Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Góp phần hoàn thiện pháp luật thanh tra về quản lý hoạt động báo chí, xuất bản

Thái Hải

Thứ tư, 17/08/2022 - 22:27

(Thanh tra) - Đó là mục tiêu được ThS. Đỗ Công Định, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh tra, Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Bộ “Vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí, xuất bản” nhấn mạnh khi chủ trì hội thảo ngày 17/8, ở Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT).

ThS. Đỗ Công Định, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh tra trình bày nội dung đề tài. Ảnh: TH

Theo ThS. Đỗ Công Định, việc nghiên cứu Đề tài “Vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí, xuất bản” là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, bởi trong những năm gần đây, hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản (BCXB) đã nảy sinh nhiều vấn đề mới, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý Nhà nước.

Trong lĩnh vực báo chí, tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện và mạng xã hội diễn ra phổ biến; sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của nhà báo, cơ quan báo chí đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng…

Trong lĩnh vực xuất bản, in ấn, phát hành, thách thức đặt ra cho công tác quản lý Nhà nước như: Sự xuất hiện số lượng không nhỏ xuất bản phẩm có nội dung không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam; một số nhà xuất bản hoạt động kém hiệu quả, kém năng động; nạn in lậu, in trái pháp luật chưa được giải quyết triệt để.

Những khó khăn bất cập trên của hai lĩnh vực BCXB, ngoài nguyên nhân khách quan xuất phát từ bối cảnh đổi mới của thể chế kinh tế - xã hội, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, sự bùng nổ của khoa học công nghệ, còn xuất phát từ chính thể chế, cơ chế quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực này.

Hiện nay, khung khổ pháp lý về vai trò của cơ quan thanh tra đối với hoạt động quản lý BCXB là sự kết hợp giữa quy định của Luật Thanh tra 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định về quản lý Nhà nước trong Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Những khó khăn, thách thức hiện nay như phân tích đặt ra yêu cầu cần thiết phải nghiên cứu một cách tổng thể những vấn đề lý luận, thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao sức chiến đấu, tính hiệu lực, hiệu quả của cơ quan thanh tra trong lĩnh vực quản lý BCXB.

ThS. Đỗ Công Định cho biết, mục tiêu của đề tài là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đưa ra những quan điểm, giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy vai trò của cơ quan thanh tra trong hoạt động BCXB ở Việt Nam hiện nay.

Đề tài đưa ra 3 nội dung nghiên cứu.

Nội dung 1: Cơ sở lý luận về vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB. Nội dung này làm rõ những vấn đề lý luận mang tính đặc thù của hoạt động thanh tra trong lĩnh vực BCXB.

Về nội dung 2: Thực trạng vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB, làm rõ thực trạng vai trò cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB thời gian qua, tập trung đánh giá tổng thể, toàn diện thực trạng thanh tra trong tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước về BCXB.

Trong đó, tập trung sâu việc rà soát, phân tích, làm rõ thực trạng quy định của pháp luật và thực tiễn thanh tra về các nội dung quản lý hoạt động báo chí; đánh giá chung về kết quả đạt được, ưu điểm, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động thanh tra trong lĩnh vực quản lý BCXB.

Nội dung 3: Quan điểm, giải pháp nhằm phát huy vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB, luận giải rõ quan điểm và đưa ra giải pháp phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra trong hoạt động quản lý BCXB, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển và quản lý hoạt động BCXB, đồng thời đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Góp ý tại hội thảo, TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, về mục tiêu chung, đề tài cần sửa lại theo hướng hoàn thiện pháp luật thanh tra về quản lý hoạt động BCXB và hoàn thiện pháp luật BCXB; đề xuất giải pháp quản lý hoạt động BCXB.

Về nội dung nghiên cứu, phần cơ sở lý luận, đề tài cần làm rõ các khái niệm cơ bản có liên quan và sự cần thiết nghiên cứu.

Phần thực trạng, nêu quy định pháp luật thanh tra có liên quan và pháp luật BCXB và đánh giá thực trạng việc thực hiện quy định pháp luật và những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân về vấn đề này và lấy đó làm cơ sở đề xuất giải pháp ở phần sau.

Phần giải pháp, hoàn thiện pháp luật thanh tra về quản lý hoạt động BCXB; hoàn thiện pháp luật hoạt động XBBC; giải pháp quản lý hoạt động BCXB…

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài cần triển khai sâu hơn về phạm vi và đối tượng thanh tra; xem xét trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cấp phép BCXB; nội dung và quy trình tiến hành thanh tra trong lĩnh vực BCXB… Từ đó, giải pháp mở ra quy trình mang tính thực tiễn hơn, trong quy trình thanh tra báo in, báo điện tử…

ThS Phạm Thị Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT - nhấn mạnh, nên bổ sung thêm văn bản của Đảng về lĩnh vực này trong phần cấp thiết của đề tài. Trong nội dung nghiên cứu 1, cần xem lại mục tiêu và nhiệm vụ để đảm bảo tính logic xuyên suốt nội dung đề tài; làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra trong hoạt động BCXB; mô hình tổ chức và mối liên hệ giữa cơ quan BCXB với cơ quan chủ quản…

ThS Lê Thị Thúy - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT cho rằng, nội dung 1, đề tài nên khái quát về vai trò của cơ quan thanh tra trong hoạt động BCXB; mô tả rõ chủ thể và đối tượng nghiên cứu; làm rõ thêm hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực BCXB; các dạng sai phạm chủ yếu trong hoạt động BCXB; sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động BCXB… Nội dung 2 và nội dung 3 làm rõ, tách khỏi chữ “vai trò”.

TS Nguyễn Thị Thu Nga - Viện CL&KHTT, về tính cấp thiết, cần chỉnh sửa lại cho phù hợp hơn, theo hướng bổ sung trọng tâm vai trò của cơ quan thanh tra trong hoạt động BCXB và một vài vấn đề đặt ra của cơ quan thanh tra trong vấn đề này. Mục tiêu nghiên cứu cụ thể, bỏ cụm từ “lĩnh vực” và cần chỉnh sửa lại cho phù hợp với tên đề tài là “Vai trò của cơ quan thanh tra trong hoạt BCXB”.

Về nhiệm vụ cụ thể trong phần I, làm rõ nội dung và phương thức thực hiện vai trò của cơ quan thanh tra trong hoạt động BCXB; báo chí và xuất bản là hai lĩnh vực khác nhau và có những đặc thù riêng, do đó, cần xác định việc nghiên cứu đề tài nên để gộp hay tách hai nội dung này ra thì cần làm rõ trước khi triển khai nghiên cứu…

Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu để hoàn thiện nội dung nghiên cứu trong thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Minh Huyền

22:30 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm