Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là việc rất hệ trọng, rất thiêng liêng của cả hệ thống chính trị

Thanh Thanh

Thứ năm, 15/05/2025 - 20:02

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Hoàng Công Thủy đã khẳng định như vậy tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, vừa diễn ra chiều nay (15/5).

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Diệp

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy nêu rõ, Nghị quyết số 60 Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam.

Vì vậy, việc sửa Hiến pháp lần này là rất cần thiết để tạo cơ sở cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới, theo ông Thủy.

Ông nói: “Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn”.

Ông cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một công việc rất hệ trọng, rất thiêng liêng của cả hệ thống chính trị. Do vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả.

Ông dẫn chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; đa dạng hóa các hình thức để nhân dân đóng góp ý kiến, không hạn chế, bất cứ hình thức nào; đảm bảo phát huy dân chủ, thực chất trong việc lấy ý kiến”.

Được biết, ngay sau khi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ban hành Kế hoạch số 05 ngày 05/5/2025 về lấy ý kiến nhân dân, công bố dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các tài liệu kèm theo; căn cứ phạm vi nhiệm vụ được phân công, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 60 ngày 6/5/2025 và hướng dẫn về tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam đối với dự thảo Nghị quyết.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: H.Diệp

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao

Theo ông Thủy, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng gồm các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tại Điều 9, Điều 10 và khoản 1 Điều 84 Hiến pháp năm 2013; sửa đổi, bổ sung 5 Điều tại Chương IX Hiến pháp năm 2013 về tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chỉ còn cấp tỉnh, cấp dưới tỉnh và thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Ngoài ra, tại dự thảo Nghị quyết có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Nhấn mạnh nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tại dự thảo Nghị quyết tập trung vào một số điều để phục vụ ngay công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ông Thủy cho biết, MTTQ Việt Nam được giao nhiệm vụ lấy ý kiến trong hệ thống Mặt trận trong thời gian gần một tháng và tổng hợp tất cả kết quả lấy ý kiến góp ý để gửi Chính phủ tổng hợp chung vào kết quả lấy ý kiến Nhân dân trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp rất quan trọng và có ý nghĩa, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy đề nghị các đại biểu dự phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm, tham gia ý kiến trực tiếp vào từng nội dung, điều khoản được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013 và các nội dung khác của dự thảo Nghị quyết.

Ông cũng đề nghị Trung ương các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tiếp tục tổ chức đa dạng các hình thức lấy ý kiến, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao đoàn viên, hội viên và trong hệ thống tổ chức mình; đồng thời tổng hợp và gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến của đoàn viên, hội viên và hệ thống tổ chức đến Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đúng thời hạn yêu cầu.

Theo tinh thần hội nghị đề ra, đại biểu tham dự đã tham gia góp ý kiến vào nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 so với quy định hiện hành của Hiến pháp, trong đó tập trung thảo luận, cho ý kiến vào những nội dung liên quan đến quyền, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận tại Điều 9, Điều 10 và khoản 1 Điều 84.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sau phân cấp, UBND xã được giao nhiều nhiệm vụ trong hoạt động xây dựng

Sau phân cấp, UBND xã được giao nhiều nhiệm vụ trong hoạt động xây dựng

(Thanh tra) - Nghị định số 140/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng cho thấy, sau phân cấp, UBND xã được giao nhiều nhiệm vụ trong hoạt động xây dựng.

Trần Quý

17:29 14/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm