Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 05/12/2022 - 19:16
(Thanh tra) - Trung ương Đảng yêu cầu quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý.
Toàn cảnh hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đầu cầu Trung ương - Nhà Quốc hội. Ảnh: Đ.X
Ngày 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Hội nghị diễn ra trong 2,5 ngày, được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương tại Thủ đô Hà Nội đến hơn 11.600 điểm trên cả nước.
Trong ngày đầu tiên, các đại biểu nghe 2 chuyên đề: Nghị quyết 27 “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới” và Nghị quyết 28 “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, trách nhiệm
Truyền đạt chuyên đề về Nghị quyết 27, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, đây là lần đầu tiên một nghị quyết Trung ương xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. “Đây là điểm mới, nổi bật của nghị quyết lần này”, ông Trạc nhấn mạnh.
Trung ương đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. “Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước”, ông Phan Đình Trạc nói.
Theo ông Trạc, Trung ương yêu cầu quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý.
“Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Cho nên, chúng ta kiểm soát quyền lực chính là ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.
Cạnh đó, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; bảo đảm sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan Nhà nước…
Ông Trạc cũng đề cập đến yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
“Nghị quyết đặt ra nhưng nghiên cứu rất công phu, đòi hỏi phù hợp với thể chế chính trị, thực tiễn của nước ta”, ông Phan Đình Trạc chia sẻ.
Giải pháp nữa được ông Trạc nhấn mạnh là thực hiện “4 không” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ nhất, “không thể”, tức là hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng.
Thứ hai, phát hiện xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để “không dám” tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức để “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực.
Đánh giá cán bộ không chỉ dựa trên hồ sơ mà phải nhiều chiều
Truyền đạt chuyên đề về Nghị quyết 28, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, Trung ương đề ra 3 quan điểm, 3 mục tiêu về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng với hệ thống chính trị.
6 nhiệm vụ, giải pháp cũng được Trung ương đề ra, trong đó yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ.
Bà Mai cho hay, Trung ương yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” phải được vận hành thông suốt.
Cạnh đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.
Đặc biệt, theo bà Mai, Trung ương yêu cầu “khắc phục tình trạng cấp dưới hỏi cấp trên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung không rõ trách nhiệm khi có vướng mắc… Hoàn thiện cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhất là trong các cơ quan quản lý Nhà nước, những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ lạm dụng quyền lực”.
Trong công tác cán bộ thì phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
Bà Mai cũng đề cập đến việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị. “Sắp tới sẽ có chính sách riêng để sử dụng, trọng dụng nhân tài tốt hơn, để làm sao cán bộ trẻ có năng lực nổi trội có thể đi nhanh hơn, bảo đảm đóng góp cho Đảng, cho đất nước”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, nhân tài là một trong những yếu tố rất quan trọng.
Đi cùng với trọng dụng nhân tài, Trung ương yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.
Giải pháp nữa là đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều. Theo bà Mai, bổ nhiệm 1 cán bộ nếu chỉ dựa trên hồ sơ thì không đánh giá được thực chất mà phải xem xét nhiều chiều.
Ngoài ra, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp phó, cán bộ dưới quyền trực tiếp tiêu cực, tham nhũng. “Làm được không? Nghị quyết nói rồi phải làm, không làm không được, đây là điểm mới, cần phải quan tâm”, bà Mai cũng nhấn mạnh, phải thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở cán bộ, đừng để người ta vi phạm, 6 tháng sau mới nói.
Trong ngày 6/12, các đại biểu tham dự nghe 2 chuyên đề: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Sau đó, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng sẽ phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị.
8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
- Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
- Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
- Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật.
- Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
- Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
- Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán.
- Độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
- Tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.
Bùi Bình
17:18 03/12/2024Bùi Bình
09:05 29/11/2024Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình