Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 03/09/2021 - 06:36
(Thanh tra)- COVID-19 đã chứng minh năng lực của các Chính phủ trong việc ứng phó với một cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn với sự linh hoạt, đổi mới và quyết tâm phi thường. Tuy nhiên, những bằng chứng mới nổi cũng cho thấy, Chính phủ các nước cần phải làm nhiều hơn nữa để tăng cường khả năng phục hồi. Đáng lo ngại, nhiều hành động có thể làm suy yếu tính minh bạch, giảm sút lòng tin của người dân đối với Chính phủ.
Lòng tin và tính minh bạch có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh các quy định hạn chế về quyền tự do đi lại. Ảnh: GoodIdeas/stock
Bài học về tính minh bạch và lòng tin
Theo một báo cáo mới công bố, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết, một trong những bài học lớn nhất từ đại dịch là các Chính phủ sẽ cần ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai ở tốc độ nhanh và quy mô rộng lớn, trong khi vẫn phải bảo đảm tính minh bạch và lòng tin.
OECD nhận định, phần lớn các Chính phủ đã nhanh chóng có hành động đáng kể trong những tình huống "chưa từng có tiền lệ" để bảo vệ cuộc sống và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp cũng như người dân.
Đại dịch đã nhấn mạnh mức độ tin cậy và tính minh bạch quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh các hạn chế nghiêm trọng về quyền tự do đi lại. Niềm tin và minh bạch là điều cốt yếu để mọi người hiểu và tuân thủ các biện pháp đặc biệt trong những thời điểm bất thường. Chúng cũng là chìa khóa giúp xã hội có khả năng thích ứng và chống lại các cú sốc.
Báo cáo của OECD còn cho thấy, nhiều Chính phủ đã hành động với các tiêu chuẩn thấp hơn về tham vấn, minh bạch, giám sát hoặc kiểm soát đối với các quy trình trong COVID-19.
Hàng nghìn quy định khẩn cấp đã được đưa ra, thường được thực hiện nhanh chóng và không thể tránh khỏi việc cắt giảm một số tiêu chuẩn. Theo OECD, điều quan trọng là việc cắt giảm này phải được giới hạn về phạm vi và thời gian để tránh làm tổn hại đến nhận thức của người dân về năng lực, tính công khai, minh bạch và công bằng của Chính phủ.
3 lĩnh vực cần quan tâm
OECD cho rằng, để tăng cường lòng tin, tính minh bạch, cũng như bảo vệ nền dân chủ, các Chính phủ cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng:
Đầu tiên, phải giải quyết tình trạng thông tin sai sự thật.
Luồng thông tin giữa Chính phủ, công dân và các bên liên quan là một phần cần thiết của các xã hội mở và hòa nhập. Tuy nhiên, khả năng được hưởng lợi và chia sẻ thông tin chính xác của người dân bị suy giảm bởi sự gia tăng các nội dung sai sự thật, gây hiểu lầm, cả trực tuyến và ngoại tuyến.
Do đó, OECD nhấn mạnh, các Chính phủ phải nâng tầm quan trọng của truyền thông công cộng đối với việc thúc đẩy tính minh bạch và chống lại thông tin sai sự thật.
Năm 2020, trong sự bùng phát của COVID-19, lòng tin của người dân ở các nước OECD đối với Chính phủ đã tăng lên, nhưng cũng chỉ đạt 51%, và nhiều người dân cũng như các nhóm xã hội đang tách khỏi các quy trình dân chủ truyền thống. Điều này là do tác động bởi thông tin sai sự thật và thông tin xuyên tạc.
Mặc dù vấn đề đã có trước COVID-19, tuy nhiên, làn sóng thông tin lừa đảo và không đúng sự thật trong bối cảnh khủng hoảng gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
Ngay từ đầu đại dịch, thông tin sai sự thật đã làm suy yếu các chính sách và biện pháp y tế của các Chính phủ bằng cách gây nhầm lẫn và nhấn chìm các thông điệp chính thức, làm trầm trọng thêm tình trạng do dự vắc xin và thách thức các nỗ lực kiểm soát đại dịch.
OECD cảnh báo, nhiều quốc gia có thể thiếu khuôn khổ pháp luật đầy đủ để đối phó với vấn đề thông tin sai sự thật. Vào năm 2019, chỉ có 11 trong số 27 quốc gia thuộc Trung tâm Phát triển OECD có chính sách hoặc khuôn khổ để hướng dẫn phản ứng của họ đối với thông tin sai sự thật và thông tin xuyên tạc.
Thứ hai, tăng cường tính đại diện và sự tham gia của người dân một cách công bằng và minh bạch.
Các Chính phủ phải tìm cách thúc đẩy sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cả lực lượng lao động công; hỗ trợ sự đại diện của những người trẻ tuổi trong các hoạt động công và tham gia ý kiến để xây dựng chính sách.
Theo OECD, các Chính phủ phải nâng cao tính công bằng và sự tham gia của người dân trong quá trình lấy ý kiến và xây dựng chính sách, đồng thời tạo sân chơi bình đẳng trong vận động hành lang.
Theo số liệu từ báo cáo, chưa đến một nửa số quốc gia có yêu cầu về tính minh bạch đối với hầu hết các đối tượng thường xuyên tham gia vận động hành lang.
Thứ ba, tăng cường quản trị phải được ưu tiên để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Năm 2018, chỉ một nửa số quốc gia OECD có cơ quan Chính phủ có nhiệm vụ xác định các cuộc khủng hoảng mới, không thể dự đoán trước được hoặc phức tạp. Hầu hết các quốc gia cung cấp thông tin đều không có dữ liệu đầy đủ cho chính quyền trung ương, và khoảng 1/5 trong số đó lấy thông tin từ việc đồng ý theo chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan công quyền trong từng vụ việc cụ thể.
Các Chính phủ thường điều chỉnh hướng đi, bằng cách phát triển nhanh chóng các hệ thống và biện pháp phản ứng mới. Tuy nhiên, việc thiếu kế hoạch và tầm nhìn xa vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Để phù hợp với tương lai và đảm bảo nền tảng của dân chủ, các Chính phủ phải sẵn sàng hành động nhanh chóng và quy mô, đồng thời bảo vệ lòng tin và tính minh bạch.
Một số dữ liệu nổi bật
Báo cáo của OECD "Government at a Glance 2021" cung cấp bằng chứng có thể so sánh quốc tế về hoạt động của khu vực công trước khi bùng phát COVID-19, cũng như tập trung đặc biệt vào những thay đổi được thực hiện đối với các quy trình của chính phủ để ứng phó với đại dịch. Qua đó, chỉ ra bài học cho các Chính phủ trong việc phục hồi và cải thiện công tác quản lý các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Dưới đây là một số dữ liệu nổi bật từ báo cáo:
- Tài chính công đang chịu áp lực từ COVID-19 và các phản ứng của Chính phủ.
Chi tiêu chung của Chính phủ các thành viên OECD đạt trung bình 40,8% GDP vào năm 2019. Năm 2020, chi tiêu theo tỷ trọng GDP tăng ở tất cả 26 quốc gia có dữ liệu, do các phản ứng của COVID-19 và GDP giảm.
Tổng thu nhập của Chính phủ đạt trung bình 37,7% GDP trên toàn OECD vào năm 2019. Trong số 26 quốc gia có dữ liệu, 24 quốc gia đã chứng kiến thu nhập bình quân đầu người thực tế giảm vào năm 2020 do các nền kinh tế thu hẹp. Tại 13 quốc gia, thu nhập bình quân đầu người giảm hơn 5%.
Thâm hụt đã tăng lên do các phản ứng COVID-19. Thâm hụt tài khóa ở các nước OECD trung bình là 3,2% GDP vào năm 2019. Tất cả 26 quốc gia được cung cấp dữ liệu cho năm 2020 đều có thâm hụt ngân sách cao hơn năm 2019; 18 nước thâm hụt hơn 5% GDP.
Nợ công cũng ghi nhận tăng: Trong 22 quốc gia là thành viên EU và OECD, tổng nợ của Chính phủ đã tăng từ 97% GDP vào năm 2019 lên 115% vào năm 2020.
- Sự gia tăng lòng tin trong ngắn hạn vào Chính phủ do tác động của đại dịch có thể không kéo dài.
Năm 2020, 51% người dân ở các nước OECD bày tỏ sự tin tưởng vào Chính phủ của họ, tăng 6,3 điểm phần trăm (p.p) so với năm 2007 và 6 p.p. so với năm 2019. Tuy nhiên, tại 18/22 quốc gia OECD có thông tin sẵn có, mức độ tin tưởng đã giảm trong khoảng thời gian từ tháng 4, 5 đến tháng 6, 7 năm 2020, cho thấy hiệu ứng gia tăng này có thể nhanh chóng mờ đi.
Sự tin tưởng có khác nhau giữa các tổ chức: Bình quân 72% tin tưởng cảnh sát, 49% tin tưởng vào dịch vụ dân sự, 37% tin tưởng Chính phủ và khoảng 1/3 tin tưởng Quốc hội.
- Điều chỉnh các hoạt động tham vấn và tăng cường sự tham gia của cộng đồng có thể cải thiện tính minh bạch và sự tin tưởng vào các tổ chức công.
Vào năm 2020, 27 trong số 32 (85%) quốc gia OECD có cổng thông tin với sự tham gia của toàn Chính phủ - nơi tất cả các bộ, ngành trung ương/liên bang công bố các cơ hội tham vấn và tham gia. Trong đó, 38% có một vài cổng thông tin và 47% có một cổng thông tin duy nhất.
Việc sử dụng tham vấn trực tuyến trong hoạch định quy định chính sách đã gia tăng kể từ năm 2017; từ 35% lên 62% các quốc gia OECD tham vấn giai đoạn đầu và từ 41% lên 57% các quốc gia tham vấn giai đoạn muộn.
Năm 2020, 20 trong số 24 (87%) quốc gia OECD có chiến lược giảm thiểu rủi ro về liêm chính công, đặc biệt là tham nhũng. Tuy nhiên, chỉ có 8 trong số 20 (40%) các chiến lược liêm chính được tham vấn giữa các Chính phủ và cộng đồng.
Đức Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.
Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024(Thanh tra) - Bộ Chính trị đề nghị Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ là các ông Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh. Còn nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc do bị bệnh nặng nên chưa xem xét kỷ luật.
Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Phương Hiếu
21:34 22/08/2024Hương Giang
19:26 14/08/2024Hương Giang
15:49 03/08/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương