Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xử lý tham nhũng được quy định rất nghiêm khắc

Thái Hải

Thứ năm, 06/04/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thanh tra Chính phủ (TTCP) khẳng định việc xử lý các hành vi tham nhũng được pháp luật hiện hành quy định xử phạt rất nghiêm khắc, một số hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Ảnh minh họa: Internet

Tự nguyện bồi thường thiệt hại để giảm trách nhiệm hình sự

Trong nội dung gửi đến TTCP, cử tri tỉnh Bình Phước bày tỏ không đồng tình với đề xuất khắc phục hậu quả bằng tiền mặt để giảm án hình sự trong xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu biện pháp thu hồi tài sản phạm tội trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phù hợp, hiệu quả, đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

Trả lời nội dung này, TTCP cho biết việc khắc phục hậu quả bằng tiền để giảm án hình sự trong xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được Bộ luật Hình sự quy định.

Theo đó, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết để giảm trách nhiệm hình sự.

Hoặc người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn... thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Cử tri các địa phương như: Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long kiến nghị TTCP có giải pháp quyết liệt và biện pháp chế tài mạnh hơn, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và đặc biệt là kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng. Giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng; sớm xử lý dứt điểm, triệt để vấn đề tài sản trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam.

TTCP cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước.

TTCP đã gắn công tác PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn.

“Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, trong khi đó, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, khó khăn nhất định” - văn bản nêu.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ luôn xác định PCTN, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

“Cùng với đó, tăng cường, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; tài chính, ngân sách, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia... kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật” - TTCP nhấn mạnh.

Tội tham nhũng có thể xử tử hình

Về việc quy định khung hình phạt cho các hành vi tham nhũng, theo TTCP, pháp luật về PCTN đã quy định khá đầy đủ về xử lý người có hành vi tham nhũng, tùy từng mức độ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.

Riêng đối với hành vi tham nhũng, ngoài Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về các tội phạm tham nhũng (từ Điều 353 - 359).

“Việc xử lý đối với các hành vi này theo quy định pháp luật hiện hành là “rất nghiêm khắc” và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân người có hành vi vi phạm. Một số hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự người vi phạm có thể bị tù chung thân hoặc tử hình” - văn bản nêu.

Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng.

Đáng nói, mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác PCTN của Việt Nam hiện nay.

Tình trạng này chủ yếu là do số tiền thu hồi rất lớn, những người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng…

Ngoài ra, còn có vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, tương trợ tư pháp còn gặp nhiều khó khăn...

Để khắc phục tình trạng thất thoát tài sản, TTCP cho biết, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác PCTN và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tăng cường phối hợp, tích cực chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự... Đặc biệt, TTCP cũng đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

“Xử lý dứt điểm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành.Việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá (so với giá thị trường) nếu có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - văn bản nhấn mạnh.

Quan tâm chỉ đạo hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trực tiếp là các ngành tài chính, xây dựng, tài nguyên và môi trường, tư pháp và các ngành liên quan cần nâng cao trách nhiệm, khẩn trương thực hiện, kết luận, định giá tài sản theo trưng cầu, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản.

Để việc thu hồi tài sản theo bản án, quy định của tòa án đạt hiệu quả, tránh tình trạng tẩu tán tài sản cần phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản bị tẩu tán...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm