Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

16 đơn/vụ phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức

Mạnh Hùng

Thứ tư, 09/09/2020 - 11:23

(Thanh tra) - Con số này được đề cập trong báo cáo tình hình giải quyết phản ánh, kiến nghị và bảo vệ người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn từ 01/01/2015 đến 31/12/2019) của UBND tỉnh Bình Định, ngày 31/8/2020.

Ảnh minh họa: Internet

Tiếp nhận, xử lý 5.704 đơn phản ánh, kiến nghị

Trong giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến 31/12/2019, các cấp, các ngành của tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 5.704 đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua phân loại, xử lý có 5.229 đơn/vụ phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp (chiếm tỷ lệ 91,67%). Đến nay, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh đã giải quyết xong 5.201 vụ, đạt tỷ lệ 99,46%, trong đó: Phản ánh, kiến nghị đúng 1.736 vụ, chiếm tỷ lệ 33,38%; phản ánh, kiến nghị sai 1.944 vụ, chiếm tỷ lệ 37,38%; phản ánh, kiến nghị đúng một phần 1.521 vụ, chiếm tỷ lệ 29,24%.

Đáng chú ý, trong tổng số 5.704 đơn phản ánh, kiến nghị được các cấp, các ngành thuộc tỉnh tiếp nhận, xử lý trong kỳ, có 16 đơn/vụ phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức (chiếm tỷ lệ 0,28%). Trong số 16 đơn/vụ phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, qua xem xét, xử lý, có 06 vụ (chiếm tỷ lệ 37,5%) thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Đến nay, thủ trưởng các ngành, địa phương đã chỉ đạo giải quyết xong 06/6 vụ, đạt tỷ lệ 100%; cụ thể: Phản ánh, kiến nghị đúng 05 vụ, chiếm tỷ lệ 83,33%; phản ánh, kiến nghị sai 01 vụ, chiếm tỷ lệ 16,67%.

Theo nhận định, bình luận của UBND tỉnh, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau (qua tổ chức tiếp công dân; qua đơn, thư; qua điện thoại; qua cổng thông tin điện tử…). Nội dung phản ánh, kiến nghị đa dạng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong khi đó, cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ và thường xuyên thay đổi, nhất là cấp xã nên việc tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, thiếu sót.

Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị, theo đó quy định cơ quan thanh tra Nhà nước các cấp có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp trong việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị. Tuy nhiên, đối với đơn phản ánh, kiến nghị, pháp luật hiện hành cũng không quy định về thời hạn giải quyết nên việc giải quyết vụ việc phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do đó, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không giải quyết các phản ánh, kiến nghị hoặc giải quyết vụ việc kéo dài nhưng vẫn chưa có biện pháp, chế tài để xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ chỉ quy định báo cáo kết quả giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, chưa quy định, hướng dẫn cụ thể việc phân loại, tổng hợp và báo cáo kết quả giải quyết đối với các loại đơn phản ánh, kiến nghị, nên công tác theo dõi, phân loại, tổng hợp, đánh giá kết quả giải quyết vụ việc gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

     

Kết quả xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức

Số vụ việc phản ánh, kiến nghị được xử lý, giải quyết: 06 vụ việc.

Số liệu về kết quả thi hành kết luận giải quyết, phản ánh, kiến nghị: 06 vụ việc đã thực hiện xong; trong đó: Về xử lý hành chính có 04/6 vụ (chiếm tỷ lệ 66,67%); cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật 03 cá nhân. Về hình sự có 02/6 vụ, (chiếm tỷ lệ 33,33%), cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố để điều tra làm rõ 03 bị can có liên quan.

Hạn chế, vướng mắc chủ yếu

UBND tỉnh Bình Định đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức còn một số hạn chế, vướng mắc, cụ thể như:

Nhận thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói chung và phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức nói riêng, của tổ chức, công dân chưa đầy đủ nên thực hiện việc phản ánh, kiến nghị phần lớn thiếu chứng cứ, chưa đúng theo quy định (không ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ hoặc mạo danh, nặc danh...), do đó không đủ cơ sở để xem xét, thụ lý và gây nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xác minh khi giải quyết vụ việc.

Việc phân loại, xử lý giữa đơn tố cáo với đơn phản ánh, kiến nghị nói chung và liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức nói riêng ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự rõ ràng, đúng quy định, dẫn đến việc tham mưu, thụ lý và giải quyết vụ việc chưa bảo đảm chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Một số vụ phản ánh, kiến nghị về tham nhũng tiêu cực của cán bộ, công chức sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cán bộ, công chức nhưng kết luận của cơ quan có thẩm quyền có trường hợp còn chung chung, chưa đặt vấn đề xử lý đối với những chủ thể lợi dụng tố cáo, phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực để vu khống, xuyên tạc cán bộ, công chức.

Một vài đề xuất nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức

Theo UBND tỉnh Bình Định, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức có liên quan trong việc tiếp công dân, thực hiện việc tiếp nhận, phân loại xử lý và giải quyết phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức cần xác định đúng về hình thức và nội dung của vụ việc để vận dụng đúng các trình tự, thủ tục của pháp luật hiện hành có liên quan khi thụ lý giải quyết.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân; đồng thời tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan nhằm góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, tạo điều kiện cho tổ chức, công dân và cán bộ, công chức biết thực hiện đúng quy định.

UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định riêng, hoặc Thanh tra Chính phủ ban hành văn bản để hướng dẫn về nội dung, hình thức, cũng như trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị nói chung (như Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 24/02/2008 về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính). Đồng thời, xem xét, bổ sung nội dung báo cáo kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân vào Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 của Thanh tra Chính phủ để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.

Công Thắng - Phạm Hoa

21:13 11/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm