Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ ba, 21/11/2023 - 16:21
(Thanh tra)- Chiều 21/11, Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Đánh giá cơ sở đề tài khoa học cấp bộ “Việc xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra Nhà nước: Lý luận và thực tiễn”, do Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, ThS Phạm Thị Thu Hiền làm Chủ nhiệm.
ThS Phạm Thị Thu Hiền trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH
Theo ThS Phạm Thị Thu Hiền, thẩm quyền của cơ quan thanh tra Nhà nước trong hoạt động thanh tra được hiểu là tổng thể các quyền hạn và nhiệm vụ/nghĩa vụ của cơ quan thanh tra Nhà nước trong quản lý Nhà nước về công tác thanh tra và tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật.
Việc xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra Nhà nước đã bám sát các căn cứ xác định thẩm quyền như địa vị pháp lý, chức năng của cơ quan thanh tra; mục đích của hoạt động thanh tra; nguyên tắc về xác định thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền riêng, quản lý trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công; yêu cầu, nguyên tắc, mức độ phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước được xác lập trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản có liên quan để bảo đảm phạm vi quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước tới đâu thì phạm vi thẩm quyền của cơ quan thanh tra trực thuộc tới đó.
Chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay nội dung quy định về thẩm quyền của cơ quan thanh tra Nhà nước được phân tách ngày càng rõ ràng hơn, phân tách rõ các nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý Nhà nước và trong tiến hành thanh tra; phân tách rõ giữa nhiệm vụ với quyền hạn của người đứng đầu cơ quan thanh tra Nhà nước; phân tách rõ thẩm quyền của cơ quan thanh tra Nhà nước với thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan.
Ngoài ra, nhóm thẩm quyền thực hiện chức năng tiến hành thanh tra được bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn mới để tăng cường tính độc lập, tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra…
Bên cạnh những ưu điểm, việc xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra Nhà nước vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc: Thẩm quyền được xác định còn có điểm chưa tương thích với mục đích của hoạt động thanh tra, thiếu đồng bộ, bỏ trống đối tượng; việc xác định thẩm quyền có chỗ còn chưa rõ ràng, chưa đúng với nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước và có sự mâu thuẫn với các thẩm quyền khác đã được xác định; việc xác định thẩm quyền chưa bảo đảm được mức độ chủ động cao của cơ quan thanh tra Nhà nước trong thực hiện thẩm quyền, phần nào làm giảm hiệu quả hoạt động thanh tra trong việc kiểm soát đối với quyền hành pháp.
Còn có sự chồng chéo, trùng lặp trong thẩm quyền của cơ quan thanh tra Nhà nước các cấp về phạm vi đối tượng, chưa đảm bảo tối đa được yêu cầu hệ thống, thông suốt, khách quan trong hoạt động và chồng chéo thẩm quyền với cả cơ quan khác; một số thẩm quyền thiếu sự ổn định, có sự lúng túng trong xác định thẩm quyền của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, phần nào gây xáo trộn cho hoạt động thanh tra theo ngành, lĩnh vực…
Theo chủ nhiệm đề tài, nguyên nhân là địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra còn có những điểm chưa phù hợp với chức năng được giao, dẫn đến những khó khăn trong xác định thẩm quyền; chức năng của cơ quan thanh tra, mục đích của hoạt động thanh tra tích hợp quá nhiều dẫn tới khó khăn trong xác định và bảo đảm các yếu tố cho việc thực hiện hết và hiệu quả thẩm quyền; phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước còn chưa rõ ràng, có sự chồng chéo giữa cơ quan hành chính các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, sự phát triển của nền hành chính, công vụ ngày càng cao, việc chuyển đổi mô hình từ hành chính công truyền thống sang áp dụng những hạt nhân hợp lý của mô hình quản lý công mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao và mới mẻ đối với việc kiểm soát toàn diện các hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó có hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra Nhà nước.
Trên cơ sở đó, chủ nhiệm đề tài đưa ra cơ sở, định hướng cho việc xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra Nhà nước trong hoạt động thanh tra giai đoạn tới, đó là: Nâng tầm thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan thanh tra Nhà nước gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện quy định xác định thẩm quyền của cơ quan thanh tra Nhà nước đáp ứng yêu cầu cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tập trung vào thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính Nhà nước, cán bộ, công chức, cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực tập trung vào thanh tra chuyên ngành.
Đồng thời, xác định thẩm quyền của cơ quan thanh tra Nhà nước theo hướng tăng tính chủ động của cơ quan thanh tra Nhà nước và hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra; bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ đối với công tác thanh tra, không chồng chéo, trùng lắp, bỏ trống nhiệm vụ, tương xứng giữa quyền hạn với nhiệm vụ, giữa thẩm quyền với nguồn lực được giao, gắn liền với các mục tiêu cải cách hành chính.
Chủ nhiệm đề tài đề xuất giao quyền ban hành kế hoạch thanh tra cho cơ quan thanh tra, cơ quan hành chính Nhà nước chỉ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra; hướng dẫn cụ thể thẩm quyền kiểm tra lại tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra; sửa đổi trình tự thực hiện thẩm quyền xây dựng kế hoạch thanh tra để tạo ra sự thống nhất trong toàn ngành.
Quy định trách nhiệm báo cáo và cơ chế giải quyết xung đột thẩm quyền giữa thanh tra các bộ, ngành với nhau, trách nhiệm của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực khi ban hành quyết định thanh tra; quy định rõ thẩm quyền quyết định và yêu cầu xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật và các cá nhân không thực hiện kết luận thanh tra; quy định bắt buộc và hướng dẫn chi tiết các trường hợp phải thành lập, việc thành lập, thực hiện các đoàn thanh tra liên ngành…
Tại hội nghị, hội đồng đánh giá, sản phẩm đề tài khá đầy đặn, hàm lượng thông tin rõ ràng, trung thực, đa chiều từ bộ, ngành, địa phương, các nội dung đảm bảo logic; kết cấu rõ ràng, đảm bảo mục đích đề ra.
Đề tài cần chỉnh sửa lại để tránh sự trùng lặp giữa các nội dung, khuôn lại phạm vi phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra mà không nhất thiết đề cập đến cơ quan kiểm toán.
Với những kết quả trên, đề tài được hội đồng thông qua để tiến hành nghiệm thu chính thức.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đó là đánh giá của Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt tại hội nghị tổng kết công tác pháp chế 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Vụ Pháp chế vào chiều ngày 13/12.
Thái Hải
16:35 13/12/2024(Thanh tra) - Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Lâm Ánh
16:32 13/12/2024Thái Hải
12:49 13/12/2024Hải Hà
12:45 13/12/2024Thái Hải
12:13 13/12/2024Kim Thành
08:57 13/12/2024Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng
Trần Quý
Chính Bình