00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tư duy xây dựng pháp luật vẫn theo kiểu “bổ sung, sửa đổi”

Thái Hải

Thứ năm, 06/03/2025 - 10:07

(Thanh tra) - Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” vào sáng ngày 6/3.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước.

Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh

Ông Thắng cho biết, thực hiện nhiều chủ trương, định hướng, các nghị quyết quan trọng của Đảng, nổi bật là Nghị quyết 48/NQ-TW năm 2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49/NQ-TW năm 2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và gần đây là Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, chất lượng pháp luật được nâng lên, phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới và thực tiễn mới của Việt Nam, đảm bảo tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của quá trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Vai trò, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội.

Hội thảo nhằm nhận diện đầy đủ bối cảnh, yêu cầu, tính cấp thiết và giải pháp đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật theo hướng “vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển”; “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước” trong kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, so với thực tiễn phát triển đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số bất cập, hạn chế, đó là:

Tư duy về xây dựng pháp luật vẫn theo kiểu cũ, chủ yếu là “bổ sung, sửa đổi”, ít tập trung vào xây dựng mới. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Chất lượng pháp luật chưa cao, tính khả thi còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, thậm chí một số luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi.

Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, các quy định không thống nhất, chồng chéo, thiếu rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút, khơi thông và giải phóng các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Các khâu của quá trình xây dựng, ban hành pháp luật chưa đồng bộ. Việc lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động vẫn còn hình thức.

Mặt khác, tổ chức thi hành pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu, tồn tại dai dẳng chưa khắc phục được. Ý thức chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm. Kỷ cương, phép nước có nơi bị xem nhẹ. Xử lý vi phạm pháp luật còn chưa kịp thời, chế tài xử lý ở một số lĩnh vực chưa đủ sức răn đe. Việc nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh đối với những vấn đề mới phát sinh còn chậm nên chưa tạo được khung khổ pháp lý thúc đẩy phát triển, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các động lực tăng trưởng mới.

Bắt đầu từ đổi mới tư duy về xây dựng và thi hành pháp luật

“Hội thảo của chúng ta được tổ chức vào thời điểm có nhiều ý nghĩa, khi thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, trong nước đang triển khai những quyết sách chiến lược, mang tính cách mạng, đặt ra những yêu cầu rất mới, chưa từng có đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật” – ông Thắng nói.

Toàn cảnh hội thảo. Ản: PV

Do đó, để thực hiện khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới đòi hỏi phải có quyết tâm và nỗ lực rất lớn, thật sự đổi mới tư duy, thực hiện những chuyển đổi mang tính cách mạng để không chỉ bắt kịp mà còn có khả năng vượt trước trong phát triển.

Cả hệ thống chính trị đang thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá”, phải đi sớm, đi trước, mở đường cho phát triển, giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn trong Nhân dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo” và “tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”.

Theo ông Thắng, để thực hiện được các chủ trương và quyết sách đột phá này, chúng ta phải bắt đầu từ đổi mới tư duy về xây dựng và thi hành pháp luật.

“Với tinh thần trách nhiệm cao, tôi tin tưởng rằng Hội thảo của chúng ta sẽ mang lại những kết quả thiết thực, có nhiều kiến nghị, nhất là đề xuất được các giải pháp mang tính đột phá về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu mới, góp phần xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Đại hội đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” ông Thắng nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm