Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đại biểu Quốc hội: “Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”

Hương Giang

Thứ năm, 01/06/2023 - 11:58

(Thanh tra) - “Cán bộ sợ sai, rồi còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài”, theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim tranh luận: Ảnh: P.Thắng

Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước sáng ngày 1/6. Câu chuyện cán bộ sợ sai không dám làm tiếp tục được các đại biểu quan tâm nêu ý kiến, tranh luận.

Cứ phạt thẻ đỏ ngay thì “rất nguy hiểm”

Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) dùng quyền tranh luận với các đại biểu Trần Hữu Hậu, Tạ Văn Hạ, Tô Văn Tám.

Đồng ý với các đại biểu “bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”, nhưng ông Vũ Trọng Kim cho rằng, chuyện cán bộ sợ sai không dám làm, bỏ bê công việc cần phải làm rõ “tới bờ, tới bến” để có giải pháp.

“Cán bộ sợ sai, rồi còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài”, ông Kim nói.

Theo ông Kim, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Trong đó, có nêu một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ không dám làm.

Từ đó, ông Kim đề nghị các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan khác phụ trách cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của cơ quan, đơn vị để bảo đảm công bằng.

“Phạt 3 thẻ vàng cộng lại bằng 1 thẻ đỏ. Nếu cứ phạt thẻ đỏ thế này thì rất nguy hiểm”, đại biểu đoàn Nam Định nói.

Ông đề nghị hết sức tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế; tránh tình trạng đối xử với luật sư không công bằng, không đúng pháp luật.

“Ta hoan nghênh thẩm phán làm đúng, đầy đủ, xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhưng phải để cho luật sư làm hết nghĩa vụ và làm xuất sắc trong môi trường Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật”, ông Vũ Trọng Kim phát biểu.

Cán bộ không làm là vi phạm pháp luật, phải xử lý

Tranh luận với đại biểu Vũ Trọng Kim, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nói, hành vi không làm gì cả là hành vi vi phạm pháp luật, bởi trong quan hệ pháp luật, hành vi có hành động và không hành động.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Ảnh: P.Thắng

“Không hành động là bất tắc vi, tức là không thực hiện bổn phận nghĩa vụ mà Nhà nước trao cho, như vậy là vô trách nhiệm, mà vi phạm pháp luật thì phải xử lý”, ông Vân nêu quan điểm.

Theo ông Vân, bộ phận cán bộ không làm gì cả có 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là không biết gì, nên không làm được gì; nhóm thứ 2 là không có lợi thì không làm; nhóm thứ 3 là biết nhưng sợ không làm.

Đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng, cả 3 nhóm cán bộ trên đều phải xử lý. “Rất đáng tiếc, các cấp, ngành thấy cán bộ không làm gì, vi phạm nhưng không xử lý”.

Theo ông Vân, khi xử lý thì phải xem xét tính chất mức độ và hậu quả gây ra. Một cán bộ không làm gì cả mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự. Ví dụ bác sỹ không cứu người gây ra hậu quả chết người là phải truy tố.

“Một chủ tịch tỉnh không làm gì dẫn đến kinh tế đình trệ không phát triển, khiến doanh nghiệp, người dân lao đao, khó khăn, gây hậu quả lớn hơn nhiều vị bác sỹ kia nhưng không xử lý. Tôi đề nghị phải xử lý nghiêm khắc”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Hôm qua (31/5), đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì phần đông cán bộ, công chức, viên chức sẽ nỗ lực làm tốt hơn, mà “chẳng có gì phải sợ”.

Nhưng thực tế, không ít các việc lớn, việc nhỏ, nếu cán bộ quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm “không nhiều, thì ít” các quy định.

“Những người thấy làm sai quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dù vì lợi ích chung mà không biết sợ, thì có lẽ là “điếc không sợ súng” hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật”, đại biểu Hậu nhận định.

Vì vậy, đại biểu Hậu nhấn mạnh, cần phải làm sao để cán bộ các cấp không phải “dám nghĩ, dám làm” mà chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để “năng động, sáng tạo” thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất.

“Tức là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn”, ông Hậu nói.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nói hiện tượng cán bộ né tránh trách nhiệm có từ lâu rồi, nhưng dường như gần đây “nặng hơn, phức tạp hơn”. Ông Tám đề nghị rà soát, xác định rõ tỷ lệ cán bộ này là bao nhiêu để có giải pháp xử lý.

Cạnh đó, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ, tham mưu, đề xuất, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, “phải tổng kết xem xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người đứng sang một bên khi không làm được việc”. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm