Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ sáu, 30/04/2021 - 06:36
(Thanh tra)- Cơ quan Chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu (GRECO) đánh giá, các khuôn khổ pháp lý và thể chế để chống tham nhũng vẫn chưa đủ. Chính phủ các quốc gia thành viên cần tăng cường nỗ lực để ngăn chặn rủi ro tham nhũng trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
Ảnh: Council of Europe
Không được đánh giá thấp nguy cơ tham nhũng
Trong báo cáo thường niên lần thứ 21 (năm 2020) có tên: "Các xu hướng chống tham nhũng, thách thức và thực hành tốt ở châu Âu và Hoa Kỳ", công bố mới đây, GRECO đã nêu bật những xu hướng chính rút ra từ các đánh giá và khuyến nghị của GRECO; đồng thời, đưa ra các ví dụ về thực hành tốt và cho thấy tình hình liên quan đến mức độ thực hiện các khuyến nghị của GRECO của các quốc gia thành viên.
GRECO cho rằng, các Chính phủ nên quản lý chặt chẽ những nguy cơ tham nhũng xuất hiện trong bối cảnh thực hiện các biện pháp đặc biệt để chống lại đại dịch COVID-19.
GRECO nhấn mạnh, trong hơn 1 năm qua, các quốc gia phải đối mặt với những tình huống khẩn cấp không thể phủ nhận, sự tập trung quyền lực, sự vi phạm các quyền và tự do cơ bản cũng được ghi nhận. Khi một lượng lớn tiền được bơm vào nền kinh tế để giảm bớt khủng hoảng (cả ở hiện tại và trong tương lai gần), thì không được đánh giá thấp nguy cơ tham nhũng.
Những nguy cơ này có thể đặc biệt rõ ràng đối với hệ thống mua sắm công khi liên quan đến các vấn đề như xung đột lợi ích và vai trò của vận động hành lang.
Bởi vậy, điều quan trọng nhất là chống tham nhũng phải được sắp xếp hợp lý trong tất cả quy trình phản ứng COVID-19 nói riêng, và các quy trình liên quan đến đại dịch nói chung.
Tổng Thư ký GRECO Marija Pejčinović Burić cho biết: “Trong những thời điểm thách thức mà chúng ta phải đối mặt, các Chính phủ cần tăng cường nỗ lực để đảm bảo rằng, tất cả chính sách và hành động nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng đều đáp ứng những tiêu chuẩn chống tham nhũng. Các khuôn khổ pháp lý và thể chế để chống tham nhũng vẫn chưa đủ. Chúng ta phải thấy những tiêu chuẩn này được áp dụng hiệu quả trong thực tế, và các Chính phủ phải hành động với sự minh bạch, trách nhiệm giải trình".
3 tiêu chí cần ghi nhớ khi phân phối quỹ dành cho ứng phó đại dịch
Hội đồng châu Âu cảnh báo, các quốc gia phải áp dụng 3 tiêu chí: "MINH BẠCH, GIÁM SÁT và TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH" đối với các khoản tiền mặt lớn nhận được để ứng phó với đại dịch, bao gồm cả tiền từ quỹ phục hồi của chính EU.
Theo Chủ tịch GRECO Marin Mrčela, khi bạn có một khoản tiền lớn được giải ngân nhanh chóng, trước các vấn đề mua sắm công quy mô lớn, vấn đề vắc xin và hộ chiếu vắc xin, "điều rất quan trọng là bạn phải ghi nhớ 3 tiêu chí nêu trên".
Không nên xem cuộc chiến chống tham nhũng là tách rời, thậm chí đối lập với tư pháp độc lập
Năm 2020, GRECO đã ban hành Hướng dẫn chi tiết cho các quốc gia về quản lý rủi ro tham nhũng trong bối cảnh COVID-19. Trong báo cáo, Chủ tịch GRECO Marin Mrčela kêu gọi tất cả quốc gia thành viên tuân thủ chặt chẽ Hướng dẫn này.
Dựa trên kết quả công việc của GRECO vào năm 2020, Chủ tịch GRECO cũng lấy làm tiếc rằng, ở một số quốc gia thành viên có “những nỗ lực trắng trợn” của cơ quan hành pháp và/ hoặc lập pháp nhằm mục đích tấn công, đe dọa hoặc khuất phục cơ quan tư pháp.
“Khi xem xét các biện pháp phòng chống tham nhũng, chúng ta phải ghi nhớ rằng, không nên xem cuộc chiến chống tham nhũng (1) là tách rời, thậm chí đối lập với tư pháp độc lập (2). Điều số 1 là cần thiết cho điều thứ 2 và ngược lại”, ông nói thêm.
Báo cáo cũng đánh giá các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng được thực hiện ở các quốc gia thành viên của GRECO vào năm 2020 tại Vòng đánh giá thứ 4 (liên quan đến các nghị sĩ, thẩm phán, công tố viên) và Vòng đánh giá thứ 5 (tập trung vào các chính quyền trung ương - bao gồm các chức năng hành pháp cao nhất - và các cơ quan thực thi pháp luật).
Theo kết quả đánh giá, đến cuối năm 2020, các quốc gia thành viên của GRECO đã thực hiện đầy đủ gần 40% các khuyến nghị để ngăn ngừa tham nhũng đối với các nghị sĩ, thẩm phán và công tố viên. Các khuyến nghị có mức độ tuân thủ thấp nhất là khuyến nghị được đưa ra đối với nghị sĩ (chỉ 30% được thực hiện đầy đủ), tiếp theo là thẩm phán (41%) và công tố viên (47%).
Báo cáo cũng nhấn mạnh việc chống tham nhũng và tôn trọng pháp quyền đi đôi với nhau như thế nào, đồng thời không bao giờ được làm suy yếu tính độc lập của pháp quyền và tư pháp dưới danh nghĩa chống tham nhũng.
Một năm đầy khó khăn của GRECO
Trong lời mở đầu báo cáo, ông Marin MRČELA, Phó Chánh án Tòa Tối cao Croatia, Chủ tịch GRECO thừa nhận, năm qua, đại dịch COVID-19 đã có tác động không thể phủ nhận đối với công việc của nhóm. Không có chuyến làm việc trực tiếp nào được thực hiện vào năm 2020, trong khi, việc giám sát tại chỗ là không thể thiếu cho các đánh giá.
Thay vào đó, GRECO đã tiến hành gặp gỡ từ xa và thông qua 6 báo cáo đánh giá, 28 báo cáo tuân thủ và 1 báo cáo theo dõi đột xuất.
"Chúng tôi sẽ lên kế hoạch thực hiện các chuyến làm việc tại chỗ ngay khi các hạn chế được dỡ bỏ", Chủ tịch GRECO cho biết và khẳng định, "bất chấp hoàn cảnh, GRECO vẫn là cơ quan chống tham nhũng hoạt động hiệu quả nhất ở cấp độ quốc tế".
Chủ tịch GRECO nhận định, xu hướng tích cực của các quốc gia thành viên cho phép xuất bản các báo cáo của GRECO tiếp tục là một phương tiện vô giá để nâng cao nhận thức về các vấn đề được nhóm kiểm tra và các giải pháp mà các quốc gia thành viên áp dụng để thực hiện những khuyến nghị của nhóm.
Năm 2020 cũng là một năm tăng trưởng của GRECO cả về số lượng tham gia và ngân sách khi chứng kiến Kazakhstan là quốc gia thành viên thứ 50 của GRECO, sự tham gia của Liên minh châu Âu với tư cách là quan sát viên, và sự quan tâm của Tunisia - đất nước được mời tham gia GRECO cách đây 3 năm.
Theo báo cáo, năm 2020 cũng chứng kiến tình trạng tấn công cơ quan tư pháp và thực thi pháp luật hoặc lợi dụng điều này cho các mục đích chính trị đảng phái, bịt miệng hoặc quấy rối các nhà báo hay bất kỳ ai có quan điểm khác, cản trở những người thổi còi, lan truyền "tin giả" và lợi dụng mạng xã hội để nhân rộng thông điệp...
"Chúng ta cần các Chính phủ hành động phù hợp với những tiêu chuẩn đã được thống nhất trong 70 năm qua và Vòng đánh giá thứ 5 của GRECO là chìa khóa để nhắc nhở các quốc gia thành viên về các cam kết của họ cũng như nêu bật lộ trình hành động tốt nhất trong các lĩnh vực này", báo cáo nhấn mạnh.
Những vấn đề trọng tâm của Vòng đánh giá thứ 5
Vòng đánh giá thứ 5 của GRECO hiện đang được tiến hành. Tính đến cuối năm 2020, tổng số 21 đánh giá của Vòng thứ 5 đã được thực hiện.
Vòng đánh giá thứ 5 đề cập đến hai nhóm đối tượng: Chính quyền trung ương, bao gồm những người có chức năng điều hành hàng đầu (PTEF) và cơ quan thực thi pháp luật.
Hai nhóm được GRECO lựa chọn khác nhau về phạm vi và quyền hạn, nhưng khả năng duy trì và thể hiện tính liêm chính, cũng như năng lực đối phó với các rủi ro liên quan đến tham nhũng nội bộ là rất quan trọng đối với sự vận hành đúng đắn của các nền dân chủ dựa trên những giá trị cơ bản của nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền con người.
Theo GRECO, nên bắt đầu với những người có chức năng điều hành hàng đầu, những người nên nêu gương khi nói đến tính liêm chính. Không phân biệt sự khác biệt về hình thức chính phủ và truyền thống, GRECO tập trung vào 6 đề mục chính sau:
- Chính sách chống tham nhũng và liêm chính, khuôn khổ pháp lý và thể chế;
- Minh bạch và giám sát các hoạt động điều hành của chính quyền trung ương;
- Xung đột lợi ích;
- Cấm hoặc hạn chế một số hoạt động nhất định;
- Kê khai tài sản, thu nhập, công nợ và lợi tức;
- Cơ chế giải trình và thực thi.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.
Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024(Thanh tra) - Bộ Chính trị đề nghị Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ là các ông Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh. Còn nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc do bị bệnh nặng nên chưa xem xét kỷ luật.
Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Phương Hiếu
21:34 22/08/2024Hương Giang
19:26 14/08/2024Hương Giang
15:49 03/08/2024Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải