Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Chính trị ra quy định mới về kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng trong công tác cán bộ

Hương Giang

Thứ năm, 20/07/2023 - 20:52

(Thanh tra) - Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ của Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị quy định rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, cũng như 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ. Ảnh minh họa: Hương Giang

Với 16 điều, Quy định 114 quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.

Rõ hành vi lợi dụng chức vụ trong công tác tác bộ

8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ đã được quy định rõ. Cụ thể gồm:

1. Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

2. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

3. Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

4. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.

5. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

6. Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thoả hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

7. Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

8. Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

6 hành vi chạy chức, chạy quyền

Quy định 114 cũng quy định rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, gồm:

1. Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

2. Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.

3. Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

4. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

5. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân.

6. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Ngoài ra, gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự; Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ… cũng là hành vi tiêu cực.

Chuyển đổi vị trí cán bộ có dư luận xấu

Quy định 114 quy định trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; người đứng đầu các cơ quan tham mưu; cán bộ tham mưu trong kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Trong đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu, cơ quan cấp dưới và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm.

Cạnh đó, phải bảo vệ, khen thưởng kịp thời cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ; chuyển đổi vị trí công tác, địa bàn, lĩnh vực đối với cán bộ tham mưu, theo dõi, phụ trách công tác cán bộ vi phạm kỷ luật, có dư luận xấu hoặc khi cần thiết…

Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không được bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cũng không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh: Người đứng đầu cấp uỷ đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

“Trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp uỷ cấp trên trực tiếp trước khi bố trí.

Đối với chức danh thuộc diện cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh thuộc diện Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền”, Quy định 114 nêu rõ.

Vẫn theo quy định của Bộ Chính trị, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo khi có thông báo nghỉ hưu, thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đang bị xem xét kỷ luật, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo phải báo cáo và được sự đồng ý của thường trực cấp uỷ cấp trên trực tiếp (hoặc cấp uỷ cấp trên trực tiếp đối với những tổ chức đảng không có thường trực cấp uỷ) trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ. Với người đứng đầu là cán bộ diện Trung ương quản lý phải báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương.

Quy định 114 thay thế Quy định số 205 được ban hành từ năm 2019 của Bộ Chính trị.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm Quy định 114 thì cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý sau:

Bị khiển trách thì sau thời hạn ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm. Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Bị cách chức thì sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Với các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm thì chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm