Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: “Cái gì cũng đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục”

Hương Giang

Thứ bảy, 23/11/2024 - 15:08

(Thanh tra) - “Doanh nghiệp tư nhân làm với doanh nghiệp tư nhân rất nhanh, mối quan hệ dân sự họ xử lý rất hay. Ta cái gì cũng đấu thầu cả nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và cho rằng cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ pháp luật rõ ràng.

Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, sáng 23/11.

Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai luật trên rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay của nước ta. 

Theo ông, Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu với cú sốc bên ngoài còn hạn chế, nên phải có cách huy động các nguồn lực: Nhà nước, Nhân dân, trái phiếu Chính phủ, đi vay…

Cho nên, 2 dự luật là nội dung hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong giai đoạn tới. 

Phát biểu tại tổ ở Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "đổi mới để bay cao, sáng tạo mới vươn xa, hội nhập mới phát triển được”. Ảnh: P.Thắng

Thủ tướng nhấn mạnh kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường và thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no. Điều đó đòi hỏi đổi mới tư duy vận hành, quản lý dựa trên tổng kết thực tiễn, cái gì tốt thì phát huy, cái gì chưa được thì sửa ngay, cái nào vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua thì mới phát triển.

“Nguồn lực bắt nguồn từ từ duy, tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân và doanh nghiệp. Chúng ta đổi mới để bay cao, sáng tạo mới vươn xa, hội nhập mới phát triển được”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ suy nghĩ của mình.

“Thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi”

Về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng nói, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh. Nhà nước không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. 

Ông cho rằng, kế hoạch kinh doanh thì giao cho hội đồng quản trị chịu trách nhiệm quyết định. “Họ phải chịu trách nhiệm với kế hoạch kinh doanh của họ chứ? Tại sao Chính phủ phải chịu trách nhiệm về kế hoạch kinh doanh của họ?”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng đề nghị, mạnh dạn phân cấp, phân quyền và doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Các công cụ pháp luật thì rõ ràng, chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đầu tư công thì theo Luật Đầu tư công. Còn vốn của tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nào thì Hội đồng quản trị quyết định và chịu trách nhiệm, chứ không phải đi xin cấp hành chính này kia. 

“Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định cho thành công. Vừa qua, Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi”, Thủ tướng phát biểu, quy định trong luật rõ cái gì được làm và không được làm để doanh nghiệp sáng tạo.

Đồng tình với cơ quan thẩm tra rằng khi đánh giá doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể, chứ không đánh giá từng việc một, Thủ tướng nêu ví dụ trong 10 việc được giao, có thể 2-3 việc họ làm chưa tốt, thua lỗ nhưng “tổng thể vẫn dương” là bảo toàn và phát triển vốn.

“Doanh nghiệp tư nhân làm với doanh nghiệp tư nhân rất nhanh, mối quan hệ dân sự họ xử lý rất hay. Ta cái gì cũng đấu thầu cả nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục. Làm sao phải rút ra quy luật này chứ?”, Thủ tướng lưu ý.

Theo ông, kinh doanh không phải ngày một, ngày hai nên phải đánh giá tổng thể. Tổng vẫn dương mà xử lý họ là chưa phù hợp tình hình, quy luật.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh: P.Thắng

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu quan điểm dự thảo luật nên quy định quản lý tới doanh nghiệp dạng nào và tới người chịu trách nhiệm trực tiếp, còn lại để họ quản lý cấp dưới. Như Trung ương quản lý tỉnh, còn tỉnh quản lý huyện, huyện quản lý xã. 

“Chương trình mà Trung ương đi làm tận xã thì tắc, mà tắc là lãng phí, nên đưa cho tỉnh một cục, còn tỉnh quyết định phân bổ vào đâu, ai làm. Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không thay huyện, huyện không làm thay xã. Tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Quản lý doanh nghiệp cũng cần theo thế, không can thiệp sâu vào F3, F4”, Thủ tướng nói thêm.

“Cứ giữ vòng an toàn thì không gian sáng tạo hạn chế”

Về Luật Công nghiệp công nghiệp số, Thủ tướng nhấn mạnh cần thiết ban hành. Còn quá trình ban hành luật thì vừa làm, vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

“Trí tuệ nhân tạo bây giờ khác lắm, mà rõ ràng ta thấy đời thực như thế nào thì đời ảo như thế”, Thủ tướng nói và đặt vấn đề, thực tế Việt Nam vẫn giao dịch tiền Bitcoin, thế thì tại sao không đưa vào quản lý?

Ông đồng tình phải có chính sách ưu đãi về đất đai, lệ phí, điện, nước, kể cả ưu đãi bằng tiền… để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức. Bởi, “muốn chạy nhanh, muốn chạy xa, đi trước, đón đầu thì phải đi vào công nghệ mới, bên cạnh cái động lực tăng trưởng truyền thống (là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Điều quan trọng, theo Thủ tướng, là phải tính toán để có chính sách ưu đãi phù hợp, đủ sức thuyết phục để nhà đầu tư đến Việt Nam, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Ông lưu ý, chúng ta phải tính toán lợi ích tổng thể, trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ số.

“Thử nghiệm có kiểm soát nghe thì rất đúng. Thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát để cảm thấy an toàn nhưng mình cứ giữ vòng an toàn thì không gian sáng tạo hạn chế.” Thủ tướng nói.

Dự thảo đưa ra quy định kiểm soát đối tượng và phạm vi.

Theo Thủ tướng, nếu kiểm soát thì kiểm soát thời gian mới là quan trọng, còn phải mở phạm vi và đối tượng trong ngành công nghệ số để tạo không gian sáng tạo. Từ đó, ông đề nghị nghiên cứu lại khái niệm kiểm soát.

“Chúng ta thí điểm, lại có kiểm soát, tức là vẫn có vòng kim cô, nghe thì rất hay, nhưng tôi cảm giác sẽ hạn chế không gian đổi mới sáng tạo. Cho nên, nếu kiểm soát thì kiểm soát thời gian có vẻ hiệu quả hơn kiểm soát phạm vi và đối tượng”, ông gợi ý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Hương Giang

16:19 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm