Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sau 4 năm "Hồ sơ Panama": Công ty "ma", trốn thuế vẫn là vấn đề cấp bách

Thứ năm, 23/04/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Tháng 4/2016, bê bối "Hồ sơ Panama" bùng nổ đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải chấm dứt sự tồn tại của các công ty "ma". Đến nay, sau 4 năm, đây vẫn là vấn đề nhức nhối.

Ảnh: TI

Panama ngày ấy, bây giờ

“Hồ sơ Panama” được cho là vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử, bao gồm 11,5 triệu tài liệu ghi lại quá trình hoạt động gần 40 năm (1977 đến tháng 12/2015) nằm trong cơ sở dữ liệu nội bộ của Công ty Luật Mossack Fonseca ở Panama - nhà cung cấp dịch vụ tài sản ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới.

Mossack Fonseca hoạt động hợp pháp nhưng luôn bị cho là chuyên cung cấp ngầm các dịch vụ rửa tiền, trốn thuế.

Sau bê bối "Hồ sơ Panama" năm 2016, Panama đã cam kết thực hiện những thay đổi hướng tới minh bạch hóa thông tin tài chính, sau đó đã được Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra khỏi danh sách các “thiên đường thuế” và chuyển sang danh sách theo dõi vào năm 2018.

Tuy nhiên, ngày 18/2 vừa qua, EU đã đưa Panama trở lại danh sách “thiên đường thuế” với nhận định, quốc gia Trung Mỹ này không đáp ứng các xếp hạng “hoàn toàn thích hợp” của Diễn đàn Toàn cầu về Minh bạch và Trao đổi thông tin.

Ngoài ra, theo một thông cáo của Hội đồng Châu Âu (EC), Panama đã không hoàn thành đúng hạn những cải cách về thuế mà họ đã cam kết với EU.

Vài tín hiệu tích cực

Trở lại năm 2016, Liên đoàn Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) tiết lộ những tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca, cho thấy, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường thuế", một mạng lưới công ty "ma" khổng lồ, qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế. Vụ rò rỉ đã gây ra tác động tầm cỡ toàn cầu.

Sau 4 năm, "Hồ sơ Panama" đã được Hollywood dựng thành phim, nhiều nước trên toàn thế giới đã đồng loạt mở các cuộc điều tra trốn thuế. Thủ tướng Iceland phải từ chức…

Năm 2018, cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã bị kết án 10 năm tù và phạt 10,6 triệu USD vì tội tham nhũng có liên quan tới các thông tin tiết lộ trong “Hồ sơ Panama” năm 2016 về những tài sản ở nước ngoài của gia đình ông, gồm 4 căn hộ cao cấp ở London (Anh).

Tòa án Chống tham nhũng quốc gia của Pakistan (NAB) cũng tuyên án phạt 7 năm tù với con gái ông Sharif là Maryam và 1 năm tù với con rể ông Sharif là Muhammad Safdar vì những sai phạm liên quan.

Cùng năm đó, tại Ecuador, các quan chức cấp cao và Giám đốc Điều hành Công ty Dầu khí quốc doanh Petroecuador đã bị bắt giữ sau khi tài liệu rò rỉ tiết lộ các liên kết của họ với kế hoạch hối lộ tại Petroecuador.

Năm 2019, những dữ liệu trong "Hồ sơ Panama" về chủ sở hữu thực sự của các công ty đã giúp Chính phủ các nước thu hồi hơn 1,2 tỷ USD tài sản thông qua các vụ bắt giữ, phạt tiền và kiểm toán.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, công bằng về thuế, công ty "ma" vẫn tiếp tục là vấn đề cấp bách.

Thế giới ngầm của các công ty vỏ bọc

Lạm dụng các công ty vỏ bọc, ẩn danh là một trong những lý do khiến nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức lớn, và nó trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong nhiều năm, các công ty "ma" đã trở thành đất sống của tham nhũng, gian lận và trốn thuế. Điều này đồng nghĩa với thực trạng, thuế và các nguồn lực công lẽ ra dành để phục vụ cải thiện hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe đã không đến đúng đích, hoặc bị biển thủ từ các kho bạc nhà nước.

Lấy ví dụ, châu Phi giàu tài nguyên là khu vực có tăng trưởng kinh tế nhanh thứ 2 thế giới. Tại đây, các khu vực tài phán "bí mật" đã đóng góp tới 50 tỷ USD trong số tài sản quốc gia bị bòn rút mỗi năm.

Kể từ sau "Hồ sơ Panama", sự cần thiết của việc thu thập thông tin về chủ sở hữu thực sự của các công ty ẩn danh đã tạo động lực cho nhiều quốc gia thực hiện cam kết. Đã có một số tín hiệu cho thấy sự tiến bộ, tuy nhiên, tốc độ cải thiện là quá chậm so với tính cấp bách của vấn đề.

11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ là những bản sao hợp đồng, giao dịch ngân hàng và các email trao đổi, cho thấy sự hiện diện của các công ty "ma" trong mạng lưới bí mật tài chính toàn cầu.

Công ty Luật Mossack Fonseca hoạt động tại ít nhất 21 khu vực pháp lý khác nhau, nhưng đều có một đặc điểm chung: Dễ dàng để thành lập một công ty mà không phải tiết lộ danh tính của những cá nhân thực sự đằng sau nó.

Chính quyền ở các quốc gia đó không ghi lại thông tin, cũng như không đặt câu hỏi về vấn đề này. Về lý thuyết, công ty cung cấp dịch vụ là nơi duy nhất có nghĩa vụ xác định và lưu giữ hồ sơ của khách hàng. Tuy nhiên, vụ rò rỉ cho thấy, Mossack Fonseca thường không thực hiện được điều này.

Nhiều khó khăn

Không phải tất cả công ty bình phong trong “tài liệu Panama” là bất hợp pháp hoặc mờ ám. Một số công ty được Mossack Fonseca tư vấn có hoạt động kinh tế thật sự và có khai báo hoặc được lập ra để tham gia đầu tư quốc tế.

Nhưng theo nhóm nhà báo điều tra quốc tế, phần lớn công ty trong hồ sơ được sử dụng để che giấu tài sản dưới tên giả.

Vì thế có thể nói, trong vụ Mossack Fonseca, tiền sạch xen lẫn tiền bẩn, tiền xám (tiền xuất phát từ gian lận thuế) xen lẫn tiền đen (tiền có được từ tham nhũng hoặc của hoạt động tội phạm có tổ chức)...

Những khách hàng của Mossack Fonseca muốn che giấu thân phận và tài sản của mình đều được “bảo mật” bằng nhiều lớp vỏ bọc của 3 - 4 công ty khác nhau đặt ở nhiều nước. Các nhà báo điều tra ví nó như bộ búp bê Matryoshka của Nga để các cơ quan thuế vụ và tư pháp khó lòng lần ra được tên họ đích thực của người nắm giữ số tài sản đó.

Trước khi bê bối "Hồ sơ Panama" nổ ra, cảnh sát đã không dễ dàng trong việc điều tra tội phạm hay quyền sở hữu tài sản thực sự liên quan đến 1 trong những công ty này. Các nhà chức trách ở quốc gia mà công ty được thành lập có thể sẽ phải cần lệnh của tòa án để yêu cầu thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ. Nhiệm vụ điều tra càng trở nên khó khăn hơn khi bê bối xảy ra, bởi các thông tin được cung cấp nhiều khả năng là không chính xác. Các công ty bị điều tra có thể đã bị lật tẩy và dễ dàng tẩu tán tài sản hoặc đóng cửa công ty.

Các nhà điều tra hiện nay gặp khó trong việc thu thập dữ liệu toàn diện, đầy đủ về cách thức thực thi pháp luật và thông tin quyền thụ hưởng.

Theo Maíra Martini - chuyên gia nghiên cứu và chính sách của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI): "Mất vài giây để tiền có thể được chuyển giữa các tài khoản ngân hàng của công ty, nhưng việc xác định ai là người sở hữu thực sự của những công ty liên quan đến các vụ án tham nhũng xuyên biên giới có thể mất tới 1 năm".

Và, chỉ khi nào làm rõ được những cá nhân thực sự đứng đằng sau các công ty thì chúng ta mới có thể vạch trần được tham nhũng và các tội ác khác.

Vấn đề minh bạch quyền thụ hưởng

Dù các vấn đề liên quan đến bí mật của các công ty đã được nhận thức ở cấp độ toàn cầu, nhưng tiến trình thực hiện việc đăng ký quyền thụ hưởng là không đồng đều, nhiều quốc gia không đáp ứng các cam kết của họ.

Nguyên nhân có thể là do các doanh nghiệp tiến hành vận động hành lang mạnh mẽ, do thiếu ý chí chính trị và thiếu năng lực kỹ thuật.

Một nghiên cứu của TI chỉ ra rằng, nhìn chung, mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch quyền thụ hưởng của các quốc gia là thấp, nhiều quốc gia đã không thực hiện các biện pháp cần thiết như thiết lập các sổ đăng ký.

Cũng theo TI, một nghiên cứu khác (sắp được công bố) của Tổ chức Trợ giúp Chống tham nhũng (thuộc TI) cũng cho thấy, hiện nay, hơn 40 quốc gia đã có sổ đăng ký quyền thụ hưởng của cả khu vực công và tư nhân, trong khi, nhiều quốc gia khác đã ban hành các quy tắc nhưng chưa thực hiện việc đăng ký. Đáng nói, chất lượng và tính đầy đủ của thông tin được ghi lại trong sổ đăng ký có sự khác biệt rất lớn.

Tại EU, Hướng dẫn về chống rửa tiền lần thứ 5 đã mở rộng nghĩa vụ đối với tất cả quốc gia thành viên về việc thiết lập các đăng ký quyền thụ hưởng khu vực công vào tháng 1/2020. Phân tích gần đây của Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu cho thấy, đa số các quốc gia đã không thực hiện theo Hướng dẫn này.

Các khu vực pháp lý bí mật cho thấy tiến độ chậm hơn đáng kể trong việc cải thiện tính minh bạch trong quyền sở hữu công ty. Trong khi Anh quốc đã đạt được nhiều tiến bộ nhất trong lĩnh vực này, thì các đảo thuộc Anh là Jersey, Guernsey và Man dù đã thiết lập các sổ đăng ký, nhưng lại chỉ công khai chúng vào năm 2023. Thực trạng này diễn ra tương tự với Quần đảo Virgin (thuộc Mỹ) và Cayman (thuộc Anh).

Trong số 10 "thiên đường thuế" phổ biến nhất trong "Hồ sơ Panama", chỉ có Vương quốc Anh có sổ đăng ký quyền thụ hưởng. Panama gần đây đã thông qua quy định về tạo sổ đăng ký quyền thụ hưởng lĩnh vực tư nhân, nhưng hiệu quả hệ thống mới vẫn còn chưa được khẳng định.

Cần hành động mạnh mẽ

Việc thành lập công ty ở nước ngoài là một hoạt động kinh doanh sinh lợi, được nhiều quốc gia coi là nguồn thu quan trọng. Nhưng đây không thể là một cái cớ để các khu vực pháp lý tiếp tục cho phép và che giấu hành vi "trộm cắp" nguồn tài nguyên của quốc gia khác thông qua tham nhũng và trốn thuế, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang phải đối mặt với 2 mối đe dọa của cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe toàn cầu.

Lực lượng Đặc nhiệm Hành động tài chính (FATF) là tổ chức toàn cầu duy nhất có quyền xử phạt các quốc gia cung cấp nơi trú ẩn cho phép tội phạm và tham nhũng có thể che giấu và rửa sạch số tiền thu được từ các tội ác của chúng. TI và các tổ chức xã hội dân sự quốc tế kêu gọi FATF khẩn trương cải cách tiêu chuẩn toàn cầu và ủy thác xác minh các sổ đăng ký trung tâm về thông tin quyền thụ hưởng. Những sổ đăng ký này phải được công khai, trực tuyến và ở định dạng dữ liệu mở.

Theo TI, đại dịch Covid-19 càng cho thấy rõ nhu cầu cấp thiết phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng lạm dụng các công ty ẩn danh.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.

Công Thắng - Phạm Hoa

21:13 11/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm