Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giao quyền ban hành kế hoạch thanh tra cho cơ quan thanh tra

Thái Hải

Thứ hai, 25/12/2023 - 22:00

(Thanh tra) - Là giải pháp bổ sung quy định về các quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể cho các thanh tra Nhà nước (TTNN) trong hoạt động thanh tra được ThS Phạm Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra đưa ra tại đề tài khoa học cấp bộ “Việc xác định thẩm quyền của các cơ quan TTNN: Lý luận và thực tiễn" được Hội đồng Nghiệm thu khoa học Thanh tra Chính phủ chính thức nghiệm thu vào chiều ngày 25/12.

ThS Phạm Thị Thu Hiền trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo ThS Phạm Thị Thu Hiền, thẩm quyền trong hoạt động thanh tra của cơ quan TTNN theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010 về cơ bản đã được xác định theo các phương thức tương đối khoa học. Việc xác định thẩm quyền của các cơ quan TTNN đã bám sát các căn cứ xác định thẩm quyền như: Địa vị pháp lý, chức năng của cơ quan thanh tra; mục đích của hoạt động thanh tra.

Nội dung quy định về thẩm quyền của cơ quan TTNN được phân tách ngày càng rõ ràng hơn; thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã tăng cường tính độc lập, tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.

Theo Luật Thanh tra năm 2010, Thanh tra Chính phủ (TTCP) được bổ sung thẩm quyền chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế thanh tra các cấp, ngành, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, thanh tra viên các cấp, các ngành nhằm tăng cường thêm thẩm quyền của TTCP trong chính hệ thống ngành Thanh tra.

Bên cạnh những ưu điểm việc xác định thẩm quyền của các cơ quan TTNN vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc: Thẩm quyền được xác định còn có điểm chưa tương thích với mục đích của hoạt động thanh tra, thiếu đồng bộ, bỏ trống đối tượng, chưa đáp ứng tinh thần của Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra về chuyển mạnh sang giám sát, đánh giá hành chính; việc xác định thẩm quyền có chỗ còn chưa rõ ràng, chưa đúng với nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước và có sự mâu thuẫn với các thẩm quyền khác đã được xác định.

Thực hiện thẩm quyền của cơ quan thanh tra một số cấp và thẩm quyền của cơ quan thanh tra ở một số nội dung thiếu cơ sở, chưa hiệu quả, chưa hết thẩm quyền, chưa tương xứng với mục đích hoạt động, chức năng được giao...

Toàn cảnh Hội đồng Nghiệm thu. Ảnh: TH

Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất giải pháp xác định thẩm quyền của các cơ quan TTNN trong hoạt động thanh tra. Tách bạch giữa thanh tra hành chính và đánh giá chính sách, quy định rõ ràng thẩm quyền đánh giá thực thi chính sách cho TTCP (tách bạch với thanh tra hành chính - thanh tra việc thực hiện pháp luật cụ thể, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính Nhà nước (HCNN), cùng với việc cho phép thành lập tổng cục/cục chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này và nghiên cứu ban hành quy trình, phương pháp phù hợp để thực hiện nhiệm vụ này.

Xác định rõ thẩm quyền thanh tra công vụ theo phương án: Giao nhiệm vụ thanh tra công vụ (việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn) ở phạm vi đối tượng là nhóm cán bộ, công chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan HCNN các cấp, người đứng đầu các đơn vị cấp tổng cục/cục/vụ và tương đương thuộc bộ cho các cơ quan TTNN; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của nhóm cán bộ, công chức còn lại (trưởng các phòng, ban thuộc sở, thuộc UBND huyện) cán bộ, công chức còn lại mà không được pháp luật quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân với tư cách người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị) sẽ thuộc về thẩm quyền kiểm tra của các chủ thể khác.

Loại bỏ một số thẩm quyền để tránh chồng chéo, một số thẩm quyền đang giao nhưng thực hiện thiếu khách quan, hiệu quả, đồng thời để thực hiện quan điểm các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tập trung thanh tra hành chính, công vụ, cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực tập trung thanh tra chuyên ngành. Thanh tra bộ sẽ không “thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức thuộc quyền quản lý của bộ trưởng”. Tương tự như vậy, thanh tra sở sẽ không “thanh tra hành chính đối với đơn vị thuộc sở”.

Điều chỉnh, bổ sung quy định về các quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan TTNN trong hoạt động thanh tra. Giao quyền ban hành kế hoạch thanh tra cho cơ quan thanh tra, cơ quan HCNN chỉ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra; sửa đổi trình tự thực hiện thẩm quyền xây dựng kế hoạch thanh tra để tạo ra sự thống nhất trong toàn ngành, tạo sự chủ động cho cơ quan thanh tra các cấp và tránh chồng chéo.

Thực hiện đúng thẩm quyền theo đúng chức năng của cơ quan thanh tra, mục đích hoạt động thanh tra, tránh lạm dụng những thẩm quyền mang tính tùy nghi như thẩm quyền thanh tra các vụ việc khác do thủ trưởng cơ quan HCNN giao để lạm quyền, giao nhiệm vụ sai nguyên tắc, thực hiện những hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện thẩm quyền.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thanh tra trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, nhất là phối hợp trong xây dựng kế hoạch thanh tra và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.

Tiếp tục tăng cường sự phối hợp trong xây dựng và triển khai kế hoạch giữa TTCP với thanh tra các bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan thanh tra với các cơ quan có chức năng kiểm tra khác, để tránh chồng chéo, trùng lặp về thời gian và phạm vi thanh tra (theo tinh thần tại Chương VI Luật Thanh tra năm 2022)...

Tại hội nghị, Hội đồng Nghiệm thu đánh giá đề tài có nội dung nghiên cứu phù hợp với mục đích đề ra, đánh giá đúng thực trạng về thẩm quyền của cơ quan TTNN hiện nay, các giải pháp có tính khả thi cao.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm