Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Học online, nhiều phụ huynh phải mua sách... "chui"

Hải Hà

Thứ hai, 13/09/2021 - 16:59

(Thanh tra) - Hà Nội đang trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định, cửa hàng sách, văn phòng phẩm không phải là mặt hàng thiết yếu nên phải đóng cửa. Nhiều phụ huynh muốn mua sách, vở, đồ dùng học tập cho con phải “xoay” đủ cách, kể cả chấp nhận mua... "chui".

Học sinh Hà Nội đã bắt đầu học online được 1 tuần, nhưng phụ huynh vẫn chưa mua đủ sách, vở cho con, nhiều người phải chấp nhận mua... "chui". Ảnh: HH

Thời điểm này, hàng triệu học sinh trên cả nước đã bước vào năm học mới được 1 tuần. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD&ĐT) chỉ đạo căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị, trường học chủ động, linh hoạt tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 học online.

Để duy trì việc học trực tuyến bên cạnh máy tính, sóng wifi thì sách giáo khoa, vở viết hay đồ dùng học tập là những vật dụng không thể thiếu. Với học sinh bậc THCS, THPT phụ huynh có thể chủ động mua cho con từ sớm, nhưng với học sinh lớp 1, 2, 6 - 3 khối lớp học theo chương trình mới với nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau thì việc chọn mua sách gì, vở nào, đồ dùng học tập ra sao để đúng với yêu cầu của cô giáo và nhà trường là điều không dễ.

Cận kề năm học mới, cũng là khoảng thời gian Hà Nội đang trong những ngày giãn cách xã hội khiến phụ huynh gặp không ít khó khăn. Chị T.T.H (Thanh Trì, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 đã phải mất nhiều ngày "xoay" tìm mua vở luyện viết và đồ dùng học tập cho con mà vẫn… thiếu.

Chị H chia sẻ: Buổi làm quen với lớp học cô giáo yêu cầu phụ huynh chuẩn bị màu sáp, túi giấy thủ công có đề can, bảng con, phấn trắng... nhưng các cửa hàng sách, văn phòng phẩm đều đóng cửa, tôi chỉ còn cách mua online. Khó khăn nhất là tìm mua cuốn luyện viết, tìm khắp các cửa hàng vẫn không có cuốn như mẫu cô giáo gửi, cuối cùng tôi đành chấp nhận in tạm cho con tập viết để theo kịp các bạn.

Không chỉ chị H mà nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Chị N.M.H (Hà Đông, Hà Nội) muốn mua vở luyện viết lớp 1 theo mẫu cô giáo gửi, tìm trên các trang bán hàng online Shopee, Tiki không có, chị N.M.H gọi điện đến các cửa hàng văn phòng phẩm đặt mua, nhưng đều nhận được câu trả lời... “hết rồi”.

Lo con bước vào năm học mới không có đủ sách vở và đồ dùng học tập sẽ không theo kịp bạn bè, chị N.M.H lên nhóm phụ huynh "cầu cứu" thì được "rỉ tai" có một số cửa hàng văn phòng phẩm, nhà sách ngoài bán hàng online thì có bán… "chui" nữa. Một phụ huynh chia sẻ: “Nhìn bên ngoài cửa hàng khép cửa, khi có khách gọi mua, họ mở “hé” cửa ra để bán".

Mục sở thị cách mua này, anh L.V. Q (huyện Thanh Trì) gọi điện đến 1 cửa hàng bán văn phòng phẩm trên địa bàn quận Hà Đông, thì được chủ cửa hàng cho biết chỉ bán online, nhưng mua 1-2 cuốn thì không ship. Chủ cửa hàng hướng dẫn anh L. V. Q đến mua trực tiếp: "Anh đến địa chỉ A, gọi điện vào số điện thoại 0777... sẽ có người mở “hé” cửa và đưa sách. Hóa đơn hết… anh chuẩn bị sẵn tiền để đưa”.

“Không còn cách nào khác, tôi tìm đến cửa hàng mua vở cho con theo một cách “lén lút” như vậy. Tôi không hiểu tại sao đồ dùng học tập phục vụ cho việc học của các con khi bắt đầu năm học mới lại không phải hàng thiết yếu? Đi mua sách, vở mà cứ... “lén lút” như đi ăn trộm”.

“Năm học mới đã bắt đầu, sách, vở hay đồ dùng học tập là những vật dụng không thể thiếu với mỗi học sinh. Thiết nghĩ, TP Hà Nội nên cho phép các cửa hàng sách, văn phòng phẩm mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh…”- anh Q nói.

Không chỉ mua sách vở… “chui”, chị N.H.N (Hà Đông, Hà Nội) còn phải đi phô tô “chui”. Vì không thể tìm mua được đủ sách, vở cho con, chị đã mượn sách của bạn để đi phô tô. Tìm đỏ mắt không có quán phô tô nào mở cửa, may mắn chị được người quen giới thiệu đến quán phô tô… “chui”. “Muốn được phô tô tôi phải gọi điện trước, hẹn giờ và mang sách đến đưa qua cánh cửa mở “hé” rồi đứng ngoài chờ, khi nào xong nhận sách và trả tiền cũng qua cánh cửa mở “hé” - chị N than thở.

Chia sẻ về những khó khăn khi bắt đầu năm học mới, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Chương Mỹ, Hà Nội bày tỏ, đây là một năm học bộn bề khó khăn. Đến bây giờ sách giáo khoa cho học sinh trong trường vẫn chưa đủ và có tới 80% học sinh không có máy tính phải học online qua điện thoại, nhiều em điện thoại cũng không có phải đến học chung với bạn cùng lớp. Mạng wifi thì chập chờn nên cả cô và trò đều vất vả.

Trường nằm trên địa bàn xã nông nghiệp, phụ huynh phần đa làm ruộng hay công nhân ở các khu nông nghiệp nên việc mua máy tính cho con học học là điều không dễ. Để có sách giáo khoa, nhiều phụ huynh phải đi mượn sách cũ, khó nhất là với lớp 2 và 6 bởi các con học theo chương trình mới, sách giáo khoa mới; lớp 1 thì mượn lại từ năm ngoái, nhưng số lượng cũng rất ít.

Nhà trường đã liên hệ với Phòng GD&ĐT huyện nhưng cũng không có đủ để mua vì nhiều công ty phát hành sách trong “vùng đỏ” phải đóng cửa. Do tình hình dịch bệnh nên cả cô và trò phải cố gắng, hi vọng 1 ngày không xa, các em lại được đến trường với đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập để phục vụ tốt nhất cho việc học.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm