Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bổ sung thêm nguồn chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thái Hải

Thứ sáu, 25/12/2020 - 10:39

(Thanh tra) - Đó là một trong những đề nghị của hội đồng nghiệm thu vào nội dung nghiên cứu đề tài khoa học “Chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC)” của ThS. Nguyễn Sỹ Giao - Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra làm chủ nhiệm.

Ban chủ nhiệm đề tài trình bày nội dung nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo ThS. Nguyễn Sỹ Giao, Luật Thanh tra năm 2010, Luật KN năm 2011, Luật TC năm 2018 và những văn bản dưới luật đã có những quy định liên quan đến chứng cứ và việc thu thập, đánh giá chứng cứ.

“Điều này góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC, qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và tổ chức”- ThS. Giao nhấn mạnh.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện pháp luật thanh tra, giải quyết KN,TC trong thời gian gần đây cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân liên quan đến việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa được triệt để, và pháp luật quy định về chứng cứ chưa đầy đủ, thậm chí có những quy định pháp luật không phù hợp với thực tiễn áp dụng.

Những bất cập, hạn chế nói trên đòi hỏi cấp thiết phải có nghiên cứu, phân tích thấu đáo về lý luận, pháp lý và thực tiễn để đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật, cũng như nâng cao chất lượng thu thập, đánh giá chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC.

Theo kết quả nghiên cứu, đề tài được kết cấu 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề chung về chứng cứ trong hoạt động thanh tra hành chính, giải quyết KN,TC; Chương 2: Pháp luật về chứng cứ và thực tiễn thực hiện quy định pháp luật về chứng cứ trong hoạt động thanh tra hành chính, giải quyết KN,TC; Chương 3: Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng chứng cứ trong hoạt động thanh tra hành chính, giải quyết KN,TC.

Cho ý kiến tại hội nghị, hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu đề tài. Về cơ bản, đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra, làm rõ được những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC.

Để hoàn thiện kết quả nghiên cứu, ông Văn Tiến Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, cho rằng: Vấn đề chứng cứ được quy định ở cả 3 luật: Luật Thanh tra, Luật KN và Luật TC, tuy nhiên, khái niệm về chứng cứ trong các quy định pháp luật này chưa rõ ràng, nên việc nghiên cứu đề tài sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, ban chủ nhiệm đề tài đã nỗ lực, cố gắng và đạt những kết quả tích cực, cụ thể: Về giá trị khoa học, đề tài đã đưa ra được những vấn đề cốt lõi về chứng cứ và thu thập chứng cứ; đánh giá được thực trạng quy định pháp luật về chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC và những tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, đề tài đưa ra được giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả, hiệu lực pháp luật về chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC.

Về giá trị ứng dụng, đề tài đưa ra những giải pháp khá đồng bộ, có tính ứng dụng thực tiễn cao trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC; các kiến nghị mang tính khả thi cao.

Ông Văn Tiến Mai cho rằng, để hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu, tại Chương 1, mục 1.4 với tiêu đề “Những yếu tố ảnh hưởng đến chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC” nên được đổi thành “Những yếu tố ảnh hưởng đến việc thu thập, đánh giá chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC”; cần làm rõ yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan của chứng cứ; Chương 2 cần đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật về chứng cứ, trong đó làm rõ thu thập, xác minh, quản lý, sử dụng chứng cứ của cơ quan thanh tra.

Đồng quan điểm với ý kiến ông Văn Tiến Mai, bà Lê Thị Thúy - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cũng cho rằng, đề tài cần có sự luận giải rõ thêm về nội dung liên quan đến thu thập, xác minh, sử dụng chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC. Bên cạnh đó, đề tài cần luận giải rõ thêm phần giải pháp kiến nghị và gắn với những tồn tại, hạn chế được đưa ra ở Chương 2.

Theo TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học Thanh tra, đây là đề tài khó và tính ứng dụng thực tiễn rất cao, kết quả của đề tài có ý nghĩa thiết thực trong hoạt động nghiệp vụ của ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài cần làm rõ thêm các nguồn chứng cứ và bằng chứng trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC; làm rõ thêm việc sử dụng khái niệm “bằng chứng” hay “chứng cứ” trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC. Trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC cho phép các bên cung cấp chứng cứ, nhưng trong giải quyết tố cáo phải tăng trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, do đó, cần đưa nội dung này vào phần giải pháp, kiến nghị...

Đề tài cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự liên quan đến nội dung nghiên cứu đề tài, như thuộc tính của chứng cứ; sự khác biệt giữa chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC và chứng cứ trong hoạt động tố tụng khác; vấn đề quản lý và sử dụng chứng cứ… Qua đó, ban chủ nhiệm đề tài có thêm cái nhìn đa chiều về vấn đề này.

Kết thúc hội nghị, chủ tịch hội đồng đề nghị chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý của hội đồng và hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, hội đồng thống nhất nghiệm thu đề tài với kết quả đạt loại xuất sắc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm