00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ninh Thuận - Hào sảng và khí phách, kiên trung mà nghĩa tình

Trần Lê

Thứ ba, 15/04/2025 - 20:15

(Thanh tra) - Những ngày kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2025), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh đang hân hoan chào đón và tổ chức nhiều hoạt động chào mừng cũng như ôn lại quá khứ vẻ vang, anh dũng hy sinh, kiên cường, bất khuất về “Một thời đạn bom” và những thành tựu, thành quả to lớn của “Một thời hòa bình”.

Những con đường ven biển đẹp nổi bật của Ninh Thuận. Ảnh: Mỹ Chi

“Một thời đạn bom”

Có dịp gặp và trao đổi với cựu chiến binh Cao Trọng Ngọ (quê Thanh Hóa) từng chiến đấu ở Tiểu đoàn 631 anh hùng-B3 chúng ta càng hiểu sâu thêm về những năm tháng khói lửa nhưng hào hùng ấy. Đúng 23 giờ đêm ngày 14/4/1975 Tiểu đoàn 631 của ông Ngọ đã "luồn sâu lót sẵn" tiến đến gần phòng tuyến Phan Rang phơi mình bên ngoài hàng rào kẽm gai (11 lớp) Sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) chờ lệnh nổ súng.

Tiểu đoàn 631 của ông oằn mình gánh chịu bon đạn gào thét cả ngày đêm. Kẻ thù bắn mù trời vào Tiểu đoàn 631 làm hơn 40 đồng đội của ông bị thương vong... Nhưng không có gì ngăn cản được tinh thần chiến đấu quả cảm, sự hy sinh và lòng quyết tâm cao độ của người chiến sỹ cách mạng, Tiểu đoàn 631 của ông Ngọ cùng với các lực lượng bộ đội khác đã đập tan phòng tuyến Phan Rang mở toang cánh cửa để các mũi tấn công của bộ đội ta rầm rập tiến thẳng về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Sau 50 năm, người cựu chiến binh ấy cũng như đồng đội của ông tóc đã bạc, chân đã chậm nhưng tinh thần chiến đấu vẫn nguyên vẹn như ngày nào; vẫn hào sảng và khí phách, kiên trung mà nghĩa tình. Hàng năm, vào các ngày 14-16/4, ông Ngọ và đồng đội thường gặp nhau ôn lại một thời chinh chiến, đặc biệt là những trận đánh trên chiến trường ác liệt Phan Rang.

Trở lại Ninh Thuận hôm nay, mảnh đất này có quá nhiều đổi thay. Thật tình cờ chúng tôi gặp lại anh Phạm Ngọc Duy Quan, một thanh niên Ninh Thuận sinh ra trong thời bình tuổi đời rất trẻ. Quan làm ở một tờ báo Trung ương hoạt động trên địa bàn Ninh Thuận. Quan từng có thời gian cộng tác viết nhiều tin bài cho tờ báo của chúng tôi. Mặc dù không trải qua bom đạn chiến tranh, không chứng kiến trực tiếp sự mất mát đau thương, sự gian khổ hy sinh của các thế hệ cha anh nhưng Quan lại đau đáu với mảnh đất đầy nắng gió của quê hương.

Quan tâm sự, muốn đi nhiều nơi, viết thật nhiều về con người và mảnh đất Ninh Thuận; viết về quá khứ hào hùng, kiên trung và nghĩa tình, về những đổi thay của quê hương, đất nước; tựu chung là viết về "một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

“Một thời hòa bình”

Quá trình dựng xây 50 năm qua của Ninh Thuận là một chặng đường dài, là những đóng góp to lớn của Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận không thể nào kể hết. Mà trong thời điểm này chỉ nói lên đôi điều là Ninh Thuận đang gấp rút triển khai Dự án Điện hạt nhân (ĐHN) theo Nghị quyết số 174/2024/QH15 tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án ĐHN. Ninh Thuận đang tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương thực hiện nhiều công việc như: Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, ổn định đời sống người dân vùng dự án. Hàng loạt chính sách đặc biệt sẽ được Ninh Thuận thực hiện nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp khi triển khai dự án. Công tác giải phóng mặt bằng vùng dự án Ninh Thuận phải hoàn thành trong năm 2025 và phấn đấu hoàn thành công tác đầu tư xây dựng dự án trước ngày 31/12/2030, chậm nhất trước ngày 31/12/2031.

Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 sẽ được xây dựng tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam trên diện tích gần 65ha. Còn Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 xây dựng tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, diện tích hơn 54ha.

Hiện, Ninh Thuận đã lên phương án xây dựng 2 khu tái định cư diện tích 920ha tại huyện Thuận Nam và huyện Ninh Hải để phục vụ việc di dời 1.461 hộ dân (Nhà máy ĐHN 1 có 617 hộ dân với hơn 2.900 nhân khẩu phải di dời, Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 có 844 hộ với hơn 2.300 nhân khẩu di dời). Dự trù kinh phí bồi thường, hỗ trợ và xây dựng các công trình phục vụ di dân tái định cư khoảng 13.010 tỷ đồng.

Hiện, cả hệ thống chính trị của Ninh Thuận vào cuộc, tập trung tuyên truyền về chủ trương đầu tư dự án. Hầu hết cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là vùng xây dựng 2 nhà máy ĐHN có 90% ý kiến người dân đồng tình, đồng thuận cao, sẵn sàng bàn giao đất để triển khai dự án.

Và, hiện Ninh Thuận lại bước vào một giai đoạn mới, đó là sáp nhập vào Khánh Hòa. Ninh Thuận cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo Kết luận 126, 127 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tập trung vào lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sắp xếp cấp xã; triển khai tổ chức hoạt động chính quyền địa phương hai cấp theo quy định của pháp luật, bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ đề ra.

Mảnh đất và con người Ninh Thuận lại hòa vào dòng chảy của non sông, viết tiếp trang sử mới về một thời kỳ dựng xây mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm