Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhận diện các dạng tội phạm đang thao túng mua sắm công ở Mỹ Latin

Thứ sáu, 12/06/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Khi Mỹ Latin nổi lên như một tâm điểm Covid-19 mới của thế giới, tham nhũng đã gia tăng, túi tiền của nhiều chính trị gia và người trung gian nhanh chóng đầy lên ngay trong bối cảnh dịch bệnh.

Cảnh sát Brazil bên ngoài nhà riêng của Thống đốc Rio de Janeiro Wilson Witzel. Ảnh: insightcrime.org

Tại hàng chục quốc gia khác nhau, từ Argentina tới Mexico, các hợp đồng được ký kết để ứng phó với virus corona đã lộ ra những sự bất thường, theo báo cáo mới đây của Hội đồng Luật sư về Quyền dân sự và Kinh tế.

Tổ chức báo chí và điều tra về tội phạm có tổ chức Mỹ Latin và Caribbean - InSight Crime - đã nghiên cứu 3 dạng tội phạm chính đang thao túng các hợp đồng mua sắm công hiện nay. Đó là: Gian lận, thiên vị và thổi giá.

Gian lận

Theo InSight Crime, trước sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc virus corona, chính quyền nhiều quốc gia và địa phương đã vội vàng soạn thảo những hợp đồng để giải quyết các tình huống khẩn cấp về y tế, an ninh và cơ sở hạ tầng.

Nhà thầu và quan chức đã nhanh chóng lợi dụng tình hình để gian lận, biển thủ công quỹ.

Ở Colombia, hơn 300 hợp đồng của chính quyền địa phương đã bị phát hiện có sự bất thường, theo thông tin từ Tạp chí Semana (Colombia) ngày 20/5.

Bài báo của Semana ghi nhận các hợp đồng dư thừa, mua những mặt hàng không cần thiết như radio cầm tay, hợp đồng thuê những người không có kinh nghiệm liên quan (bao gồm cả chủ quán bar được ký hợp đồng để vận chuyển các mẫu xét nghiệm virus corona).

Cuối tháng 5 vừa qua, Tổng Chưởng lý Colombia cho biết, ít nhất 12 thị trưởng sẽ nhận được lệnh bắt giữ vì tham nhũng, nhận hối lộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông không thông tin chi tiết bất kỳ diễn biến nào trong các vụ án. Trước đó, hồi cuối tháng 4, một số thống đốc đã bị điều tra vì những bất thường trong ký kết các hợp đồng.

Chính phủ Brazil đã mở hơn 400 cuộc điều tra về các hợp đồng cứu trợ trong dịch Covid-19. Vào cuối tháng 5, các nhà chức trách nước này đã thực hiện hàng chục lệnh khám xét, trong đó bao gồm đột kích vào nơi cư trú của Thống đốc bang Rio de Janeiro Wilson Witzel vì nghi ngờ biển thủ quỹ xây dựng bệnh viện.

Thiên vị

Các quan chức cũng đang sử dụng hợp đồng dành cho ứng phó với virus corona để tạo điều kiện làm giàu cho những người thân quen với họ.

Điều tra của Tạp chí Semana ở Colombia cho thấy, chính quyền địa phương thường trao hợp đồng cho các cộng sự, người thân hoặc nhà tài trợ chiến dịch.

Còn tại Cộng hòa Dominican, Bộ Y tế đã trao 27 triệu USD trong tổng số tiền 37 triệu USD cung cấp thiết bị cho 1 công ty, theo Hội đông Luật sư và Kênh truyền hình Acento (Dominican). Trong nhiều trường hợp, công ty cũng là nhà thầu duy nhất tham gia các gói hợp đồng được thực hiện chỉ trong vài giờ.

Sau khi có các thông tin phản ánh, Tổng thống Dominican Danilo Medina đã hủy bỏ các hợp đồng này. Đầu tháng 4, ông Medina đã mở một Ủy ban Minh bạch về phản ứng với virus corona.

Ở Paraguay, Báo La Nación cho biết, Bộ Y tế đã trao các hợp đồng cung cấp dược phẩm và thiết bị y tế trị giá hàng chục triệu USD cho những công ty có liên kết với các thành viên gia đình và cộng sự của một doanh nhân duy nhất là Justo Ferreira.  Cuối tháng 5 vừa qua, Văn phòng Tổng chưởng lý Paraguay tuyên bố, đang tiến hành điều tra các hợp đồng bị hủy bỏ, Báo ABC Color cho biết.

Ngày 8/6, các quan chức y tế Paraguay khẳng định các loại thuốc được nhập khẩu bởi những công ty của Ferreira không đạt tiêu chuẩn và sẽ bị tiêu hủy. Trong khi đó, tại một cuộc trả lời phỏng vấn ABC TV Paraguay, doanh nhân Ferreira lên tiếng bảo vệ những hoạt động của mình, cho rằng các công ty của ông chỉ đấu thầu những hợp đồng nhằm mục đích phục vụ người dân Paraguay và ông chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp mình cung cấp.

Theo Julia Yansura, một chuyên gia tài chính tại Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI), hầu hết luật thành lập doanh nghiệp ở Mỹ Latin không yêu cầu một công ty phải tiết lộ chủ sở hữu lợi ích thực sự của mình - những người kiếm lợi từ công ty nhưng tên của họ không được hiển thị. Sự thiếu minh bạch này giúp họ dễ dàng che giấu mối quan hệ không chính đáng. Đây là một vấn đề lớn đã tồn tại từ trước, và nó thực sự nghiêm trọng hơn khi xuất hiện trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh như hiện nay, khi mọi người buộc phải nhanh chóng trong quyết định ký kết các hợp đồng. "Các Chính phủ không chỉ cần phải nắm đầy đủ thông tin mà còn cần phải bảo đảm không có sự thiên vị", ông Yansura nói với InSight Crime.

Thổi giá

Ngoài các hành vi gian lận, thiên vị, chính quyền nhiều nơi ở Mỹ Latin đã mua vật tư y tế với giá cao ngất, lợi nhuận chảy về túi các nhà thầu đã được kết nối và làm giàu cho chính trị gia dưới hình thức "lại quả" cùng các ưu đãi khác.

Tại Bolivia, các nhà chức trách đã bắt giữ Bộ trưởng Y tế Marcelo Navajas vào ngày 20/5 sau khi có những cáo buộc rằng, Chính phủ đã mua 170 máy thở từ một công ty của Tây Ban Nha với giá cao gần gấp 4 lần - hơn 3,5 triệu USD. Trong khi, máy thở đó không phù hợp với các đơn vị chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện ở Bolivia.

Hội đồng Lập pháp Bolivia ngày 18/5 đã có thông cáo báo chí về việc thành lập một ủy ban để điều tra vụ bê bối máy thở. 4 ngày sau đó, Chủ tịch Hạ viện Sergio Choque cáo buộc Chính phủ đã cố gắng đứng ngoài bê bối và nói rằng, Anibal Cruz - người tiền nhiệm của Bộ trưởng Navajas - cũng nên bị điều tra.

Ở Honduras, Chính phủ đã mua các máy xét nghiệm virus corona với giá 100 USD từ 3 người trung gian. Trong khi những người này chỉ mua với giá 4 USD/máy từ Trung Quốc.

Tại Guatemala, Chính phủ mua khẩu trang N95 với giá cao gấp 18 lần so với giá thị trường từ một doanh nhân trước đây từng bị kết án về tội tham nhũng.

Còn tại Ecuador, các kế hoạch thổi giá cao thậm chí còn kinh khủng hơn trong bối cảnh khẩn cấp toàn cầu. 2 bệnh viện đã phải trả quá cao cho các túi đựng xác, tới 568.090 USD, theo như điều tra của InSight Crime.

Trong các vụ việc khác, những lo ngại về hợp đồng tham nhũng và lạm dụng công quỹ đã kìm hãm dòng chảy cứu trợ cần thiết cho các cộng đồng bị ảnh hưởng thực sự.

Quy mô chính xác của gian lận trong các hợp đồng mua sắm và chi tiêu công là rất khó ước tính. Tuy nhiên, một điều rõ ràng có thể thấy là khi các trường hợp mắc bệnh và số ca tử vong vì Covid-19 tăng lên trên khắp châu Mỹ Latin, tham nhũng trong lĩnh vực y tế công sẽ tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng, làm cạn kiệt nguồn vốn của Chính phủ và ngăn cản nguồn cung cấp y tế tiếp cận được với những người thực sự cần chúng.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm