Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Quý
Thứ sáu, 22/11/2024 - 13:17
(Thanh tra) - Đầu cơ, "tạo giá ảo", "thổi giá", khan hiếm nguồn cung… được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) tăng chóng mặt trong thời gian qua, tuy nhiên, giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Nhiều khu đất sau đấu giá quyền sử dụng đất nhiều tháng vẫn không thấy chủ đầu tư nào xây dựng? Ảnh: TQ
Hàng loạt cuộc đấu giá đất trên địa bàn ngoại thành Hà Nội trong thời gian gần đây không những gây cú sốc cho thị trường BĐS ven đô mà còn ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS trên cả nước. Kết quả của các cuộc đấu giá tại các huyện: Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng cho thấy, có nhiều lô đất được “thổi giá” cao gấp 15 lần giá khởi điểm, từ 7,2 triệu đồng/m2 lên 109,3 triệu đồng/m2. Với mức giá “trên trời” này thì những người có nhu cầu đất ở thật đành ngậm ngùi “lau nước mắt”. Điều đáng nói là không ít những lô đất trúng đấu giá với giá “trên trời” đã được chủ nhân “bỏ của chạy lấy người”.
Anh Hoàng Văn Anh (huyện Hoài Đức) cho biết, gia đình anh đang cần đất ở để cho vợ chồng con trai ra ở riêng. Gia đình anh đã tham gia đấu giá đất tại huyện Hoài Đức với hy vọng sẽ mua được cho con trai 1 lô, tuy nhiên, sau 2 lần tham gia đấu giá, mặc dù anh đã bỏ giá cao gấp 5 lần giá khởi điểm, nhưng đều ra về tay không vì lô đất anh đấu giá có người trả giá cao gấp 12 lần giá khởi điểm.
“Lúc đấu giá thì đông đúc, ồn ào, dành nhau, sau đấu giá mấy tháng nay, khu đất đấu giá vẫn nằm im, không thấy chủ đất nào xây dựng, trong khi “cò đất” tiếp tục rao bán với giá chênh khá cao. Như vậy, người cần đất ở thực sự thì không mua được, còn các nhà “đầu cơ” thì cứ ôm đất, lúc được giá lại bán. Việc "tạo giá ảo", "thổi giá" tại các buổi đấu giá đã làm thị trường BĐS gần các khu đấu giá tiếp tục được “thổi lên” khiến những người có nhu cầu đất ở thực thụ lại khó tiếp cận”, ông Anh nói.
Không riêng gì tại Hà Nội mà các tỉnh, thành khác cũng vậy. Theo ghi nhận của PV, khoảng 400 lô đất đấu giá tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã được đấu giá xong nhiều tháng nay nhưng chưa thấy chủ đầu tư nào tiến hành xây dựng. Được biết giá trúng đấu giá một lô đất tại đây cũng cao gấp 6 - 8 lần giá khởi điểm, dẫn đến những hộ gia đình có nhu cầu đất ở thật sự không thể mua.
Tương tự, tại khu nội đô TP Hà Nội, trong thời gian gần đây cũng rất khan hiếm về nguồn cung BĐS, đặc biệt là phân khúc chung cư hạng trung. Chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ, chị mới kết hôn đang cần mua 1 căn hộ 2 phòng ngủ hạng trung. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng “săn lùng” chị vẫn không thể tìm được căn hộ phù hợp với túi tiền của mình vì giá chung cư liên tục tăng.
“Tôi đã quyết định đặt mua 1 căn hộ 2 phòng ngủ tại dự án Imperia Smart City - The Sola Park (Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) do tập đoàn MIK Group làm chủ đầu tư. Mặc dù dự án chưa triển khai, trong khi các sàn BĐS đã rao bán và yêu cầu khách hàng đặt chỗ 50 triệu đồng/căn. Sau một thời gian chờ đợi, tôi được Công ty CP Dịch vụ và Phát triển BĐS Diamond Holdingds (đơn vị phân phối sản phẩm) thông báo đã bốc thăm được căn hộ mình đăng ký, tuy nhiên giá cả, cộng tiền chênh “nhảy nhót” liên tục, giá bán tăng lên đến mức 76 triệu đồng/m2 nên tôi cũng không thể mua được. Đến nay đã gần 2 tháng mà chủ đầu tư tập đoàn MIK Group vẫn chưa trả lại tiền cọc 50 triệu đồng cho tôi”, chị Dung cho biết.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý III/2024, giá BĐS tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc BĐS tăng giá như: Biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới. Việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt, dẫn tới có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá. Những người này trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm và có thể "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời.
Hiện tượng "tạo giá ảo", "thổi giá" của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi. Thêm vào đó là nguồn cầu giảm…
Việc thị trường BĐS tăng giá cũng đã “hâm nóng” nghị trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khi thảo luận Báo cáo của Đoàn Giám sát và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề thực trạng giá BĐS tăng bất thường, tình trạng đầu cơ thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thị trường, những nguyên nhân, hệ lụy tác động và giải pháp tháo gỡ...
Thực tế thị trường BĐS tăng giá cao, đột ngột, bên cạnh vướng về thể chế, chính sách, các đại biểu cho rằng có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng BĐS của một nhóm lợi ích.
Để kiểm soát giá BĐS, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đề xuất: Yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại. Thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá bán lần đầu trên thị trường thứ cấp.
Xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp tại một số thành phố lớn, nhằm quản lý minh bạch hoạt động của thị trường…
Bộ Xây dựng kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực BĐS mới được ban hành như Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024,… và các văn bản quy định chi tiết.
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các Công điện, Chỉ thị, Nghị định số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Tích cực nâng cao và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến dự án BĐS, nhất là các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư; bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất; thủ tục đầu tư xây dựng… nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đầu cơ, "tạo giá ảo", "thổi giá", khan hiếm nguồn cung… được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) tăng chóng mặt trong thời gian qua, tuy nhiên, giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Trần Quý
13:17 22/11/2024(Thanh tra) - Với vị trí chiến lược tại trung tâm mới The Global City, Masteri Grand View đang là tâm điểm của thị trường bất động sản TPHCM, nơi giao thoa tiện ích và hạ tầng hiện đại, mang lại giá trị bền vững cho cư dân và nhà đầu tư.
Hương Giang
12:17 21/11/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền