Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định cụ thể về cơ chế xử lý chậm tiến độ các dự án nguồn điện

Lê Phương

Thứ hai, 28/10/2024 - 16:02

(Thanh tra) - Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), ngoài giải quyết nhiều vướng mắc trong quy hoạch và dự án điện còn giải quyết các vấn đề liên quan việc xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ, tránh tình trạng các dự án nguồn điện như nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thuỷ điện chậm triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua cũng được quy định cụ thể.

Theo Bộ Công Thương các dự án nguồn điện đã được tính toán năm vào vận hành theo cân bằng hệ thống điện để bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải tương ứng theo từng năm. Ảnh: Long Phú

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư chưa thực sự phù hợp trong một số trường hợp, đặc biệt đối với các dự án có sử dụng đất (trong đó có dự án điện lực). Các dự án nguồn điện đã được tính toán năm vào vận hành theo cân bằng hệ thống điện để bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải tương ứng theo từng năm. Do vậy, việc quy định về cơ chế xử lý chậm tiến độ các dự án nguồn điện là cần thiết nhằm góp phần giải quyết tình trạng nhiều các dự án nguồn điện (điện than, điện khí, thủy điện lớn,...) hiện không thể triển khai thực hiện trong nhiều năm, giải phóng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh cung cấp điện cho quốc gia…

Và giải pháp trong Luật Điện lực (sửa đổi) là bổ sung quy định rõ các mốc tiến độ đối với dự án nguồn điện để có cơ sở giám sát thực hiện, có biện pháp xử lý kịp thời nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện; bổ sung cơ chế xử lý dự án nguồn điện chậm tiến độ để phù hợp với đặc thù của ngành Điện.

Theo khoản 5 Phần III Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ: “Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách”. Hiện nay, các quy định về dự án/công trình khẩn cấp được quy định tại khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) sửa đổi Điều 130 về công trình xây dựng khẩn cấp. Tuy nhiên, việc xác định tiêu chí thế nào “các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng” thì chưa có quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, ngoài ra cơ chế đặc thù theo Luật Xây dựng thì thủ tục cần thực hiện cho riêng từng công trình không áp dụng chung cho nhóm dự án, công trình có tính chất cấp bách như nhau. Khoản 6 Điều 18 và Điều 45 Luật Đầu tư công quy định trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp. Tuy nhiên, phần lớn các dự án điện sử dụng từ nguồn vốn Nhà nước, vốn khác ngoài đầu tư công, nên không phù hợp áp dụng theo Luật Đầu tư công.

Để thể chế hóa nhiệm vụ Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo Luật đã quy định các trường hợp dự án, công trình điện khẩn cấp (Điều 20); thẩm quyền của Thủ tướng Chính quyết định, giao chủ đầu tư thực hiện dự án khẩn cấp (Điều 21).

Về các vướng mắc mà các địa phương đang mắc phải trong việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực (đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo, dự án điện khí), Bộ Công Thương cho biết pháp luật về điện lực hiện hành không quy định về nội dung lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện lực. Tuy nhiên, trường hợp các dự án điện lực có hơn 2 nhà đầu tư quan tâm cùng nộp hồ sơ đề nghị thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện lực trong những nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ. Do đó, để đảm bảo đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan, Luật Điện lực cần có quy định nội dung liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện lực.

Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Điều 26 và Điều 27 đã quy định rõ hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực và quy định về việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực phù hợp với đặc thù ngành điện (Điều 27).

Liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án điện năng lượng tái tạo hiện nay được thực hiện theo pháp luật về đầu tư, xây dựng như các dự án điện truyền thống khác. Về ưu đãi đầu tư, các dự án điện năng lượng tái tạo được hưởng các ưu đãi theo Điều 15, Điều16 Luật Đầu tư số 61/2020/QH 16 như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế, nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… và các ưu đãi khác theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế và các quy định khác.

Dự thảo đã đưa ra các quy định khung về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án điện gió ngoài khơi từ khâu khảo sát, giao khu vực biển, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư,thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra, chấp thuận đưa công trình vào khai thác sử dụng, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi, điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi.

Đồng thời đưa ra các quy định khung như Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển hệ thống lưu trữ của dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với phát triển điện gió ngoài khơi như bên mua điện và bên bán điện được quyền thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm, miễn tiền thuê khu vực biển, miễn tiền sử dụng đất trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng đến thời điểm nhà máy vận hành phát điện, hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại mức cao nhất, các chính sách hỗ trợ cho điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, các chính sách ưu đãi cho điện năng lượng mới...

Các cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển đối với từng loại hình điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới sẽ được quy định tại các văn bản dưới luật. Dự thảo đã nêu nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 33. Trong quá trình quản lý và theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quy định quy mô của các nguồn điện này cho phù hợp, đơn giản hoá các thủ tục nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát phát triển để tránh lãng phí các nguồn lực.

Đối với quy định tại khoản 4, việc các tổ chức, cá nhân phát triển nguồn điện để nhằm mục đích là tiêu thụ cho chính nhu cầu của mình, trường hợp có dư (tuỳ theo từng thời điểm) sẽ được phát lên hệ thống điện quốc gia. Việc mua bán điện dư (nếu có) thực hiện theo quy định pháp luật về giá phát điện.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Minh Huyền

22:30 22/11/2024
Bộ Công Thương làm rõ các ý kiến liên quan dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương làm rõ các ý kiến liên quan dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

(Thanh tra) - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu trong đó có một số nội dung liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu; việc xem xét bỏ quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu.

Lê Phương

21:51 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm