Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

Thứ sáu, 22/11/2024 - 15:37

(Thanh tra) - Đề tài cấp bộ “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” do ThS Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng, Thanh tra Chính phủ làm Chủ nhiệm được Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ nghiệm thu với kết quả xuất sắc vào ngày 22/11.

ThS Dương Văn Huế trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

Trình bày kết quả nghiên cứu, ThS Dương Văn Huế cho biết, trong công tác tiếp công dân, mỗi cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Trực tiếp và có vai trò quan trọng nhất là hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước, đứng đầu là Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp.

Tuy nhiên, pháp luật tiếp công dân hiện nay chủ yếu quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh; quy định về tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Ban Tiếp công dân, việc bố trí cơ sở vật chất của trụ sở tiếp công dân...

Mặt khác, pháp luật tiếp công dân quy định “quyền” không đi đôi với “nghĩa vụ” của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; không quy định không cụ thể chế tài xử lý người lợi dụng quyền dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo, xúi dục, tổ chức, khiếu nại đông người, vượt cấp; không quy định chi tiết về chế tài xử lý đối với cán bộ tiếp công dân; không có mức xử phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tiếp công dân.

Bên cạnh đó, pháp luật tiếp công dân không quy định cụ thể quy chế mẫu về phối hợp giữa Ban Tiếp công dân với các cơ quan Đảng tham gia tiếp công dân thường xuyên tại tụ sở tiếp công dân các cấp. Pháp luật tiếp công dân không quy định cụ thể các tiêu chí xây dựng “cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo” để quản lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo được thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Quy định về mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của các cơ quan tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương còn thiếu thống nhất.

Nguyên nhân là do nhận thức của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa đúng mức, chưa thực sự coi công tác tiếp dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định, chính trị xã hội, phát huy quyền dân chủ của công dân.

Mặt khác, pháp luật tiếp công dân còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu một số công việc cụ thể trong hoạt động tiếp công dân; chưa phân định rõ việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với kiến nghị phản ánh; chưa quy định rõ việc tiếp công dân của người đứng đầu với việc tiếp công dân của công chức; việc tiếp công dân thường xuyên với việc tiếp công dân theo yêu cầu cần thiết đối với vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia.

Ngoài ra, do trình độ năng lực và kỹ năng của một bộ phận cán bộ tiếp công dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; việc tiếp công dân chưa gắn với việc xem xét, giải quyết vụ việc của cơ quan Nhà nước.

Chủ nhiệm đề tài cũng cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao; kết luận thanh tra, kiểm tra còn chung chung, xử lý cán bộ, công chức vi phạm chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm…

Toàn cảnh hội nghị nghiệm thu. Ảnh: TH

Trên có sở đó, ThS Dương Văn Huế đã đề xuất các giải pháp hoàn thiện và đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam.

Theo đó, hoàn thiện pháp pháp luật quy định cụ thể trụ sở Tiếp Công dân Trung ương theo hướng là nơi để công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương hoặc lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương; đồng thời quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân phải có trách nhiệm cử đại diện tham gia tiếp dân thường xuyên để tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về nội dung thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức mình tại trụ sở tiếp công dân.

Mặt khác, phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh/huyện theo hướng, mỗi tỉnh, thành trực thuộc Trung ương là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh với tỉnh ủy (huyện ủy), thành ủy (quận ủy, thị ủy), đoàn đại biểu quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh/huyện.

Tại các bộ, cơ quan ngang bộ cần phải theo hướng tiếp công dân hoặc bố trí công chức thuộc thanh tra bộ làm công tác tiếp dân. Việc tiếp công dân của tổ chức trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định phù hợp với yêu cầu theo tình hình thực tế.

Theo chủ nhiệm đề tài, hoàn thiện pháp luật tiếp công dân cần đồng bộ, thống nhất với các quy định khác và các quy định của Đảng, cần phải quy định đồng bộ với các văn bản pháp luật về đất đai, các văn bản khác liên quan và các quy định của Đảng; quy định phù hợp với thực tế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định về “quyền” đi đôi với “nghĩa vụ” của người khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, việc chọn và bố trí cán bộ tiếp dân phải đạt yêu cầu, năng lực, trình độ và kỹ năng; cần ban hành trình tự, thủ tục giải quyết cho từng loại đơn.

Nghiên cứu để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của công dân; nghiên cứu ban hành Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Trong đó có quy định chế tài xử lý đối với cán bộ tiếp công dân có hành vi vi phạm pháp luật, ban hành quy chế chung phối hợp tiếp công dân thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Nhất là, pháp luật tiếp công dân cần quy định thêm quyền nhận, phân loại và giải quyết, quy định cụ thể giải quyết đối với vụ việc có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, có nhiều người cùng khiếu nại.

Chủ nhiệm đề tài cũng cho rằng, cần quy định cụ thể về thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn thuộc cơ quan nào, cơ quan đó giải quyết; quy định cụ thể công dân phải nộp đơn đúng cơ quan thuộc thẩm quyền…

Tại hội nghị nghiệm thu, Hội đồng Nghiệm thu đánh giá đề tài đảm bảo tính cấp thiết của đề tài, có ý nghĩa thiết thực, tác động trực tiếp và sâu rộng đến trách nhiệm, nhiệm vụ của hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị ở mọi cấp, mọi ngành.

Chủ nhiệm đề tài rất công phu thu thập thông tin, số liệu, dữ liệu về tổ chức và hiệu quả tiếp công dân trong giai đoạn từ 2013 đến nay; các thông tin, tài liệu được cập nhập và đảm bảo mức độ tin cậy cao.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã giải quyết tốt yêu cầu của mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong thuyết minh. Các giải pháp chủ nhiệm đưa ra có tính đồng bộ từ căn cứ pháp lý, quy chế, quy định cho đến bộ máy, tổ chức và hoạt động tiếp công dân rất cụ thể và có tính khả thi trên thực tế.

Đề tài có giá trị ứng dụng tham khảo trong công tác tiếp dân của cơ quan Nhà nước, trong hoạt động giảng dạy và tập huấn nghiệp vụ.

Với những kết quả đó, Hội đồng Nghiệm thu đề tài đã xếp loại xuất sắc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

(Thanh tra) - Đó là giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra được đưa ra tại đề tài khoa học cấp bộ năm “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm, được Hội đồng Khoa học nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Thái Hải

18:05 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm