Dành trọn ngày cuối tuần để đi thực tế tại một số mô hình mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên không chỉ muốn lắng nghe mà còn trực tiếp cảm nhận những khó khăn, trăn trở của người dân khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Lê Trọng Yên tin rằng, việc luật đi vào thực tiễn không chỉ tạo đà phát triển kinh tế mà còn đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, nhất là tại một tỉnh đa dân tộc như Đắk Nông.

Trong chuyến công tác đặc biệt này, phóng viên Báo Thanh tra đã có cơ hội đồng hành cùng ông Lê Trọng Yên và lắng nghe những chia sẻ thẳng thắn, đầy tâm huyết của ông về việc hiện thực hóa Luật Đất đai 2024.

Phóng viên Báo Thanh tra (áo trắng) đã có cơ hội đồng hành cùng ông Lê Trọng Yên đi thăm quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tác động của Luật Đất đai năm 2024 đến các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội địa phương?

- Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, có ý nghĩa đặc biệt, khắc phục cơ bản những bất cập của Luật Đất đai năm 2013, đem lại nhiều điểm mới trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, và đền bù tái định cư. Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng thời điểm sử dụng đất khi xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân nếu sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2014, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền, không có tranh chấp; đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất...

Đặc biệt, luật quy định chính sách về đất ở, đất sản xuất riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số tùy theo tình hình thực tế về quỹ đất của địa phương… Điều này rất có ý nghĩa với tỉnh Đắk Nông. Toàn tỉnh có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống với nhiều phong tục, văn hoá khác nhau. Trong đó, nhiều dân tộc có tập quán liên canh, liên cư.

Họ không thể sống xa vườn rẫy. Đó là tập quán, do đó trong Luật Đất đai 2024 quy định rất rõ được việc này, giúp cơ quan quản lý nhà nước giải quyết vấn đề ổn canh ổn cư cho bà con. Luật Đất đai 2024 sẽ giúp địa phương giải quyết được vấn đề này, làm sao tốt nhất cho bà con mà đúng quy định pháp luật.

Tỉnh Đắk Nông đang quyết tâm “cởi trói” cho đất nông nghiệp, khai thác triệt để tiềm năng giúp Đắk Nông vươn lên mạnh mẽ.

+Vậy Luật Đất đai 2024 giải quyết ra sao vấn đề đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Đắk Nông, thưa ông?

-Đây là vấn đề mà chính quyền tỉnh Đắk Nông trăn trở suốt thời gian qua. Bởi, toàn tỉnh có diện tích đất có nguồn gốc từ nông lâm trường. Hiện, tỉnh Đắk Nông dự kiến thu hồi khoảng 63.648ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đã thu hồi giao về địa phương quản lý giai đoạn 2015-2021 là 49.255ha; diện tích dự kiến thu hồi bàn giao về địa phương quản lý nhưng chưa có quyết định thu hồi là 14.392ha.

Diện tích đất thu hồi lớn và hiện trạng hầu hết đã bị người dân lấn, chiếm sử dụng từ trước dẫn đến việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt là việc rà soát, thống kê và xử lý việc lấn chiếm đất đai. Ngoài ra, việc thiếu kinh phí để thực hiện đo đạc lập phương án sử dụng đất, lập bản đồ địa chính… cũng là khó khăn lớn trong việc quản lý đất có nguồn gốc từ nông lâm trường.

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (thứ hai từ trái sang) thăm mô hình Homestay Cường Núi Lửa (thôn 7, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô).

+Những quy định mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ mang lại cơ hội gì cho Đắk Nông trong việc phát triển kinh tế, thưa ông?

-Đắk Nông có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp, du lịch và năng lượng. Khi Luật Đất đai 2024 đi vào thực tiễn, nhiều cơ hội mới sẽ được mở ra. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Điều 177 của luật nâng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp lên 15 lần hạn mức giao đất, tạo điều kiện cho sản xuất tập trung, hiện đại hóa canh tác. Điều 178 cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, và xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp.

Ngoài ra, Điều 218 cho phép sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích như thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, hoặc trồng cây dược liệu. Những quy định này hình thành cơ chế linh hoạt, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và gia tăng thu nhập cho nông dân.

Đặc biệt, với hơn 380.000ha đất sản xuất nông nghiệp, Đắk Nông có điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông. Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ các rào cản pháp lý, khơi thông tiềm năng du lịch nông nghiệp và hỗ trợ hoàn thiện mô hình homestay, farmstay – những hình thức lưu trú kết hợp sản xuất và trải nghiệm, mang lại lợi ích kép cho cả người dân và địa phương.

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (thứ hai từ phải sang) thăm mô hình Homestay Đá và nước (thôn Ea Sanô, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô).

+Luật Đất đai 2024 được đánh giá là mang tính đột phá trong việc thu hút đầu tư. Ông có thể chia sẻ cụ thể những điểm mới nào của luật sẽ tạo ra cú hích cho nhà đầu tư và địa phương?

-Luật Đất đai năm 2024 đã nới rộng quyền tiếp cận đất đai thông qua các phương thức đấu giá đối với đất đã được nhà nước thu hồi; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất hoặc thỏa thuận. Nhờ vậy, nhà đầu tư có nhiều hơn các phương thức để tiếp cận đầu tư, đồng thời cũng tạo thuận lợi hơn cho việc thu hút đầu tư tại địa phương.

Bên cạnh đó, luật cũng phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo điều kiện giải quyết vướng mắc theo thực tế từng nơi, khơi thông nguồn lực đất đai hiệu quả. Đặc biệt, quy định chuyển đổi hình thức trả tiền thuê đất sang trả một lần với các dự án khu công nghiệp, nông - lâm nghiệp, hoặc dịch vụ du lịch đã giảm áp lực tài chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Những cải cách này không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư mà còn hỗ trợ địa phương phát triển bền vững.

Đắk Nông hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

+Đắk Nông đã thực hiện những giải pháp nào để đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức nắm vững và áp dụng hiệu quả các quy định mới vào thực tế?

-Có thể nói, Luật Đất đai 2024 mở ra nhiều cơ hội phát triển, từ việc cho phép người dân sử dụng đất đa mục đích, xây nhà trên đất nông nghiệp, đến thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và bảo tồn văn hóa bản địa. Với lợi thế đất đai màu mỡ, Đắk Nông đang xây dựng các chính sách hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị, chế biến sâu và phát triển bền vững gắn với bán tín chỉ carbon.

Để hiện thực hóa các cơ hội này, tỉnh Đắk Nông đã ban hành 2 Nghị quyết và 18 nội dung liên quan đến thẩm quyền UBND tỉnh. Đồng thời, đội ngũ cán bộ được quán triệt đầy đủ các quy định mới, đảm bảo hiểu rõ và áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Tinh thần "dám nghĩ, dám làm" của cán bộ địa phương chính là động lực để đưa Luật Đất đai 2024 nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh Đắk Nông đã ban hành 2 Nghị quyết và 18 nội dung liên quan đến thẩm quyền UBND tỉnh để đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống.

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (thứ hai từ trái sang) thăm mô hình nông nghiệp đa mục đích của hộ ông Đỗ Thanh Tùng (thôn Buôn Choah, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô)

Xuất bản 20/11/2024 - 12:49

Tin cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Càng khó càng phải làm, và làm cho bằng được!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Càng khó càng phải làm, và làm cho bằng được!

(Thanh tra) - Đó là khẳng định của ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khi đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào thực tiễn. Theo ông Yên, đây sẽ là giải pháp mang tính đột phá để tháo gỡ những vướng mắc kéo dài, tạo cơ hội khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, đồng thời giúp Đắk Nông vươn lên mạnh mẽ.

12:49 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm