Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra - Thực trạng và giải pháp

Thái Hải

Thứ tư, 29/12/2021 - 22:12

(Thanh tra)- Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp bộ “Xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra - Thực trạng và giải pháp” do ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm đề tài. TS. Lê Tiến Hào, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì hội nghị.

ThS. Lê Thị Thúy trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

ThS. Lê Thị Thúy cho rằng, xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm sự chủ động của các cơ quan thanh tra, bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm của hoạt động thanh tra, bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hành động giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước với nhau và với các cơ quan Nhà nước khác, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động kiểm soát khác của cơ quan Nhà nước. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra cũng có ý nghĩa kiểm soát lại chính hoạt động của các cơ quan thanh tra, giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra sai phạm, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

“Để tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, trong quá trình hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thanh tra, nhiều địa phương đã giao thanh tra tỉnh là cơ quan chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa thanh tra sở với thanh tra huyện; chủ trì phối hợp với thanh tra bộ xử lý chồng chéo về hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh. Khi có sự chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, thanh tra tỉnh tổ chức thành các cuộc thanh tra liên ngành hoặc thông báo cho các cơ quan thanh tra kịp thời tham mưu cho người có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch thanh tra”, ThS. Lê Thị Thúy cho biết.

Theo ThS. Lê Thị Thúy, hiện nay hiện tượng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra diễn ra khá phổ biến, việc phối hợp xử lý chồng chéo trong hoạt động giữa thanh tra bộ, ngành, địa phương và Kiểm toán Nhà nước vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong nhiều trường hợp bộ, ngành, địa phương phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra. Điều này đã cho thấy rõ sự lúng túng và bị động của các cơ quan chức năng trong xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra.

Từ những vướng mắc, bất cập về mặt pháp lý và thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có nghiên cứu nhằm làm rõ những vấn đề lý luận - pháp lý - thực tiễn về kế hoạch thanh tra làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra trong giai đoạn hiện nay.

Với mục tiêu nghiên cứu là làm rõ những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và đề xuất quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, đề tài triển khai 3 nội dung: Chương 1: Một số vấn đề lý luận về xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra; Chương 2: Thực trạng xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra; Chương 3: Quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra.

Toàn cảnh hội nghị nghiệm thu. Ảnh: TH

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài đã làm rõ một số vấn đề lý luận chung về xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu đối với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, thẩm quyền, trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, những yếu tố ảnh ưởng đến việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra.

Đề tài đánh giá thực trạng quy định của pháp luật và thực tiễn việc xây dựng kế hoạch thanh tra trong giai đoạn hiện nay; phân tích ưu điểm và chỉ ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra. Trên cơ sở thực trạng, đề tài đề xuất quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra.

Để hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu, tại Chương 1, Ban Chủ nhiệm đề tài cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Cân nhắc từ “tổng thể” khi đưa ra khái niệm kế hoạch thanh tra là tổng thể các nhiệm vụ thanh tra chủ yếu của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; cân nhắc từ “giao” và “theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện” khi định nghĩa thực hiện kết luận thanh tra là việc giao, triển khai thực hiện trên thực tế, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các việc vụ thanh tra được xác định trong kế hoạch thanh tra.

Đặc điểm của kế hoạch thanh tra cần nhấn mạnh đặc điểm là được xây dựng theo trình tự, thủ tục, thời hạn do pháp luật quy định; yêu cầu xây dựng kế hoạch thanh tra cần bổ sung yêu cầu là bảo đảm sự thống nhất với định hướng chương trình thanh tra và sự hướng dẫn của cơ quan thanh tra Nhà nước cấp trên; căn cứ xây dựng kế hoạch thanh tra nên viết gọn lại, những nội dung và tiêu chí cụ thể để luận giải trong phần giải pháp; đánh giá thực trạng nên bổ sung số liệu, đánh giá trong Báo cáo số 2333/BC-TTCP năm 2019 của Thanh tra Chính phủ tổng kết 9 năm thi hành Luật Thanh tra năm 2010, nhất là những kết quả đạt được và hạn chế; giải pháp về nhận thức cần xác định xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra góp phần bảo đảm tính chủ động trong hoạt động thanh tra, đồng thời cũng là tiêu chí để đánh giá, xếp loại cơ quan có chức năng thanh tra; nếu có thể cần viết rõ hơn các giải pháp tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, việc nghiên cứu đề tài là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện về vấn đề này. Đề tài đã hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu nghiên cứu theo yêu cầu của thuyết minh; các thông tin, tài liệu đầy đủ, xác thực, cập nhật và có độ tin cậy cao. Kết quả nghiên cứu có tính khoa học cao, là tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác nghiên cứu pháp lý và những người làm thực tiễn, nhất là bộ phận tham mưu xây dựng kế hoạch thanh tra của các cơ quan thanh tra Nhà nước.

Theo ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Thông tin - Tư liệu và Thư viện, Viện CL&KHTT, đề tài có tính cấp thiết trong bối cảnh Thanh tra Chính phủ đang chủ trì xây dựng, sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010; cách tiếp cận, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra phù hợp với nội dung nghiên cứu. Đề tài không trùng lắp với các đề tài trước đã nghiên cứu, trong đó đưa ra tiêu chí xây dựng kế hoạch thanh tra, các giải pháp có tính đồng bộ và nhiều điểm mới.

Kết luận hội nghị, TS. Lê Tiến Hào cho rằng, đây là đề tài có tính cấp thiết cần nghiên cứu và luận giải. Đề tài đã làm rõ, bám sát mục tiêu, phạm vi nghiên cứu; nội dung nghiên cứu đầy đủ, rõ ràng, kết quả nghiên cứu đã giải quyết được mục tiêu đề ra, trong đó luận giải rõ khái niệm, đánh giá được thực trạng xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra. Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật và giá trị ứng dụng trong xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra trong ngành Thanh tra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm