Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 19/02/2015 - 09:54
(Thanh tra)- Nhiều thế hệ người Việt từng học tập, công tác tại Liên Xô luyến tiếc khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991. Với tôi, nỗi niềm đó lại nhân lên gấp bội khi năm 2014, nước Cộng hòa Ucraina lại “xẻ nghé, tan đàn”, nơi tôi có phần đời trẻ trung gắn bó.
Gặp mặt lưu học sinh Nga tại Hà Nội. Ảnh: Thế Lữ
Vàng son thời Xô Viết
Mùa Hè năm 1985, tôi nhập học Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev, ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học (Kiev là Thủ đô Ucraina). Một năm chuyên học tiếng Nga bởi ngành học của chúng tôi phải đọc nhiều tác phẩm kinh điển nên tiếng Nga phải khá. 5 năm học chuyên ngành, sau khi tốt nghiệp tôi được nhận vào làm việc ở Uỷ ban Nhân đạo quốc tế về thảm họa Chernobyl, gây quỹ tài trợ những người bị nhiễm phóng xạ từ sự cố Nhà máy Điện nguyên tử Chernobyl. Ngót ngét chục năm gắn với Thủ đô Kiev.
Từ năm 1991 trở về trước, Liên Xô có 15 nước cộng hòa. Ucraina là một thành viên có dân số và giàu tài nguyên thứ 2 sau Nga. Sinh viên Việt Nam được gửi sang đào tạo ở nhiều trường đại học của Liên Xô. Chúng tôi được ở trong thành phố sinh viên sạch đẹp, thoáng đãng. Giảng đường rộng với những giáo viên giỏi, trách nhiệm cao. Thư viện quanh năm sáng đèn. Các thầy cô mến yêu học sinh Việt Nam vì vừa học giỏi, vừa chăm chỉ. Mỗi tháng chúng tôi được nhận học bổng 90 rúp để ăn uống và chi tiêu, không phải trả tiền nhà và các khoản dịch vụ khác trong nhà ở (1 kg thị bò có giá 1,8 rúp, thịt gà 2,2 rúp, cái bánh mỳ to chỉ vài xu, cái bàn là đẹp chỉ 7 rúp, tủ lạnh 120 rúp...). Thời đó có hơn 50 nước gửi sinh viên sang học ở Trường Tổng hợp Kiev. Trong những giờ thuyết trình chung, giảng đường lớn có hàng trăm sinh viên đủ các màu da. Chúng tôi sống chan hòa, tôn trọng nét văn hóa đặc thù của mỗi nước.
Những kỳ nghỉ Đông, nghỉ Hè lại được phép chu du sang tận Đức, Tiệp, Hung, Ba Lan... hoặc về Việt Nam. Nhưng phần đa sinh viên Việt Nam đi đến các thành phố lớn ở các nước thuộc Liên Xô, nơi có bạn bè mình học hoặc đồng hương làm việc ở đó. Đó là thời kỳ tôi lên tận Tasken, vùng Trung Á hoặc xuống tận vùng Viễn Đông xa xôi giáp với Trung Quốc, cách nơi tôi ở gần 4.000 km. Giá vé máy bay thời đó quá rẻ. Nơi ăn ở thì đã có bạn bè lo. Chúng tôi thường nói đùa: “Liên Xô rộng nhất quả đất” và quả thật đúng vậy, chiều dài gần 9.000 km. Đất nước mênh mông, thiên nhiên, kiến trúc, con người tuy mỗi vùng có những đặc thù khác nhau, nhưng nhìn chung con người thời Liên Xô hồn hậu, thiên nhiên tươi đẹp.
Trong 10 năm ở xứ Bạch Dương, tôi đã bao lần thả bộ trên quảng trường đá xám trước Điện Cremly để được “hứng” những giọt chuông thánh thót trên tháp đồng hồ. Vài lần có mặt trong Lễ hội Đêm Hè ở St. Petersburg, đứng bên bờ sông Neva (con sông Cách mạng Tháng Mười huyền thoại) thưởng thức những phút giây về đêm huyền ảo của đất trời với màu ngà bàng bạc mà người bản xứ đặt cho cái tên thật lãng mạn “Đêm trắng nước Nga”! Từ Cung điện Mùa Đông, Cung điện Mùa Hè, những tháp ngà của các hoàng đế Nga đến những miền quê hẻo lánh xa xôi, tôi cũng đã có dịp đặt chân.
Thế nhưng, không hiểu vì sao Kiev đối với tôi lại nặng lòng đến thế?
Điêu tàn
Xa thầy cô, xa bè bạn đã mấy chục năm rồi, nỗi nhớ khôn nguôi.
Năm 2014 đối với tôi là một năm nặng nề. Hằng ngày, xem bản tin chiến sự từ Ucraina, lòng tôi lại chùng xuống. Đúng là một quá khứ đang bị tổn thương.
Trường Tổng hợp Kiev nằm trên đồi cao được sơn màu đỏ từ mấy trăm năm nay. Với tôi, đó là màu đỏ quay quắt, xót xa giữa xứ Bạch Dương xanh lá mùa Hè hay vàng rộm buổi Thu sang. Cách trường vài trăm mét là khu nhà thờ tráng lệ có nghìn năm tuổi, mái tháp dát vàng lấp lánh. Cách trường hai bến tàu điện ngầm là đến Quảng trường Maidan, nơi sau mỗi buổi học chúng tôi thường về đó thư giãn hoặc mua sắm đồ ăn vì thứ gì cũng có. Khu vực Maidan là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của Ucraina.
Nhưng giữa năm 2014, Maidan đã chìm trong khói lửa như ngày tận thế. Đó là điều không lường trước được. Cuộc đảo chính tháng 2/2014 lật đổ Chính phủ Yanukovych (thân Nga) đưa Poroshenko lên lập Chính phủ mới thân phương Tây. Những tưởng, đây là sự khởi đầu một nền dân chủ mới, nhưng Ucraine lại chìm đắm, đổ nát trong điêu tàn.
Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev. Ảnh: Thế Lữ
Năm 2014 là năm khó khăn nhất đối với kinh tế Ucraina kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 (1945 đến nay) và cảnh báo năm 2015 lạm phát có thể ở mức 18%, nợ công tăng tới 90% GDP (mức nguy hiểm). Theo Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngoài khoản tiền 17 tỉ USD đã được thông qua, Ucraina cần thêm 15 tỉ USD trong năm nay để tránh bị vỡ nợ. Rõ ràng tiền vào Ucraina như “gió vào nhà trống”. Chính phủ cần tiền để mua vũ khí, xây dựng quân đội, chứ chưa tập trung cải thiện dân sinh.
Nhiều bạn bè cùng học tiếng Nga ở Hà Nội, năm 1986 sang đây được phân về học ngôn ngữ Nga ở Đại học Tổng hợp Simperopol (thuộc Crưm), học Đại học Bách khoa Donetsk (thuộc vùng Donbass), số nữa về học Tổng hợp Odessa... Các kỳ nghỉ hoặc ngày lễ, chúng tôi thường qua lại thăm nhau, thăm thú những địa danh nổi tiếng của mỗi vùng.
Sau 1 năm chính biến, vùng đất biển giầu có, đẹp nhất của Ucraina bên bờ biển Đen: Crưm đã trở về Nga. Vùng nhiều khoáng sản nhất của Ucraina là Donbass cũng đang đòi độc lập, tách khỏi Ucraina. Đất cảng Odessa cũng đã chính biến... Mỗi cái tên gắn với chúng tôi nhiều kỷ niệm, giờ nhói đau.
Hơn 1 triệu người đã bỏ ra đi. Diện tích Ucraina đang thu hẹp lại. Các vùng, miền “xẻ nghé, tan đàn”. Mất mát to lớn là vậy. Những ngày này, những người Việt đang bám trụ lại ở Ucraina đang phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ. An ninh bất ổn, đồng tiền Ucraina trượt giá nên kinh doanh không còn thuận lợi.
Nỗi niềm về xứ Bạch Dương là nỗi niềm gửi về trường xưa, người cũ. Mong muốn nhất là Ucraina sớm qua “cơn dâu bể” để “rừng Bạch Dương sương trắng nắng tràn”.
Thế Lữ
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.
Trần Kiên
12:26 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý