Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải pháp nào ngăn chặn bạo lực học đường?

Hải Hà

Thứ năm, 09/11/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới, nhưng thời gian gần đây xảy ra với mật độ dày hơn, tính chất nghiêm trọng hơn khiến dư luận phẫn nộ, các bậc phụ huynh lo lắng. Giải pháp nào để ngăn chặn bạo lực học đường là câu hỏi được dư luận quan tâm?

Để trường học là nơi an toàn, hạnh phúc, cần tổng hòa của nhiều giải pháp, trong đó lấy “phòng” là chính chứ đừng để vụ việc xảy ra mới đi “chống”. Ảnh: HH

Liên tiếp các vụ việc đau lòng

Từ xưa đến nay, mái trường vốn là nơi để học sinh học tập, rèn luyện, nuôi dưỡng và chở che, nơi đây không chỉ cho các em học được kiến thức mà còn giáo dục thành người, là nơi an tâm nhất để phụ huynh gửi gắm con trẻ. Thế nhưng, giờ đây, trường học lại đầy những bất an.

Từ đầu năm học đến nay, mới chỉ hơn 2 tháng trôi qua, nhưng ngành Giáo dục đã có thêm nhiều câu chuyện đau lòng. Gần đây nhất, sáng 30/10, mạng xã hội lan truyền một đoạn video clip ghi lại cảnh một học sinh nam bị bạn đánh tới tấp vào mặt và đầu ngay tại lớp học.

Theo nội dung đoạn clip, nam sinh mặc đồng phục thể dục của Trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, đang ngồi tại lớp học, bị một nam sinh khác liên tiếp tung những cú đấm mạnh "như trời giáng" vào mặt và đầu. Nam sinh đánh bạn còn chửi thề và tỏ thái độ hung hãn.

Đáng nói, khi xảy ra vụ việc, xung quanh có nhiều học sinh khác chứng kiến nhưng không ai can thiệp. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh đã xác nhận sự việc xảy ra tại một lớp học thuộc khối 9, Trường THCS Đống Đa.

Trước đó không lâu, ngày 25/10, trên mạng xã hội cũng lan truyền clip một nam sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, bị một nhóm bạn đánh dẫn đến hoảng loạn, lo lắng, rối loạn phân ly, phải đi điều trị dài ngày tại bệnh viện.

Đáng buồn là sự việc này xảy ra cả trong và ngoài nhà trường và diễn ra trong thời gian dài nhưng không được xử lý kịp thời, đến khi vỡ lở thì em học sinh đã mang trong mình nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần.

Không chỉ ở các TP lớn, bạo lực học đường len lỏi đến cả các vùng quê. Công an xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đang xử lý vụ việc một nữ sinh lớp 9 tại địa phương bị 5 bạn cùng trường đánh nhiều lần.

Theo gia đình phản ánh, nữ sinh lớp 9, học Trường Tiểu học - THCS Vạn Thạnh liên tục bị nhóm bạn học cùng trường đánh, lột đồ nhiều lần. Trong đó, 5 bạn học tại trường thường xuyên ép cháu ra những khu vực vắng vẻ để đánh đập. Đỉnh điểm là nhóm nữ sinh này quay lại clip đánh đấm, lột đồ rồi chia sẻ lên mạng xã hội...

Rõ ràng, trường học đang trở nên mất an toàn khi hàng loạt sự cố xảy ra, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của học sinh. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề an toàn trường học.

Lấy "phòng" là chính, không để xảy ra mới... "chống"

Sau hàng loạt sự việc đau lòng xảy ra, ngành Giáo dục và các địa phương đã đưa ra nhiều văn bản xử lý, chấn chỉnh. Đơn cử, với sự việc tại Trường THCS Đống Đa, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh đề nghị nhà trường tiến hành thành lập hội đồng kỷ luật xử lý vụ việc nhằm răn đe và giáo dục các em.

Hay vụ việc tại Trường THCS Đại Đồng, hội đồng kỷ luật họp xét kỷ luật, quyết định các học sinh đánh bạn nghỉ học 4 ngày để kết hợp các biện pháp giáo dục khác. Trường cũng tổ chức họp tập thể hội đồng sư phạm rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. UBND huyện Thạch Thất có văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm ban giám hiệu.

Sau nhiều sự việc, vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện văn hóa, chấn chỉnh hành vi thiếu chuẩn mực trong trường học. Trong đó, đặc biệt chú ý tới phòng, chống bạo lực học đường.

Có thể thấy, sau mỗi vụ bạo lực học đường, các nhà trường, địa phương đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu giải pháp chỉ là nhắc nhở hay kiểm điểm khô cứng, hời hợt thì rất khó chấm dứt tình trạng trên.

Để trường học là nơi an toàn, hạnh phúc, cần tổng hòa của nhiều giải pháp, trong đó lấy “phòng” là chính chứ đừng để vụ việc xảy ra mới đi “chống”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, bày tỏ: Để ngăn chặn hành vi bạo lực, các nhà trường cần chú trọng công tác phòng, chống bạo lực học đường, nghiêm túc triển khai phòng tham vấn tâm lý học đường, tăng cường bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để trang bị cho thầy cô kỹ năng trong làm chủ cảm xúc, chuyển hóa cảm xúc; luôn quan tâm, hỗ trợ học sinh, kịp thời phát hiện và hóa giải mâu thuẫn ngay khi vừa nảy sinh.

Chung quan điểm, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng, phải thực sự xây dựng được trường học hạnh phúc để điều chỉnh hành vi, thay đổi văn hóa ứng xử của học trò, khi môi trường nhà trường tốt thì hành vi bạo lực sẽ được kiểm soát.

“Phải phát huy được vai trò của phòng tham vấn học đường trong nhà trường. Phát huy tối đa vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Các thầy cô phải tâm huyết, làm hết mình và lấy chiến lược “phòng” là chính chứ đừng để vụ việc xảy ra mới bắt đầu “chống””-  TS Hoàng Trung Học chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về chất lượng giáo dục, coi phẩm chất đạo đức, giáo dục lối sống của học sinh quan trọng không kém thành tích học tập. Coi đây là một tiêu chí quan trọng cần ưu tiên hàng đầu trong việc giáo dục con người…

Xây dựng trường học hạnh phúc

Để phòng, chống bạo lực học đường, các chuyên gia đều cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng đó là xây dựng trường học hạnh phúc.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), trường học hạnh phúc là nơi có các mối quan hệ con người tích cực, có phương pháp dạy và học phù hợp, có môi trường an toàn và thân thiện. Bởi vậy, khi xây dựng trường học hạnh phúc cần chú ý cả 3 yếu tố: Con người - hệ thống - môi trường (được cụ thể hóa bằng 22 tiêu chí), trong đó, đặc biệt cần quan tâm đến môi trường an toàn, không có bắt nạt/bạo lực học đường. Phòng, chống bạo lực học đường là một yếu tố then chốt để tạo nên một trường học an toàn, hạnh phúc.

Ở nước ta hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai xây dựng trường học hạnh phúc. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên trên cả nước triển khai một cách bài bản về trường học hạnh phúc.

Tháng 10 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã ban hành bộ tiêu chí trường học hạnh phúc. Bộ tiêu chí gồm 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: Về con người; về dạy học và hoạt động giáo dục; về môi trường.

Điểm đáng ghi nhận là các nội dung gợi ý thực hiện trường học hạnh phúc thể hiện quan điểm giáo dục khá tích cực và tiến bộ.

Ví dụ như chấp nhận, xem lỗi sai của người học như một phần của quá trình dạy để hướng dẫn học sinh ngày càng tiến bộ, học sinh có được ý thức về thành tích và thành tựu không chỉ ở điểm số cao mà nhiều hơn là sự công nhận, khuyến khích, động viên từ giáo viên, cha mẹ, nhà trường…

Hi vọng rằng, mô hình trường học hạnh phúc sẽ tạo được sức lan tỏa sâu rộng đến 63 tỉnh, thành trên cả nước, để ngày càng có thêm trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, từ đó, đẩy lùi được bạo lực học đường.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm