9/8, tại Yên Bái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Sản xuất sắn bền vững trên đất dốc các tỉnh phía Bắc.

Hội nghị Sản xuất sắn bền vững trên đất dốc các tỉnh phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức 9/8. Ảnh: TTM

Sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam và là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu chỉ sau Thái Lan.

Những đóng góp của các sản phẩm từ sắn

Theo thống kê, năm 2023, tổng diện tích sắn toàn quốc đạt 511.433,4 ha, trong đó diện tích sắn các tỉnh phía Bắc đạt 156,4 nghìn ha (chiếm 30,6% tổng diện tích sắn cả nước); năng suất bình quân đạt 147,2 tạ/ha (bằng 72,4% năng suất sắn cả nước); sản lượng đạt 2.301,5 nghìn tấn (chiếm 22% sản lượng sắn cả nước).

Số liệu báo cáo tổng hợp của Sở NN&PTNT 19 tỉnh có diện tích trồng sắn lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, tổng diện tích sắn trồng trên đất dốc đạt 130.487,4 ha (chiếm 83,4% tổng diện tích sắn toàn miền),

Theo Tổng cục Hải quan năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2022. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay. Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu năm 2023 đạt 441,5 USD/tấn, tăng 2,1% so với năm 2022 và Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,5% về lượng và chiếm 91% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 ở mức 438,9 USD/tấn, tăng 1,7% so với năm 2022.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1.269.847 tấn, trị giá 571,313 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 6,65 % về lượng, nhưng tăng 8,08 % về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 452,9 USD/tấn, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận diện những khó khăn và thuận lợi

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, phần lớn diện sắn tại các tỉnh phía Bắc được trồng trên đất dốc, đất nghèo dinh dưỡng, địa hình chia cắt mạnh, đất đai bị suy thoái do xói mòn, rửa trôi, đất đai bị hạn hán nên việc đầu tư thâm canh, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển khó khăn, năng suất thấp, chi phí sản xuất cao. Việc trồng sắn còn mang tính tự phát, diện tích phân tán; sản xuất chưa theo chuỗi liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm, phải qua nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân ít quan tâm đầu tư.

Công tác bảo quản, sơ chế và chế biến sắn còn nhiều hạn chế, thiếu các nhà máy chế biến sâu, công suất chưa đủ lớn, sắn chủ yếu được người dân sấy khô thủ công chờ thương lái đến thu mua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tinh bột sắn.

Tuy nhiên, sắn được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ đồng bào vùng cao. Sắn được sử dụng làm lương thực cho người và thức ăn chăn nuôi còn được sử dụng khá phổ biến để làm nguyên liệu cho nhà máy, cơ sở, làng nghề chế biến thực phẩm đồng thời sắn và tinh bột sắn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, thị trường đầu ra tốt.

Trong khi đó, trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ là vùng có diện tích đất canh tác lớn, điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp cho cây sắn sinh trưởng, phát triển và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Nguồn lao động dồi dào, năng động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng đầu tư thâm canh, sử dụng các giống sắn mới năng suất, chất lượng cao và phù hợp cho việc chế biến tinh bột sắn.

Hệ thống các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại các địa phương từng bước được đầu tư công nghệ mới và hoạt động khá hiệu quả. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn thời gian qua đã từng bước đồng hành cùng nông dân đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đã tạo được niềm tin cho người trồng sắn.

Công tác dự tính, dự báo sâu bệnh trên cây sắn được quan tâm kịp thời; nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và giống sắn mới có năng suất và hàm lượng tinh bột cao được hoàn thiện và chuyển giao cho sản xuất đã thúc đẩy ngành hàng sắn phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những giải pháp để ngành sắn phát triển bền vững

Trong hơn 10 năm trở lại đây, nhiều tiến bộ kỹ thuật được ban hành áp dụng cho sản xuất sắn các tỉnh phía Bắc bao gồm như: Quy trình canh tác sắn bền vững cho các tỉnh phía Bắc; quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn; quy trình canh tác sắn; quy trình phòng trừ tổng hợp rệp sáp bột hồng hại sắn.

Tại hội nghị, các đại biểu chung quan điểm cho rằng, thời gian qua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phát triển sắn ở các tỉnh phía Bắc còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Có thể kể đến một số vấn đề như: Nhận thức của người dân và một số địa phương về cây sắn còn chưa đồng đều; trồng sắn theo hình thức quảng canh, không đầu tư, sản xuất bị động, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ, đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu còn hạn chế; thiếu đầu tư nghiên cứu kỹ thuật canh tác sắn trên đất dốc dẫn đến năng suất thấp; còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn; nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để định hướng cho việc đầu tư, phát triển ngành hàng sắn…

Qua đó, các ý kiến đề xuất, để sản xuất cây sắn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại các tỉnh phía Bắc, cần ban hành quy trình canh tác sắn trên đất dốc theo hướng bền vững, phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện sinh thái; tổ chức sản xuất giống sắn sạch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sắn; rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng về sắn và sản phẩm sắn; phát triển các quy trình kỹ thuật chế biến sắn và sản phẩm từ sắn phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo tạo thuận lợi cho đầu ra của các vùng trồng sắn trên đất dốc…

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị trong thời gian tới cần rà soát xây dựng các quy trình sản xuất sắn trên đất dốc theo hướng bền vững và phù hợp với điều kiện sinh thái; các viện, doanh nghiệp trong hiệp hội tiếp tục nghiện cứu chọn tạo các bộ giống chất lượng hơn với hàm lượng tinh bột cao, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn; tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất sắn bền vững trên đất dốc, có quy trình hoàn thiện để người trồng sắn dễ áp dụng thực tế.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn diện cho người dân và cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương về vai trò của cây sắn và hiệu quả kinh tế của cây sắn mang lại, tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất sắn trên đất dốc bền vững; xây dựng chính sách bài bản, căn cơ, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương để hỗ trợ các nguồn lực về tài chính, kỹ thuật cho người dân; chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

(Thanh tra) - Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và địa phương, đến tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận thành tích ấn tượng trong việc thu hút đầu tư cả FDI và DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt con số kỷ lục, vượt gần 50% so với kế hoạch năm 2024.

Chính Bình

16:53 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm