Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngao ngán khi lợp mái nhà, thay gạch lát nền giá trên 100 triệu phải… đấu thầu

Hương Giang

Thứ tư, 06/11/2024 - 18:27

(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội cho hay, với quy định hiện nay, các công việc đơn giản như lợp mái nhà, thay gạch lát nền bong tróc… mà sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tổng giá trị trên 100 triệu đồng sẽ phải đấu thầu khiến cán bộ ngao ngán, sợ sai.

Nêu ý kiến thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật (Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Đấu thầu) chiều 6/11, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu đề cập đến quy định khiến cán bộ ngao ngán, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Chỉ thay đổi 1 con số, cán bộ không còn sợ sai

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), Chính phủ vừa ban hành Nghị định 138 là tin vui lớn với các địa phương trong cả nước và nhiều bộ, ngành. Đây cũng là kết quả của những tranh luận “nóng”, thậm chí “rất nóng” suốt 4 kỳ họp Quốc hội.

Theo đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên đến 15 tỷ để mua sắm trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

“Với quy định này, hàng nghìn và có thể là hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức khi phân bổ, sử dụng kinh phí chi thường xuyên không còn phải sợ sai, sợ trách nhiệm”, đại biểu đoàn Tây Ninh nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu. Ảnh: P.Thắng

Gỡ “điểm nghẽn” về phân bổ, sử dụng kinh phí chi thường xuyên, theo ông Hậu, không chỉ là gỡ về thủ tục mà còn giúp củng cố bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức khi họ được trao quyền quyết định những việc tương xứng với thẩm quyền ở địa phương, cơ quan.

Từ đó, tạo động lực và sung lực cho cán bộ, công chức, viên, chức làm việc và sáng tạo. 

“Chỉ thay đổi 1 con số thì trong vấn đề này, chúng ta sẽ không còn phải sử dụng nhiều phương thức không mấy hiệu quả để tuyên truyền, động viên, nhắc nhở, kiểm điểm cán bộ, công chức, viên chức về tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm. Vì đã không còn quy định khiến họ phải sợ”, ông Hậu nhận định.

Vài tháng nữa, hàng chục nghìn cán bộ lại sợ sai…

Thế nhưng, theo đại biểu Quốc hội đoàn Tây Ninh, chỉ vài tháng nữa, sẽ có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhiều người hôm nay đã ngẩng cao đầu sẽ lại sợ sai, sợ trách nhiệm. Bởi lẽ các hạng mục được ghi vốn từ kinh phí chi thường xuyên sẽ bước vào đấu thầu.

Ông Hậu cho hay, với quy định tại điểm m, khoản 2 Điều 23 Luật đấu thầu, các công việc mua sắm, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng các hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị trên 100 triệu đồng thuộc loại sẽ phải đấu thầu. 

Quy định này đã có từ lâu, không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với sự trượt giá vật tư, nguyên liệu, chi phí nhân công. 

“Tôi tin rằng không ít cán bộ, không ít đại biểu trong hội trường này đã từng lắc đầu ngao ngán khi những công việc đơn giản như lợp lại mái nhà, trám mấy bức tường nứt và sơn lại, thay gạch lát nền bong tróc có tổng giá trị trên 100 triệu đồng phải làm thủ tục đấu thầu”, ông Hậu nói.

Quốc hội thảo luận hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật (Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Đấu thầu). Ảnh: P.Thắng

Ông cũng chia sẻ, 1 đại biểu ở cơ quan Trung ương nói với ông rằng “rất bó, không chỉ trong mua thiết bị hay xây lắp, nếu tổ chức một hội thảo chuyên ngành kinh phí trên 100 triệu đồng cũng phải đấu thầu, có những khoản mua sắm hằng năm mua giống hệt nhau nhưng năm nào cũng phải đấu thầu lại, vừa không thực tế, mất thời gian, công sức mà kinh phí tăng thêm trên chục triệu, rất xót xa”.

Chi phí vài trăm triệu phải đấu thầu “không mấy ý nghĩa”

Những công việc đơn giản, chi phí vài trăm triệu như trên, những mục tiêu quan trọng của đấu thầu như chọn được những nhà thầu có năng lực về kỹ thuật, công nghệ, tài chính hay tiết kiệm chi phí…, theo ông Hậu, “không mấy có ý nghĩa”.

“Trái lại, phải mất thêm chi phí không đáng có, nhất là mất thời gian, công sức khá lớn của nhiều người, nhiều đơn vị liên quan”, ông Hậu nhận định. 

Hơn thế nữa, theo đại biểu, “có thể còn phát sinh tiêu cực và trong không ít trường hợp đấu thầu chỉ là hình thức, làm chỉ để cho đúng thủ tục, để không bị cấp trên và các cơ quan chức năng xem xét, kiểm điểm”.

Từ thực tế đó, ông Hậu đề nghị nâng mức phải tổ chức đấu thầu với các công việc sử dụng chi thường xuyên lên bằng với đầu tư công, tức là với gói thầu tư vấn thì trên 500 triệu, gói thầu mua sắm xây lắp dịch vụ phi tư vấn thì trên 1 tỷ đồng.

“Chúng ta đã nói nhiều, làm nhiều để cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân. Tôi cho rằng, cần phải mạnh mẽ tháo gỡ vướng mắc, tạo sự thông thoáng ngay trong bộ máy hành chính, trong các cơ quan, đoàn thể của chúng ta. Bởi lẽ, bên trong mà chưa thông thì e rằng bên ngoài khó thoáng được”, theo lời đại biểu Quốc hội.

Ông Trần Hữu Hậu nói thêm rằng, cán bộ, công chức, viên chức còn bị gò bó, phải thực hiện các thủ tục nhiêu khê cho những việc cần thiết, nhỏ nhoi thì khó có thể có tâm thế để mạnh dạn tạo sự thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.

Luật Đấu thầu năm 2023 tại điểm m khoản 1 Điều 23 về chỉ định thầu quy định “gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng”.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng ý với các đại biểu phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng. 

“Chúng tôi nghiên cứu có thể nâng lên nữa để đảm bảo tính ổn định lâu dài, nếu không chúng ta vừa sửa xong lại bất cập, lại sửa tiếp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm