Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần đáp ứng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả rừng

Thứ hai, 10/04/2017 - 17:27

(Thanh tra) - Ngày 10/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Cảnh Nhật

Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về các phương án sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. 

Thực tế cho thấy, mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng đến nay Luật 2004 đã bộ lộ nhiều hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, tình trạng lấn chiếm đất rừng còn phức tạp; sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt, hiệu quả thấp, đóng góp cho nền kinh tế quốc dân còn thấp.

Với việc sửa đổi lần này, Dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, sử dụng hiệu quả rừng, đất rừng; phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hài hòa xu hướng quản trị rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay…

Tham gia ý kiến, đa số đại biểu cho rằng, nên thay đổi tên Luật thành Luật Lâm nghiệp để bảo đảm sự bao quát, toàn diện và phù hợp hơn với mục tiêu mà Dự thảo Luật hướng đến. Đây cũng là tên gọi ngắn gọn, giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu.

Về thẩm quyền giao rừng, cho thuê, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, TS Kiều Tuấn Đạt - Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ đề nghị, cần bổ sung thêm quy định cụ thể về quy mô, diện tích và đối với từng cấp từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, cần làm rõ nội dung chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng có được cho thuê lại rừng hay không. Đặc biệt, không nên giao thẩm quyền cho cấp huyện vì thực tế vừa qua đã cấp huyện ở nhiều địa phương đã để xả ra rất nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với chủ rừng, các đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật cần cụ thể hóa để xác định chủ rừng cấp 1, cấp 2, cấp 3 vì thực tế các công ty, Ban quản lý rừng được cấp số đỏ nhưng lại giao khoán lại một phần cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình như hiện nay khiến công tác quản lý nhà nước hết sức khó khăn.

Đối với việc xác định tư cách, quyền, nghĩa vụ của hộ gia đình, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Công an TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần hết sức cân nhắc, bởi hộ gia đình là một thực thể tồn tại trong xã hội nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về các tiêu chí để xác định. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã không còn ghi nhận tư cách pháp nhân của hộ gia đình.

Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về cách phân định ranh giới rừng (Điều 6), quy định như trong Dự thảo sẽ rất dễ tạo ra các “khoảng trống”. Đặc biệt, việc sử dụng cách ước lượng “khoảng” là hoàn toàn không hợp lý. Bởi lẽ, “khoảng” theo cách xác định toán học thì phải có giá trị đầu, giá trị cuối. Mặt khác, “khoảng” theo cách gọi thông thường là các giá trị liền kề với các giá trị cao (dung sai). Như vậy, nếu diện tích rừng lớn gấp nhiều lần tiểu khu (khoảng 1000ha) thì không thể xác định được ranh giới.

Bên cạnh đó, ngoài tiểu khu, Điều 6 cũng quy định phân chia rừng thành khoảnh (khoảng100ha), lô (khoảng 10ha). Vậy, trường hợp diện tích rừng không đạt tiêu chuẩn tiểu khu nhưng lại lớn hơn khoảnh thì cách xác định như thế nào?

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị nên xem xét lại các nội dung liên quan đến quy hoạch để phù hợp với các quy định tại Dự án Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV thảo luận, thông qua tại Kỳ hợp thứ 3 sắp tới.

Cảnh Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm