Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần chế độ hỗ trợ phụ cấp chức trách hợp lý

Thứ ba, 15/10/2013 - 08:00

(Thanh tra)- Đó là một trong những nội dung được quan tâm đề cập tại hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu và khảo sát về vai trò của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Hà Nội do Viện Khoa học Thanh tra tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Hiếu

Giới thiệu tóm tắt kết quả nghiên cứu và khảo sát về vai trò của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng trong PCTN, TS Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra cho biết, việc nghiên cứu khảo sát chủ yếu tập trung vào một số vấn đề lý luận như: Vai trò của Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng trong PCTN; những quy định của pháp luật hiện hành và thực tế tổ chức hoạt động GSĐT của cộng đồng và những đề xuất, kiến nghị về việc hình thành tổ chức GSĐT của cộng đồng; hoạt động của chủ thể GSĐT của cộng đồng; bảo đảm những điều kiện cần thiết cho hoạt động của chủ thể GSĐT của cộng đồng. 

Nghiên cứu tiếp cận theo hướng tập trung vào một số vấn đề cụ thể như tổ chức và hoạt động của Ban TTND được đặt bên cạnh Ban GSĐT của cộng đồng do Ban GSĐT của cộng đồng ra đời muộn hơn so với Ban TTND nhưng về bản chất cũng là một hình thức giám sát của nhân dân. Mặt khác, phạm vi hoạt động của hai chủ thể này có phần chồng lấn. Nếu như phạm vi giám sát của Ban TTND là hầu hết mọi lĩnh vực bao gồm cả lĩnh vực đầu tư cộng đồng thì phạm vi giám sát của Ban GSĐT của cộng đồng lại hẹp hơn và chỉ đi vào một lĩnh vực cụ thể là đầu tư cộng đồng với những vấn đề có liên quan đến lợi ích thiết thân của người dân ở địa bàn cơ sở…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về tổ chức nhiệm kỳ, phạm vi giám sát, chức năng giám sát của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng…

Một số đại biểu cho rằng, việc tổ chức hoạt động của Ban TTND, Ban Giám sát cộng đồng ở địa phương còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Ban GSĐT của cộng đồng chỉ thực hiện tốt vai trò giám sát đối với các công trình, dự án do cấp xã làm chủ đầu tư. Riêng các công trình do các sở, ngành, cấp huyện, tỉnh làm chủ đầu tư thì công tác giám sát gặp rất nhiều khó khăn do sự bất hợp tác của các đơn vị. Hay như chức năng giám sát của Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng, chủ yếu mang tính chất nhân dân là giám sát, phát hiện và kiến nghị. Song, vấn đề ở đây là kiến nghị cơ quan nào và xử lý ra sao thì chưa được quy định cụ thể.

Về mặt pháp lý, hai tổ chức này vẫn hoạt động song song. Do vậy, có thể sáp nhập hai tổ chức này ở cấp xã, phường nhưng phải cụ thể hóa bằng văn bản như giao Mặt trận Tổ quốc giám sát ở cấp xã, phường, giao Thanh tra huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn về mặt chuyên môn. 

Một nội dung nữa cũng được các đại biểu quan tâm đề cập đến là kinh phí hoạt động của Ban GSĐT của cộng đồng. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT thì mức kinh phí hỗ trợ GSĐT của cộng đồng trên địa bàn xã do Hội đồng Nhân dân xã quyết định và bảo đảm mức kinh phí tối thiểu là 2 triệu đồng/năm nên không bảo đảm nhu cầu hoạt động. Do vậy, đề nghị có chế độ hỗ trợ phụ cấp chức trách cho Ban GSĐT của cộng đồng và có chính sách đãi ngộ, khen thưởng Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng khi phát hiện các vụ việc sai phạm. 

Sự giám sát của người dân và xã hội đóng một vai trò hết sức to lớn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm tính dân chủ; các thiết chế kiểm tra, giám sát của nhân dân hiện nay được pháp luật quy định khá đầy đủ và cụ thể. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật còn chưa thực sự rõ ràng, dứt khoát. 

Các đại biểu cũng như nhóm nghiên cứu đề tài này đưa ra một số kiến nghị: Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân nói chung và GSĐT tại cộng đồng nói riêng nhằm làm cho người dân hiểu được ý nhĩa và tác dụng của hoạt động này để họ nhiệt tình, hưởng ứng tham gia; từng bước thống nhất các hoạt động giám sát của nhân dân tại địa phương cơ sở vào Ban TTND dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc; tăng cường bồi dưỡng kiến thức về pháp luật PCTN, pháp luật về các kỹ năng nghiệp vụ kiển tra, giám sát cho các thành viên của Ban TTND.

Bên cạnh đó, tăng cường kinh phí hoạt động cho Ban TTND, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát nói chung và hoạt động giám sát cộng đồng nói riêng có hiệu quả; quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát. 

Để hoạt động GSĐT của cộng đồng thực sự phát huy hiệu quả, cần đề cao hơn nữa vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và chính quyền địa phương, nhất là trách nhiệm của UBND các cấp trong việc xem xét, giải quyết các vấn đề mà cộng đồng yêu cầu.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm