00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hiến kế xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

Thái Hải

Thứ năm, 06/03/2025 - 14:03

(Thanh tra) - Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, do Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 6/3, nhiều giải pháp được đề cập trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh của dân tộc Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: PV

Cần xây dựng một nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật

GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng một nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật để cải cách thể chế, pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Theo ông Liên, đẩy mạnh cải cách thể chế, pháp luật là yêu cầu quan trọng hàng đầu nhằm tạo dựng cho được hệ thống thể chế tổng thể, đồng bộ và vận hành hiệu quả, thúc đẩy phát triển đất nước. Thể chế đó nhìn một cách tổng thể phải bảo đảm thể hiện, thực hiện 3 yêu cầu cơ bản là trật tự chung bền vững, pháp quyền và phát triển.

“Đây là các điều kiện đủ, quan trọng cho kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi thể chế, pháp luật cần được đổi mới, cải cách mang tính cách mạng theo hướng tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực, thức dậy các tiềm năng xã hội, khuyến khích sáng tạo, đón nhận cái mới, thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế và được tổ chức thực hiện công bằng, nghiêm minh”, ông Liên nhấn mạnh.

Để đạt được các yêu cầu nêu trên, cần có một thiết kế tổng thể, đồng bộ và khả thi về cải cách thể chế, pháp luật, chỉ đạo thực hiện quyết liệt và nhất quán với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Đồng thời, phải theo phương châm đã bắt đầu thì phải kiên định thực hiện cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra, tránh tình trạng đẽo cày giữa đường. Thiết kế tổng thể đó, theo ông Liên, cần dựa trên tinh thần và nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Ủy viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: PV

Đề xuất hướng sửa đổi Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương

Liên quan đến việc nghiên cứu bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh về tổ chức bộ máy Nhà nước: Tiếp tục sắp xếp, xây dựng đề án bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã.

Làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương (giữa cấp tỉnh và cấp xã); mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp xã (giữa bộ, ngành Trung ương, các cơ chuyên ngành và đơn vị, cá nhân phụ trách theo lĩnh vực), bảo đảm hoạt động thuận lợi, đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả.

Theo ông Hòa, việc không tổ chức cấp huyện trong hệ thống hành chính địa phương ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là bãi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện rồi sáp nhập các xã lại với nhau.

Do đó, để bảo đảm ổn định, thông suốt trong công tác hành chính ở địa phương, đặc biệt là dịch vụ công phục vụ Nhân dân, chủ trương này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cảnh đối với hệ thống hành chính địa phương, đặt ra yêu cầu xem xét thiết kế tổng thể hệ thống hành chính lãnh thổ của Việt Nam.

Ông Hòa đặt câu hỏi, vậy hệ thống hành chính lãnh thổ địa phương ở Việt Nam cần được cấu trúc như thế nào để phát huy hiệu quả quản lý, giải phóng các nguồn tài nguyên, kiến tạo và thúc đẩy phát triển?

Để giải quyết vấn đề đó, ông Hòa nhận thấy cần làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản, mang tính nguyên lý về tổ chức hệ thống hành chính địa phương của một quốc gia. Trước tiên, cần làm rõ khái niệm "đơn vị hành chính" và khái niệm "đơn vị hành chính chuyên biệt".

Ông Hòa cho rằng, trong quản trị hành chính địa phương hiện đại, lãnh thổ quốc gia thường được Nhà nước phân chia thành các đơn vị hành chính và các đơn vị hành chính đặc biệt sao cho mỗi m2 đều phải được quản lý và có chủ quyền quốc gia.

Song, không phải mỗi mét vuông đều được quản lý theo cơ chế giống hệt nhau mà có sự khác biệt phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân cư, kinh tế, xã hội của nơi đó.

Tại các đơn vị hành chính, do có dân cư tập trung nên đủ điều kiện để thiết lập chính quyền địa phương đầy đủ - bao gồm cơ quan đại diện của Nhân dân địa phương, quyết định các vấn đề ở địa phương và cơ quan chấp hành của nó thực hiện quản lý hành chính Nhà nước, phục vụ đời sống Nhân dân.

Tại đơn vị hành chính chuyên biệt, Nhà nước chỉ thiết lập các cơ quan quản lý hành chính chuyên trách trên những lĩnh vực phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Ví dụ, tại địa bàn có rừng, cơ quan quản lý tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên; còn tại vùng núi tập trung vào việc bảo vệ lãnh thổ và giữ gìn trật tự trị an...

Tại đây không hình thành chính quyền địa phương đầy đủ nhưng chủ quyền quốc gia vẫn được thể hiện thông qua hoạt động quản lý hành chính của các cơ quan Nhà nước.

Khi vận dụng những nguyên lý trên vào tổ chức hệ thống hành chính địa phương, ông Hòa khẳng định có thể xác định đơn vị hành chính có hai cấp.

Thứ nhất là cấp tỉnh, bao gồm các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ hai là cấp cơ sở (dưới cấp tỉnh, có thể gọi là "cấp xã" hay "cấp cơ sở"), bao gồm các đơn vị hành chính gần dân nhất, tức là các xã và các khu vực đô thị tập trung (có thể gọi là thành phố, được phân loại thành các nhóm tùy theo quy mô và trình độ phát triển).

PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: PV

Từ đó, PGS.TS Tô Văn Hòa nhận định, thực hiện chủ trương bỏ đơn vị hành chính cấp huyện sẽ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Hiến pháp.

Ông đề xuất sửa đổi Điều 110 Hiến pháp về các đơn vị hành chính ở Việt Nam theo hướng quy định Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm các đơn vị hành chính và các đơn vị hành chính chuyên biệt.

Trong đó có 2 cấp đơn vị hành chính là đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và đơn vị hành chính cấp cơ sở, hay cấp xã (gồm xã, thành phố, thị xã ở tỉnh; xã thành phố, thị xã, nội đô ở thành phố trực thuộc Trung ương).

Đối với Điều 111 Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương, ông Hòa đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo 2 hướng.

Thứ nhất, quy định tại các đơn vị hành chính đều thành lập chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Không phân biệt giữa chính quyền địa phương và "cấp chính quyền địa phương", bởi đã là chính quyền địa phương phải có cơ cấu đầy đủ HĐND và UBND.

Thứ hai, quy định tại các đơn vị hành chính chuyên biệt không thành lập chính quyền địa phương mà có thể thành lập các cơ chế quản lý hành chính phù hợp với mục đích thành lập đơn vị hành chính chuyên biệt.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Yên: Sau sắp xếp chỉ còn 34 xã, phường

Phú Yên: Sau sắp xếp chỉ còn 34 xã, phường

(Thanh tra) - Chiều nay (15/4), bà Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên chủ trì hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính của tỉnh.

TL

20:09 15/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm