Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Còn chồng chéo, trùng lặp trong thẩm quyền của cơ quan thanh tra về phạm vi đối tượng

Thái Hải

Thứ sáu, 27/10/2023 - 09:52

(Thanh tra)- Đó là một trong những thực trạng về việc xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra Nhà nước được ThS Phạm Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra nêu ra tại Hội thảo Đề tài khoa học cấp bộ "Việc xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra Nhà nước: Lý luận và thực tiễn” vào ngày 26/10.

ThS Phạm Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra cho biết, còn có sự chồng chéo, trùng lặp trong thẩm quyền về phạm vi đối tượng. Ảnh: TH

Nội dung quy định về thẩm quyền của cơ quan thanh tra được phân tách ngày càng rõ ràng hơn

Theo ThS Phạm Thị Thu Hiền, thẩm quyền trong hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra Nhà nước theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010 về cơ bản xác định theo các phương thức tương đối khoa học; bám sát các căn cứ xác định thẩm quyền như địa vị pháp lý, chức năng của cơ quan thanh tra, mục đích của hoạt động thanh tra.

Nội dung quy định về thẩm quyền của cơ quan thanh tra Nhà nước được phân tách ngày càng rõ ràng hơn; nhóm thẩm quyền thực hiện chức năng tiến hành thanh tra được bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn mới để tăng cường tính chủ động, tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra như: Có những quy định nhằm tăng cường tính độc lập tương đối của cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp thể hiện ở quy định trao cho người đứng đầu cơ quan thanh tra thẩm quyền ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Luật Thanh tra 2010 cũng bổ sung quyền kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của thủ trưởng cơ quan quản lý cấp dưới thuộc thẩm quyền quản lý của thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp để tăng cường kỷ cương, hiệu quả của hoạt động thanh tra; bổ sung thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã được thủ trưởng cơ quan quản lý cấp dưới; bổ sung, phân chia rõ thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước do thủ trưởng cơ quan quản lý quyết định thành lập.

Ngoài ra, thẩm quyền trong quản lý Nhà nước về công tác thanh tra là cơ quan thanh tra được ghi nhận chính thức và hoàn thiện thêm một bước trong Luật Thanh tra 2010.

“Thực tế việc thực hiện một số thẩm quyền đã mang lại thuận lợi và hiệu quả như ban hành văn bản pháp luật, xây dựng chương trình định hướng, kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo, chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc”, Ban Chủ nhiệm cho biết.

Cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành về kế hoạch thanh tra để tránh sự chồng chéo

Bên cạnh những ưu điểm thì việc xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra Nhà nước vẫn còn một số hạn chế như: Thẩm quyền được xác định còn có điểm chưa tương thích với mục đích của hoạt động thanh tra, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tinh thần của Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra về chuyển mạnh sang giám sát, đánh giá hành chính.

Hoạt động thanh tra đề cao lên hàng đầu với mục đích là “phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục”. Việc trao cho cơ quan thanh tra kì vọng lớn như vậy trong mục đích thanh tra đòi hỏi một thẩm quyền tương xứng với một tổ chức bộ máy đảm bảo để có thể đạt được mục đích đã đề ra. Song, thẩm quyền của cơ quan thanh tra hiện nay chưa tương xứng, chưa đảm bảo để thực hiện được hiệu quả mục đích là phát hiện sơ hở trong cơ chế chính sách, pháp luật.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Việc xác định thẩm quyền chưa rõ ràng cũng dẫn đến tình trạng bỏ trống hoặc thiếu quan tâm đến những nội dung thanh tra quan trọng, khiến cho cơ quan thanh tra Nhà nước chưa phát huy hết vai trò của mình, công tác quản lý Nhà nước chưa được kiểm soát một cách đầy đủ chặt chẽ.

Cùng với đó, việc xác định thẩm quyền chưa rõ ràng, chưa đúng với nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước và có sự mâu thuẫn với các thẩm quyền khác đã được xác định. Thẩm quyền thanh tra của thanh tra tỉnh, huyện quy định tại Luật Thanh tra còn có thiếu sót trong xác định phạm vi đối tượng chưa tương xứng với thẩm quyền của UBND tỉnh và UBND huyện.

Xác định thẩm quyền chưa bảo đảm được mức độ chủ động cao của cơ quan thanh tra Nhà nước trong thực hiện thẩm quyền, phần nào làm giảm hiệu quả hoạt động thanh tra trong việc kiểm soát đối với quyền hành pháp.

Còn có sự chồng chéo, trùng lặp trong thẩm quyền của cơ quan thanh tra Nhà nước các cấp về phạm vi đối tượng, chưa đảm bảo tối đa được yêu cầu hệ thống thông suốt và chồng chéo thẩm quyền với cả cơ quan khác. Một số thẩm quyền thiếu sự ổn định, có sự lúng túng trong xác định thẩm quyền theo cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, phần nào gây xáo trộn cho hoạt động thanh tra theo ngành, lĩnh vực…

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, nguyên nhân của những hạn chế đó trước hết là việc phân cấp, phân quyền giữa chính quyền các cấp còn chưa rõ ràng, có sự chồng chéo giữa cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các ngành là nguồn gốc dẫn tới việc khó phân chia thẩm quyền của cơ quan thanh tra Nhà nước một cách đồng bộ, khó tránh khỏi chồng chèo vì phạm vi đối tượng thanh tra của cơ quan thanh tra Nhà nước được xác định dựa trên phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước mà nó trực thuộc; chức năng của cơ quan thanh tra, mục đích của hoạt động thanh tra tích hợp quá nhiều dẫn tới khó khăn trong xác định và bảo đảm các yếu tố của việc thực hiện hết và hiệu quả thẩm quyền.

Một nguyên nhân nữa là nhận thức khi xây dựng, ban hành các quy định còn lúng túng, chưa thống nhất, rõ ràng, tường minh về nguyên tắc phân cấp, phân quyền, nguyên tắc xác định phạm vi đối tượng quản lý thuộc thẩm quyền thanh tra.

“Thanh tra hành chính, thanh tra trách nhiệm, thanh tra công vụ, giám sát, đánh giá chính sách là những vấn đề còn lẫn lộn, chưa được xác định nội hàm rõ ràng để minh định đồng bộ các thiết chế nhằm kiểm soát đầy đủ các nội dung hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước”, ThS Phạm Thị Thu Hiền nói.

Tại hội thảo, đại biểu cho rằng, Ban Chủ nhiệm đề tài có thể xem xét, hoàn thiện kết quả nghiên cứu theo hướng sau: Đề tài có thể nghiên cứu sâu hơn về việc xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra trong Luật Thanh tra 2022; xem xét sự chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước với kiểm toán, giữa Thanh tra Chính phủ với thanh tra bộ, ngành, địa phương trong quá trình ban hành kế hoạch thanh tra; chồng chéo về đối tượng thanh tra giữa các bộ, ngành; sự chồng chéo trong việc thực hiện thẩm quyền tại Thanh tra Chính phủ đối với thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất...

Cần xem xét đến cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban ngành về kế hoạch thanh tra để tránh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra... Đơn cử, tại Bộ Công thương hoạt động thanh tra hành chính của Bộ Công thương áp dụng rất nhiều quy định pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau như xây dựng, đất đai... do vậy, việc áp dụng thẩm quyền của Thanh tra Bộ Công thương vào các vấn đề này gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, việc xác định thẩm quyền và phối hợp áp dụng thực hiện thẩm quyền là vấn đề đặt ra mà đề tài có thể nghiên cứu thêm để làm phong phú nội dung.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm