Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 17/07/2012 - 06:26
(Thanh tra) - Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình phát biểu rằng, Chính phủ đang lên kế hoạch thành lập một công ty mua nợ xấu với số vốn 100.000 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD) để giải quyết nợ xấu ngân hàng. Vấn đề đặt ra là sự minh bạch trong việc mua lại nợ xấu ngân hàng, số tiền mua nợ lấy ở đâu và nguồn vốn này sẽ được kiểm soát, giám sát như thế nào cho hiệu quả?
Cần bao nhiêu tiền để giải quyết nợ xấu_Ảnh minh họa
Vì sao phải thành lập công ty mua nợ xấu?
Tính đến tháng 6/2012, giá trị nợ xấu của ngân hàng (NH) ước tính khoảng 256.000 tỷ đồng tương đương với 10% GDP năm 2011 của Việt Nam và gấp 9 lần gói hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mới được thông qua. So với các NH, nợ xấu cao gấp 6 lần tổng lợi nhuận ngành năm 2011 và bằng tổng tài sản của 14 NH nhỏ nhất cộng lại. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, các DN Nhà nước thiếu khả năng thanh toán 20 - 30% trong tổng số 415.000 tỷ đồng đã vay từ các NH.
Theo các chuyên gia, vấn đề nợ xấu xuất phát một phần từ hoạt động đầu tư ngoài lĩnh vực chính của các DN Nhà nước. Theo NHNN, nợ xấu lớn đang làm cho chi phí vốn của các NH Thương mại (NHTM) tăng lên rất cao. Từ đó, khiến nhiều NHTM không muốn giãn nợ và điều chỉnh giảm lãi suất do sợ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Mục đích của việc thành lập công ty này cùng lúc giải quyết được hai việc. Đó là vừa tăng tính thanh khoản, có lợi cho NH, vừa giải quyết vốn cho DN. Bởi một thời gian dài, nhiều NHTM chạy theo lợi nhuận, đã giải ngân những khoản tiền lớn ở hai lĩnh vực “hot” là chứng khoán và bất động sản (BĐS). Khi dòng tiền từ hai thị trường này bị ngưng lại và giá cả bị “xì hơi”, thì các khoản này trở thành nợ xấu của NH.
Điều kiện mua và cần bao nhiêu tiền để giải quyết nợ xấu?
Nguồn vốn để xử lý nợ xấu sẽ lấy từ đâu và triển khai thực hiện như thế nào? Các chuyên gia cho rằng, với quy mô công ty như vậy, việc huy động vốn sẽ được tiến hành qua ba kênh. Một là nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp ban đầu (một lượng nhỏ), chỉ mang tính chất “xúc tác”. Hai là huy động từ phát hành trái phiếu do Chính phủ hoặc NHNN phát hành và trái phiếu do công ty trực tiếp phát hành có bảo lãnh của Chính phủ. Ba là một phần vốn nhỏ do các NHTM đóng góp.
Theo các chuyên gia, việc Chính phủ, NHNN hay công ty phát hành trái phiếu là việc hết sức bình thường. Ở đây, NHNN sẽ phát hành trái phiếu, sau đó chuyển lại cho công ty mua bán nợ. Tất nhiên là phải kèm theo những điều kiện cụ thể, đặc biệt là rất rõ ràng ở chỗ ai trả lãi, ai trả gốc, mức lãi suất... Theo chuyên gia Fiachra Mac Cana, Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), nhiều khả năng Chính phủ sẽ huy động vốn dài hạn có thể thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 - 10 năm để huy động vốn.
Với kinh nghiệm chuyên mua bán nợ xấu, ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) Bộ Tài chính cho rằng, vốn cho công ty mua nợ xấu chỉ nên vào khoảng 20.000 tỷ đồng là vừa đủ để mua những khoản nợ xấu cấp thiết nhất. Ví như một DN có khoản nợ lên tới cả ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ cần bỏ ra vài trăm tỷ để giúp họ khơi thông dòng vốn hoạt động là được. Phải xác định tiền vốn này dùng để mua nợ rồi thanh toán dần chứ không phải mua tất cả nợ xấu. Vấn đề là Chính phủ phải xác định rõ mục tiêu mua nợ xấu để làm gì? Nếu để cứu nền kinh tế, thì cần đạt mục tiêu bảo toàn vốn đã bỏ ra và khơi thông dòng vốn cho NH.
Cần lường trước nguy cơ nhóm lợi ích
Dự kiến 100.000 tỷ đồng là để mua nợ xấu mà đa phần sẽ rơi vào nợ BĐS. Nhưng với thị trường này, khó có hy vọng sẽ hồi phục nhanh và như vậy rủi ro sẽ rất cao. Thực tế cho thấy, rất nhiều cổ đông của các NH có phần trong đầu tư BĐS. Vì vậy, việc giải cứu nợ xấu có ý nghĩa rất lớn đối với những thành phần này. Số tiền Nhà nước bỏ vào sẽ giúp cho cổ đông thoát khỏi cơn khủng hoàng BĐS và vì vậy khả năng vận dụng mánh khóe, sự quen biết kể cả “đi đêm” để được chấp thuận là điều có thể xảy ra. Để tình trạng này không xảy ra thì Nhà nước phải làm gì? Có một câu hỏi cần phải được giải đáp thỏa đáng là NH nào cũng thông báo lãi hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng tại sao không để họ tự cân đối khắc phục những khoản nợ xấu?
Nhiều người lo ngại rằng, rất có khả năng công ty mua bán nợ sẽ dùng tiền mua sản phẩm dưới chuẩn, không chất lượng tạo ra những vấn đề khác không giải quyết được. Có người còn lo xa rằng, công ty này nếu quản trị không khéo sẽ biến thành nơi để NH làm sạch những khoản đầu tư không chính đáng ở “sân sau” của họ. Do đó, nếu thành lập, cần tạo cho công ty hoạt động an toàn, mua nợ với giá thực tế, và có thể bán lại.
Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước chỉ có thể đứng ra cung cấp vốn cho công ty mua bán nợ nhưng Nhà nước không có bổn phận thu mua nợ xấu. Vì vậy, cần phải lường trước nguy cơ nhóm lợi ích NH tìm cách đẩy nợ xấu cho công ty mua bán nợ để thu hồi vốn đầu tư đang xuống giá. Như vậy, lúc ấy ngân sách Nhà nước sẽ đứng ra gánh hậu quả thay các “đại gia”. Đó là chưa kể đến khả năng công ty này mua nợ xấu với giá cao, đem lại lợi ích cho NH nhưng thiệt hại cho ngân sách. Các món nợ phải được định giá nghiêm túc, nợ nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 không thể được mua với giá như nợ nhóm 4 và nhóm 5 vì mức độ rủi ro khác nhau thì chất lượng khác nhau và giá cả khác nhau.
Khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng hoặc trì trệ do tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, thì việc hình thành một công ty mua bán nợ tầm cỡ quốc gia để kích thích quá trình xử lý nợ xấu là cần thiết. Việc này đã được tiến hành tại nhiều quốc gia trong giai đoạn khủng khoảng tài chính châu Á 1997 - 1998 như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan…
Duy Khanh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.
Trần Kiên
20:25 13/12/2024T.Thanh
19:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình